Mặt chủ quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 63)

Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến bên trong phản ánh trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó. Nếu mặt khách quan của tội phạm là sự biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan là diễn biến bên trong của người phạm tội. Hai mặt này có mối liên hệ thống nhất chặt chẽ với nhau. Luật hình sự chỉ xem xét trách nhiệm hình sự khi hành vi khách quan có mối quan hệ với mặt chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, mặt chủ quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Lỗi trong luật hình sự gồm hai hình thức: lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Người phạm tội thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là do cố ý (hay còn gọi là lỗi cố ý). Tuy nhiên, tùy từng trường hợp nếu người phạm tội do thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì không phải tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà có thể xem xét hành vi của họ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính trên những cơ sở chung.

Người phạm tội này có thể vì động cơ và mục đích khác nhau. Tuy nhiên, trong từng trường hợp dưới đây là xác định cụ thể:

1) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội bạo loạn, tội hoạt động phỉ hay tội khủng bố... (Chương XI - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia Bộ luật Hình sự);

2) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134 Bộ luật Hình sự);

3) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và tra tấn, đánh đập người đó đến chết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự);

4) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng đối tượng là phụ nữ (hoặc bao gồm cả phụ nữ, trẻ em) nhằm mục đích hiếp dâm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (Điều 111) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 Bộ luật Hình sự);

5) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đối tượng là phụ nữ hoặc trẻ em nhằm mục đích đem bán thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ (Điều 119) (nay là tội mua bán người (Điều 119) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 19/6/2009) hoặc tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 Bộ luật Hình sự);

6) Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng họ là người có chức vụ, quyền hạn nếu không liên quan đến việc bắt, giữ hoặc giam người theo quy định của pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn" theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự; còn nếu có liên quan đến việc bắt, giam, giữ người theo quy định của pháp luật nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý không ra quyết định trả tự do cho người đang bị giam, giữ hoặc cố tình không chấp hành lệnh trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật khi đã có đầy đủ điều kiện trả tự do cho người đó thì người phạm tội bị truy cứu

về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam người trái pháp luật (Điều 303 Bộ luật Hình sự).

Như vậy, lỗi là một trong những dấu hiệu quan trọng, còn động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh.

Một phần của tài liệu Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam (Trang 63)