Khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 53)

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng bị tội phạm đe dọa bằng cách gây thiệt hại và trực tiếp đe dọa gây thiệt hại ở một chừng mực nhất định. Trong khách thể được chia ra thành khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp.

Khách thể loại bị các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân xâm hại là các quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong các quyền đó, khách thể trực tiếp của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền tự do thân thể của công dân. Đây là một trong các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế và Hiến pháp, các đạo luật quan trọng của Việt Nam ghi nhận và bảo vệ. Chẳng hạn, dưới góc độ pháp lý quốc tế, lần đầu tiên quyền này được quy định trong Điều 9 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, sau đó được cụ thể hóa cũng trong Điều 9 Công ước quốc tế và các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) với các nội dung như:

Một là, mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không

ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp bị tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định.

Hai là, bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị

bắt về những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ.

Ba là, bất kỳ người nào bị bắt hoặc giam giữ về một tội hình sự phải

được sớm đưa ra Tòa án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo các điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại Tòa án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết tội.

Bốn là, bất kỳ người nào bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước Tòa án, nhằm mục đích để Tòa án đó có thể quyết định không chậm chễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp.

Năm là, bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị

giam giữ bất hợp pháp đều có quyền được yêu cầu bồi thường.

Như đã phân tích ở chương 1, tự do thân thể là khả năng của con người hoạt động thân thể theo mong muốn của bản thân mà không bị ngăn cấm, cản trở, ràng buộc. Hành vi bắt, giữ hoặc giam một người gây cản trở đến khả năng hoạt động, di chuyển thân thể theo mong muốn chủ quan của người đó.

Quyền tự do thân thể là nền tảng, cơ sở để thực hiện các quyền tự do khác nên tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được đánh giá là tội phạm nghiêm trọng hơn các tội phạm xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ khác của công dân.

Theo cách gọi tên chung của các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân ở Chương VIII Bộ luật Hình sự hiện nay thì khách thể bị xâm hại bởi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật chỉ gồm quyền tự do thân thể của công dân. Tuy nhiên, trong thực tế, không chỉ có quyền tự do thân thể của công dân Việt Nam (những người mang quốc tịch Việt Nam) mới bị xâm hại. Hành vi bắt, giữ, giam người có thể xâm hại tới cả quyền tự do thân thể của những người không phải là công dân Việt Nam. Điều này sẽ không phải là hiếm vì trong xu thế hội nhập hiện nay ngày càng có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại Việt Nam và không loại trừ sẽ là đối tượng tác động của tội phạm này. Do đó, thực tế đặt ra vấn đề gây tranh luận là khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền tự do thân thể của công dân hay quyền tự do thân thể của con người. Nghiên cứu Bộ luật

Hình sự Việt Nam hiện nay thể hiện quan điểm cho rằng khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền tự do thân thể của công dân nhưng theo chúng tôi, khách thể của tội phạm này phải là quyền tự do thân thể của con người (bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài (người có quốc tịch nước khác hoặc không quốc tịch) công tác, sinh sống tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 1992: "Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam". Là một đạo luật, quy định trong Bộ luật Hình sự cần phải phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp.

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 53)