Về nghi thức kết hôn

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 46)

Nghi thức kết hôn là trình tự chính thức để công nhận quan hệ vợ chồng một cách hợp pháp. Khi các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành kết hôn theo nghi thức luật định. Nếu các bên không tiến hành kết hôn thì quan hệ của họ không được coi là quan hệ vợ chồng và không được pháp luật bảo vệ. Như vậy, nếu điều kiện kết hôn được coi là “điều kiện về nội dung” thì nghi thức kết hôn có thể được coi là “điều kiện về hình thức” của sự kiện kết hôn.

Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ năm 2014 thì nghi thức kết hôn hợp pháp của Việt Nam là nghi thức kết hôn dân sự. Việc kết hôn phải được đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi đăng ký kết hôn phải có mặt của cả hai bên nam nữ kết hôn; đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn của họ, nếu hai bên đồng ý tự nguyện thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định của LHNGĐ sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng; vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn [30, Điều 11, 14; 3, Điều 9].

Về cơ quan thực hiện đăng ký kết hôn, theo Điều 102 Luật HN&GĐ năm 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc UBND cấp xã, phường

44

ở khu vực biên giới nơi thường trú của công dân Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Theo Điều 123 Luật HN&GĐ năm 2014, thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Theo Dự thảo Luật Hộ tịch (đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), kết hôn là một sự kiện pháp lý được xác nhận vào Sổ hộ tịch và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài [8, Điều 2, 5]. Như vậy, thẩm quyền đăng ký hộ tịch trong đó có kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được chuyển giao từ UBND cấp tỉnh sang UBND cấp huyện.

Theo nhận định của tác giả, quy định như dự thảo Luật Hộ tịch là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài là công việc phức tạp, giấy tờ, hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền cấp bằng tiếng nước ngoài, do đó đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác hộ tịch ở các cơ quan tư pháp địa phương “còn thiếu, trình độ còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được thực hiện đồng bộ” [5]. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, số cán bộ tư pháp hộ tịch trên toàn quốc có trình độ Đại học luật chiếm tỷ lệ 27%, còn lại 50% là trung cấp luật và 23% chưa có bằng về luật mà chỉ mới qua đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn [4]. Quy định giao cán bộ tư pháp cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc và nên giữ nguyên quy định hiện hành là giao UBND cấp tỉnh thực hiện đăng ký việc hộ tịch - trong đó có kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Điểm hạn chế, bất cập mà Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ năm 2014 vướng mắc đó là pháp luật Việt Nam chưa quy định nguyên tắc chọn luật áp dụng để xác định tính hợp pháp của nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Như trên đã trình bày, một QHHN chỉ được xác thực tính hợp pháp khi đáp ứng hai điều kiện về nội dung và nghi thức. Việc đáp ứng điều kiện nghi thức kết hôn chính là bằng chứng rõ ràng, chính xác và khách quan nhất thể hiện cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã thẩm tra và công nhận tính hợp pháp về điều kiện

45

nội dung. Do đó, nghi thức kết hôn là một bộ phận, không thể tách rời phạm vi của quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, nội dung Điều 103 Luật HN&GĐ năm 2000 và Điều 126 Luật HN&GĐ năm 2014 khi quy định về “kết hôn có yếu tố nước ngoài” chỉ quy định về nguyên tắc chọn luật áp dụng đối với điều kiện kết hôn mà không

quy định về nghi thức kết hôn.

Nhằm khắc phục bất cập trên và cụ thể hóa nội dung Luật HN& GĐ năm 2000, Điều 14 và 17 của Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN&GĐ về QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định: “Thủ tục tiến hành đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được tiến hành tại Việt Nam và việc đăng ký kết hôn được tiến hành trước cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài”. Theo đó, đối với những trường hợp đăng ký kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì nghi thức kết hôn phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Còn đối với trường hợp việc đăng ký kết hôn đã được tiến hành tại nước ngoài, vấn đề công nhận việc kết hôn ở nước ngoài trước cơ quan của thẩm quyền của nước ngoài được đặt ra nếu “vào thời điểm kết hôn công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn”. Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục, hoặc việc công nhận đó có lợi cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và của trẻ em, thì hôn nhân đó cũng được công nhận tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định trên chỉ điều chỉnh một số trường hợp và quy định về công nhận việc kết hôn ở nước ngoài khi không được tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mà không phải là nguyên tắc chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh khi có xung đột pháp luật. Nói cách khác, pháp luật Việt Nam chưa quy định nguyên tắc chọn pháp luật áp dụng để xác định tính hợp pháp của nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Sự thiếu hụt này sẽ là khó

46

khăn, vướng mắc cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan tới vấn đề này.

Như vậy, có thể thấy, so với các quy định của các quốc gia khác, sự khác biệt đồng thời là bất cập, hạn chế của Luật HN&GĐ Việt Nam là chưa quy định về luật điều chỉnh nghi thức kết hôn đối với QHHN có yếu tố nước ngoài cũng như chưa quy định về nguyên tắc chọn luật áp dụng để xác định tính hợp pháp của nghi thức kết hôn trong trường hợp có xung đột pháp luật. Điều đó dẫn đến sự khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật để điều chỉnh. Đây cũng là tồn tại cần được khắc phục để đảm bảo hoàn thiện pháp luật Việt Nam điều chỉnh về QHHN có yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 46)