Quy định về quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng có yếu tố

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 50)

48

Là một loại quan hệ đặc biệt, được hình thành ngay sau sự kiện đăng ký kết hôn, quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Quan hệ nhân thân giữa vợ - chồng là quan hệ hình thành trên cơ sở những chế định pháp luật gắn liền với sự kiện kết hôn và không thể chuyển giao cho người khác như quyền đối với tên gọi, quốc tịch; quyền và nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; quyền được chung sống, cùng thực hiện công việc trong gia đình; quyền được đại diện cho nhau trong một số trường hợp; quyền được ly thân, ly hôn… Quan hệ tài sản là quan hệ giữa vợ với chồng thông qua một tài sản, thường được biểu hiện bởi ba dạng quyền năng: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Ngoài ra, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng còn bao gồm quyền được nhận cấp dưỡng từ bên kia trong những trường hợp cụ thể…

Nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia cho thấy, để điều chỉnh quan hệ tài sản và nhân thân giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài, phần lớn các nước sử dụng nguyên tắc luật quốc tịch để điều chỉnh quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng (Pháp), quan hệ tài sản (Nauy) hoặc điều chỉnh cả quan hệ nhân thân và tài sản (các nước Đông Âu). Pháp luật các nước Đức, Italia, Hy Lạp… quy định các bên có quyền thỏa thuận chọn pháp luật để điều chỉnh quan hệ tài sản của mình, trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch. Nếu vợ chồng không cùng quốc tịch thì áp dụng pháp luật nước người chồng mang quốc tịch để điều chỉnh quan hệ đó.

Một số quốc gia (Anh, Mỹ, Pháp, Nauy) áp dụng nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự để điều chỉnh. Nhiều nước sử dụng hệ thuộc luật nơi cư trú làm căn cứ bổ sung để giải quyết xung đột pháp luật trong vấn đề này. Ví dụ: Pháp luật Đức áp dụng hệ thuộc chính là quốc tịch của các bên và bổ sung hệ thuộc luật nơi cư trú và nơi có tài sản; Thụy Sỹ cho phép các bên thỏa thuận về luật áp dụng nếu không có thỏa thuận thì áp dụng nguyên tắc luật nơi cư trú. Trong việc xác định luật áp dụng để giải quyết về hệ quả của chế độ tài sản của vợ, chồng đối với người thứ ba, một số nước có quy định về vấn đề này đều có xu hướng lấy hệ thuộc luật nơi cư trú làm nguyên tắc chính. [43, tr. 367 - 368]. Ngoài ra,

49

nguyên tắc luật nơi có tài sản thường được các quốc gia áp dụng để điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.

Trong quá trình ký kết HĐTTTP, phần lớn các quốc gia lựa chọn nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự là nguyên tắc chính, bổ sung nguyên tắc luật quốc tịch. Điều đó có nghĩa quan hệ vợ chồng do pháp luật nước nơi các bên chung sống quyết định, trường hợp vợ chồng khác nơi cư trú và cùng quốc tịch thì áp dụng pháp luật họ mang quốc tịch, trường hợp khác cả nơi cư trú và quốc tịch thì áp dụng pháp luật nơi cư trú chung cuối cùng để điều chỉnh. Theo HĐTTTP Việt Nam - Cu Ba [12, Điều 23], HĐTTTP Việt Nam - Ba Lan [11, Điều 24], HĐTTTP Việt Nam – Hungari [13, Điều 32], HĐTTTP Việt Nam – Tiệp Khắc [17, Điều 19], nguyên tắc luật quốc tịch là nguyên tắc chính, pháp luật nơi cư trú được bổ sung trong trường hợp các bên không cùng quốc tịch. Ngược lại, trong các HĐTTTP ký với Nga, HĐTTTP Việt Nam - Mông Cổ, HĐTTTP Việt Nam – Lào nguyên tắc luật nơi cư trú chung của vợ chồng được ưu tiên áp dụng và luật quốc tịch được bổ sung [16, Điều 25], [15, Điều 25], [14, Điều 26].

Điều đáng tiếc là Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 và Luật HN &GĐ năm 2014 không có điều khoản riêng quy định về nguyên tắc chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài. Trừ Điều 130 Luật HN &GĐ năm 2014 quy định áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 và khoản 1, 2 Điều 100 Luật HN&GĐ năm 2000; khoản 1 Điều 122 Luật HN &GĐ năm 2014 thì “các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước CHXHCN Việt Nam được áp dụng đối với QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, Luật HN&GĐ chưa đưa ra nguyên tắc chọn luật áp dụng để giải quyết trong trường hợp xung đột pháp luật mà chỉ quy định chung.

Căn cứ Luật HN&GĐ năm 2000, quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng được quy định tại chương III với 16 điều và đã gia tăng thành 33 điều tại Luật HN &GĐ năm 2014. Ngoài ra được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật liên

50

quan. Trong nội dung tiếp theo, đối với quan hệ về nhân thân, tác giả phân tích về quyền đối với quốc tịch và quyền được đề nghị ly thân của vợ - chồng. Đối với quan hệ về tài sản, tác giả tập trung phân tích về chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng… là những vấn đề đang thu hút nhiều quan điểm khác nhau hoặc mới được bổ sung, sửa đổi trong pháp luật Việt Nam.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)