Hủy việc kết hôn trái pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 49)

Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài không tuân thủ quy định về điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn thì bị coi là trái pháp luật (hoặc hôn nhân vô hiệu). Căn cứ vào mức độ vô hiệu của hôn nhân có thể phân thành hai loại là hôn nhân vô hiệu tuyệt đối và hôn nhân vô hiệu tương đối. Hôn nhân vô hiệu tuyệt đối là hôn nhân vi phạm nghiêm trọng các điều quy định của pháp luật, ví dụ kết hôn không được sự đồng ý của các bên nam nữ hoặc kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng. Hôn nhân vô hiệu tương đối là hôn nhân tuy vi phạm pháp luật nhưng vào thời điểm xử lý thì vi phạm đó đã không còn nữa. Ví dụ, các bên nam nữ kết hôn với nhau đã vi phạm pháp luật về điều kiện tuổi kết hôn, nhưng khi xử lý tình trạng vi phạm pháp luật này thì tuổi của các bên đã phù hợp với quy định của pháp luật. Hậu quả pháp lý hôn nhân vô hiệu là hủy việc kết hôn.

Để giải quyết xung đột pháp luật về hủy việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, phần lớn pháp luật các nước áp dụng hai nguyên tắc chọn luật. Việc hủy kết hôn do vi phạm điều kiện về hình thức kết hôn thì áp dụng nguyên tắc luật nơi tiến hành kết hôn. Việc hủy kết hôn do vi phạm điều kiện về nội dung của kết hôn thì áp dụng nguyên tắc pháp luật của công dân vi phạm mang quốc tịch để điều chỉnh, giải quyết. Các nguyên tắc này cũng được quy định trong các HĐTTTP Việt Nam ký với các quốc gia như HĐTTTP VN – Hunggari [13, Điều 34]; HĐTTTP VN – Ucraina [18, Điều 26]; HĐTTTP

47 VN – Mông Cổ [15, Điều 27]...

Tại Việt Nam, đối với pháp luật quốc gia, Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ năm 2014 chưa quy định rõ ràng về nguyên tắc chọn luật áp dụng để hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nhưng căn cứ khoản 3 Điều 102 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 3 Điều 123 Luật HN&GĐ năm 2014 phân định thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật có thẩm quyền chung và TAND cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú có thẩm quyền đối với các vụ, việc mà một bên đương sự là công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới với Việt Nam. Như vậy có thể hiểu, tại Việt Nam, nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật là luật nơi cư trú của đương sự và luật tòa án.

Theo khoản 6 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014, kết hôn trái pháp luật là “việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật là “hai bên phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này”. Như vậy, vấn đề hủy kết hôn trái pháp luật chỉ đặt ra đối với những trường hợp vi phạm về điều kiện kết hôn, còn đối với những trường hợp vi phạm về nghi thức kết hôn (như đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền) thì “khi có yêu cầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn cũ và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, QHHN được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước” (Điều 13, Luật HN&GD năm 2014).

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong tương quan so sánh với một số quốc gia trên thế giới (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)