Về khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 66)

4) Chủ thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

2.1.2.2.Về khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự

Khoản 2 quy định các trường hợp có các tình tiết định khung tăng nặng như sau:

a) Phạm tội có tổ chức. Theo đó, cũng như các trường hợp phạm tội

có tổ chức khác, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc kỹ lưỡng, chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo kế hoạch để thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp

luật, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu. Ngoài ra, đây là một hình thức đồng phạm, có sự phân công vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt mới được quy định trong khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, trước đây không quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985. Do đó, không áp dụng đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01/7/2000 mới phát hiện xử lý.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt,

giữ hoặc giam người trái pháp luật là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ. Nếu người này không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ không hoặc khó có thể thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Do đó, chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội thì mới bị coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Trường hợp tội phạm do người phạm tội thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.

c) Đối với người thi hành công vụ. Đây là trường hợp người bị bắt, bị

giữ hoặc bị giam (người bị hại) là người thi hành công vụ, tức là người bị hại thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho, phân công. Nhiệm vụ được giao này có thể là do nghề nghiệp quy định (cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ, canh gác, thầy thuốc điều trị tại bệnh viện, giáo viên giảng bài, thẩm phán, hội thẩm xét xử tại phiên tòa...). Tuy nhiên, về tình tiết tăng nặng định khung hình phạt này, có quan điểm cho rằng: "cũng được coi là thi hành công vụ đối với những người tuy không được giao

nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hòa giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng" [40, tr. 57]. Theo chúng tôi, nếu coi như vậy chỉ phù hợp về mặt thực tiễn nhưng chưa hợp lý về mặt lý luận, đồng thời việc áp dụng như vậy đôi khi sẽ gây bất lợi cho người phạm tội, đồng thời lại mở rộng quá nội hàm khái niệm người thi hành công vụ. Do đó, chỉ nên khống chế các loại người như đã nêu và trong khi thi hành công vụ, họ bị người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, qua đó cản trở công việc được giao, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp (quyền tự do, thân thể) của người thi hành công vụ mà thôi.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý là: người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu thi hành nhiệm vụ trái với pháp luật mà bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ngoài ra, do điều luật chỉ quy định đối với người thi hành công vụ mà không quy định đối với người đang thi hành công vụ nên cần phải được hiểu trường hợp phạm tội này bao gồm người đang thi hành công vụ và người đã hoặc sẽ thi hành công vụ mà bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật (vì lý do công vụ của nạn nhân). Tương tự, đối với thi hành công vụ là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà trước đây không quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985.

d) Phạm tội nhiều lần. Đây là trường hợp một người có hành vi hai lần

trở lên bắt, giữ hoặc giam một người trái pháp luật, cụ thể ra là họ có thể là hai lần bắt, hai lần giữ hoặc hai lần giam người trái pháp luật trở lên, nhưng cũng có thể một lần bắt, một lần giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng chỉ đối với một người bị hại xảy ra nhiều thời điểm khác nhau. Đồng thời, mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội này và người phạm tội bị đưa ra xét xử cùng một lần. Tuy vậy, trường hợp nếu có

hai lần bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, trong đó có một lần hành vi không cấu thành tội phạm thì không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. Ngoài ra, đây cũng là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà trước đây không quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985.

đ) Đối với nhiều người. Đây là trường hợp một người có hành vi bắt,

giữ hoặc giam từ hai người trở lên cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau. Trong số những người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật, có thể có người chỉ bị bắt, có người chỉ bị giữ, có người chỉ bị giam, nhưng cũng có thể có người vừa bị bắt, vừa bị giữ lại vừa bị giam tùy từng trường hợp cụ thể. Trường hợp trong số những người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật có người thi hành công vụ thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết đối với người thi hành công vụ ngoài tình tiết đối với nhiều người. Bắt, giữ hoặc giam nhiều người trái pháp luật cũng là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà trước đây không quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985.

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 66)