Phương pháp xác định tiền lương tối thiểu vùng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 28)

IV. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VÀ ĐIỀU CHỈNH TLTT

2.2.Phương pháp xác định tiền lương tối thiểu vùng

Mục tiêu tiền lương tối thiểu theo vùng là để đáp ứng sự khác biệt về không gian của các yếu tố chi phối tiền lương tối thiểu chung, nhấn mạnh yếu tố đặc thù của từng vùng cũng như chiến lược phát triển trong từng vùng. Việc quy định tiền lương tối thiểu theo vùng nhằm bảo đảm sức mua của mức lương tối thiểu tại các vùng với các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị khác nhau; Góp phần điều tiết quan hệ cung - cầu lao động giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động giữa các vùng, tạo ra dòng di chuyển lao động và dân cư hợp lý giữa các vùng, góp phần điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp giữa các vùng.

Thông thường tiền lương tối thiểu vùng được xác định bằng cách lấy tiền lương tối thiểu chung do nhà nước quy định nhân với hệ số K (hệ số chênh lệch giữa mức lương tối thiểu của vùng đó với mức lương tối thiểu chung) hoặc có thể tính riêng cho từng vùng nếu không tính phụ cấp vùng riêng cho từng vùng. Theo đó, tiền lương tối thiểu theo vùng được xác định dựa theo một số yếu tố chủ yếu:

- Nhu cầu tối thiểu của người lao động trong các vùng. Nhu cầu nói chung của người lao động trong các vùng rất khác nhau: ở nông thôn, miền núi và trung du, nhu cầu về ăn, ở, mặc, y tế, văn hoá giáo dục, đi lại, và duy trì phát triển giống nòi khác với nhu cầu của người lao động ở các đô thị.

- Mức sống chung đạt được trong vùng. Mức sống trong vùng phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của vùng, sản xuất kinh doanh càng phát triển và có hiệu quả thì mức sống càng cao và ngược lại. Để đánh giá mức sống trong từng vùng cần chú ý tới 4 yếu tố chủ yếu là hệ số chênh lệch về thu nhập; hệ số chênh lệch về mức chi tiêu; hệ số chênh lệch về tỷ lệ chi cho ăn trong cơ cấu chi tiêu; hệ số chênh lệch về chỉ số phát triển con người và mức tiền lương, tiền công đạt được trong vùng.

- Giá cả và tốc độ tăng giá sinh hoạt ở từng vùng. Giá cả tại một thời điểm đã được xem xét cùng với nhu cầu tối thiểu để tính cụ thể mức lương tối thiểu, nhưng mức độ trượt giá chưa được xem xét để đưa vào lương tối thiểu. Do đó cần theo dõi chặt chẽ sự biến động để điều chỉnh tiền lương tối thiểu kịp thời nhằm đảm bảo tiền lương thực tế cho người hưởng lương.

- Các yếu tố chính trị- kinh tế- xã hội, đây cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến mức lương tối thiểu theo vùng, tuy nhiên trong giai đoạn trước mắt chưa nên đưa yếu tố này vào lương tối thiểu mà đưa ra những chính sách khác như phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt... để phục vụ cho mục đích chính trị- kinh tế- xã hội trong những giai đoạn nhất định.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp ở Việt Nam (Trang 28)