định trách nhiệm hình sự và vai trò của người thực hành trong đồng phạm
Về mặt lý luận, trách nhiệm hình sự của người thực hành xem xét trên cơ sở mức độ, tính chất hành vi tham gia thực hiện tội phạm của người thực hành. Tuy nhiên, khi áp dụng lý luận vào thực tiễn xét xử những hành vi cụ thể ta sẽ thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc bất cập, chưa tìm được sự thống nhất trong những cơ quan áp dụng pháp luật
a) Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm
Theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam đã xác định: Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật, trong phạm vi những chế tài điều luật ấy quy định. và phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng định khung hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 48 Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng gây ra hoặc cùng nhận thức được tình tiết đó.
Tuy vậy, không phải trong mọi trường hợp cứ có nhiều người cùng thực hiện một tội phạm đều là đồng phạm.
Vụ án thứ nhất: Tại bản án số 12 /2006/HSST ngày 15/4/2006 của Toà
án quân sự khu vực H đã xét xử vụ án có nội dung như sau:
Nguyễn Văn B- là chỉ huy- có tư thù cá nhân với cấp dưới của mình là Lê Văn H nên đã chỉ đạo cho Trần Hữu T và Lê Văn V. (cũng là cấp dưới của B.) làm nhục H. để trả thù. B. gọi T và V đến nhà mình để bàn bạc địa điểm và cách hành động…
Có quan điểm cho rằng, đó là phạm tội có tổ chức trong một vụ án đồng phạm vì có sự phân công phân cấp, có sự bàn bạc và câu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm có người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Trong vụ án này người tổ chức là Nguyễn Văn B., còn người thực hành là T và V.
Thế nhưng có quan điểm thứ hai cho rằng, đây không thể là phạm tội có tổ chức vì đây không phải là vụ án đồng phạm.
Khi xác định tội danh thấy rằng cả B, T và V cùng trong quân đội. B sẽ phạm vào tội: "Làm nhục đối với cấp dưới" theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự. Còn T và V phạm vào tội: "Làm nhục đồng đội" theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Và như vậy trong trường hợp này sẽ không có đồng phạm vì không cùng một tội danh. Đồng phạm là "cố ý cùng thực hiện một tội phạm". Đã không có đồng phạm thì sự câu kết chặt chẽ, sự phân công phân cấp, sẽ không còn ý nghĩa gì và như thế sẽ không thể là phạm tội có tổ chức. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai.
Rõ ràng trong vụ án này cả người tổ chức và người thực hành đều với một mục đích là làm nhục nhưng Bộ luật Hình sự lại quy định hai điều khác nhau là làm nhục đối với cấp dưới và làm nhục đồng đội. Điều này cũng dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau khi xác định trách nhiệm hình sự cho mỗi bị cáo.
Vụ án thứ hai: Tại bản án số 139/2008/HSST của Toà án nhân dân
quận H, thành phố Đ đã xét xử vụ án với nội dung như sau: Đi làm về, bắt gặp vợ mình đang quan hệ với Mai Xuân H ngay tại nhà mình. Nguyễn Văn C cầm dao đuổi đánh người tình của vợ, thấy vậy Trần Văn T (bạn của C) vào giúp sức, cầm gậy đuổi đánh Mai Xuân H gây thương tích 38% (xác định C gây thương tích cho H 22%; T gây thương tích cho H 16%). Trong vụ án này cả C và T đều cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Đây là đồng phạm giản đơn (cả 2 đều là người thực hành) thế nhưng C bị truy tố Điều 105 tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh". Còn T bị truy tố theo Điều 104 Bộ luật Hình sự tội "Cố ý gây thương tích".
Đã không cùng một tội phạm thì sẽ không phải là đồng phạm cho dù có cùng mục đích. Trường hợp này, về mặt khách quan cả hai bị cáo đều thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho cùng một người, có dấu hiệu về đồng phạm nhưng do quy định về mặt chủ quan của chủ thể tội phạm trong Bộ luật Hình sự khác nhau nên hai bị cáo không thoả mãn dấu hiệu về đồng phạm nên không phải đồng phạm. Tác giả nhất trí với quan điểm truy tố này.
Hoặc trong thực tiễn xét xử,cùng một vụ án việc nhận định phạm vi hậu quả do hành vi các bị cáo gây ra, trách nhiệm của những người đồng phạm trong vụ án vẫn có sự khác nhau, vì vậy dẫn đến việc xử lý vật chứng trong vụ án, xử lý trách nhiệm dân sự của các bị cáo khác nhau.
Ví dụ: Tại bản án số 93/2009/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh N xét xử
vụ án có nội dung như sau: Để tạo điều kiện cho một số tư thương buôn lậu hành hoá là hoa quả qua biên giới, trong thời gian dài 26 bị cáo đều là cán bộ nhân viên Hải quan cửa khẩu M, trong đó có Võ Văn Hường với chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu M từ tháng 7-2002 đến tháng 10-2002 đã ký thông quan 18 Tờ khai hải quan cho nhập khẩu hàng trái cây vào nội
địa, với số hàng gian lận trốn thuế là 110.114 kg; số tiền trốn thuế là 779.116.892 đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm đã xử phạt: Trần Ngọc Bích 12 năm tù về tội "buôn lậu"; Tiêu Văn Tố 07 năm tù về tội "buôn lậu" và 07 năm tù về tội "vận chuyển trái phép chất ma tuý"; Tiêu Thị Nhung 03 năm tù về tội "buôn lậu"; Võ Văn Hường 04 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự: buộc Trần Ngọc Bích nộp 2.837.949.562 đồng; Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung nộp 407.644.632 đồng để sung quỹ Nhà nước; áp dụng khoản 5 Điều 153 Bộ luật Hình sự phạt Trần Ngọc Bích 10.000.000 đồng; Tiêu Văn Tố 7.000.000 đồng.
Sau khi xét xử, Trần Ngọc Bích có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xét lại số tiền bị tịch thu.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 750/HSPT/2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố H đã xử Trần Ngọc Bích không phải nộp khoản tiền 2.837.949.562 đồng, các bị cáo Tiêu Thị Nhung và Tiêu Văn Tố không phải nộp 407.644.632 đồng để sung quỹ Nhà nước. Huỷ các quyết định này của bản án sơ thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 10/QĐ-VKSTC-V3 ngày 12-5-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm tuyên huỷ phần dân sự đối với Trần Ngọc Bích, Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung và xem xét lại hình phạt cho Võ Văn Hường với lý do Án phúc thẩm không buộc
Trần Ngọc Bích, Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung nộp lại số tiền trốn thuế cho Nhà nước là không đúng, gây thất thu cho Nhà nước vì Nguyễn Thị Hạnh là người nhận bao thuế với số tiền trốn thuế là 6.148.867.395 đồng trong đó Bích; Tố và Nhung mới thanh toán cho Hạnh trên 3 tỉ đồng để Hạnh bao thuế số còn lại Bích; Tố và Nhung chưa thanh toán cho Hạnh mà vẫn sử dụng. Về hình sự trong vụ án này Võ Văn Hường có nhiều đơn xin xem xét lại mức án.
Hội đồng giám đốc thẩm đã nhận định:
... Trong vụ án này, Toà án cấp phúc thẩm quyết định bị cáo Bích không phải nộp 2.837.949.562 đồng, các bị cáo Tố và Nhung không phải nộp 407.644.632 đồng để sung quỹ Nhà nước là không đúng, bởi lẽ căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ phù hợp với lời khai của Bích là: Bích đã cùng bà Nhan hùn vốn cùng buôn bán hoa quả từ Cămpuchia qua cửa khẩu Mộc Bài về Việt Nam; Bích là người trực tiếp thoả thuận với Nguyễn Thị Hạnh về việc bao thuế và trực tiếp thanh toán số tiền bao thuế cho Hạnh. Mặt khác, Toà án cấp phúc thẩm đã buộc Bích phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền trốn thuế 2.837.949.562 đồng và buộc Tố, Nhung phải chịu trách nhiệm hình sự đối số tiền đã trốn thuế là 407.644.632 đồng là có căn cứ. Do đó, phải xác định số tiền trốn thuế này là số tiền do các bị cáo phạm tội mà có và phải áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự buộc Trần Ngọc Bích nộp lại số tiền 2.837.949.562 đồng, Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung nộp lại số tiền 407.644.632 đồng như quyết định của Toà án cấp sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước thì mới đúng.
Tác giả đồng ý với nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm.
Ngoài việc quy định việc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng quy định việc chịu trách nhiệm độc lập của đồng phạm trong việc cùng thực hiện hành vi phạm tội.
b) Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm
Luật hình sự Việt Nam đã xác định nguyên tắc thứ hai trong việc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm là: Mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm. Việc xác định trách nhiệm hình sự của người thực hành trong đồng phạm tất yếu chịu sự thống nhất về nguyên tắc này. Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người
đồng phạm, người thực hành khác. Hành vi vượt quá của đồng phạm là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm khác và hành vi đó có thể đã cấu thành tội khác hoặc cấu thành tình tiết tăng nặng định khung. Hành vi vượt quá thông thường là hành vi vượt quá của người thực hành.
Tuy nhiên để xác định đâu là hành vi vượt quá của người thực hành là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, đặc biệt là với những vụ án xâm hại tính mạng sức khoẻ. Trong quá trình thực hiện ý định phạm tội chung thì không chỉ có người thực hành mà cả những người đồng phạm khác cũng có thể có hành vi vượt quá, làm sai với sự thoả thuận trước của cả bọn. Người thực hành có vai trò quan trọng trong vụ án có đồng phạm. Tội phạm có được thực hiện hay không, thực hiện đến mức nào đều phụ thuộc vào kết quả hành vi của người thực hành. Nhưng trong số những hành vi mà người thực hành thực hiện để đạt kết quả mà bản thân y và những người đồng phạm khác mong muốn, có thể có những hành vi vượt quá ý định ban đầu của những người đồng phạm khác. Khi đó người thực hành đã thực hiện hành vi thái quá trong đồng phạm.
Trong thực tiễn xử lý một số vụ án Cố ý gây thương tích, ngoài những trường hợp "Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê" mà Bộ luật Hình sự đã qui định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm h khoản 1 Điều 104 thì cũng còn trường hợp đồng phạm khác là dạng "đâm chém giúp".
Nó khác trường hợp qui định ở điểm h khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự nêu trên ở chỗ mặc dù không có "hợp đồng thuê" (là loại hợp đồng có đền bù, vô hiệu do nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật nhưng lại rất được kẻ phạm tội thực thi nghiêm chỉnh mà ta hay nói là dạng "đâm thuê, chém mướn") nhưng quyết tâm phạm tội và hậu quả tội phạm gây ra còn cao hơn những dạng thông thường và nhiều khi cũng chẳng kém trường hợp được thuê, bởi vì chúng thực hiện hành vi phạm tội rất manh động và táo tợn do
nhận thức lệch lạc và nhân cách méo mó, cộng với trạng thái tâm lý đám đông bị kích động và thường xuất hiện sau những cuộc nhậu nhẹt.
Với hình thức phạm tội là ở dạng nhiều người cùng chung ý chí và hành động, khi thực hiện tội phạm thì hầu hết đều là người thực hành và nói chung họ đều phải chịu cùng tội danh về tội "Cố ý gây thương tích", nhưng trong thực tiễn xét xử có rất nhiều trường hợp phạm tội ý chí chủ quan không hoàn toàn thể hiện bằng những hành động hoặc lời nói cụ thể; hoặc sự thống nhất ý chí giữa các đối tượng cùng tham gia việc phạm tội không thể hiện đầy đủ, rõ ràng nên dẫn đến rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc định tội danh cũng như xác định điều khoản áp dụng cụ thể đối với hành vi của các bị cáo. Vì vậy, việc định tội danh đối với trường hợp tội phạm vượt quá cũng cần phân biệt một cách cụ thể hơn theo vai trò của mỗi đồng phạm. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ sau:
Ví dụ thứ nhất: Do có mâu thuẫn cá nhân giữa H và A, H nói với S, B
về việc H bị A đánh chửi để S dằn mặt A. Khoảng 16 giờ ngày 19/11/2009, H đưa S đi chỉ nhà của A nhưng không gặp A. Khoảng 19 giờ cùng ngày, H và bạn là L đi xem văn nghệ ở trường. H gọi điện nhờ S mua hộ một bó hoa đem đến trường. S rủ thêm B và C đi cùng. Khi đến cổng trường, S đưa hoa cho H rồi cùng B, C ngồi uống nước ở quán ngoài cổng trường. H và L cầm hoa đi vào trong trường thấy A cũng đang xem văn nghệ, H gọi điện cho S và bảo "A đang ở trong này, anh vào đi". Đợi một lúc không thấy S vào, H và L ra chỗ S đang ngồi uống nước thì B nói "Bọn anh không đánh nhau trong trường được". H và L tiếp tục vào trường xem văn nghệ.
Khoảng 21 giờ, A và các bạn ra về, H và L đi theo sau. H gọi điện cho S bảo"A đang đi ra cổng, anh vào đi". S đứng dậy nói với B "Đi vào đây với tao" rồi đi vào cổng trường, B chạy theo sau. B cầm điện thoại của S thì đúng lúc đó H gọi tới, B bật loa ngoài thấy H nói " Bọn nó đang ra cổng rồi anh này". B hỏi H "A là thằng nào". H trả lời "Thằng đánh em đứng cạnh thằng
mặc quần trắng, áo nâu đang đứng ở cổng". S đi đến chỉ vào mặt A nói "Thằng nào là thằng A đánh H em tao". A gạt tay S thì B nhảy vào tát A một cái, S xông vào đấm đá A. A loạng choạng lao về phía cổng trường. S túm cổ áo A kéo lại, A quay người lại thì bị S bật lưỡi dao bấm (S mang sẵn trong túi) đâm vào ngực. H và L chứng kiến sự việc xảy ra rồi đi sang bên kia đường. Lúc này có người can ngăn nên S bỏ đi, B cũng chạy theo S. A chạy một đoạn vào cổng trường thì ngã gục, mọi người đưa A đi cấp cứu song A đã chết trên đường đi cấp cứu.
Tại cơ quan điều tra, H thừa nhận " Ý cháu là nhờ các anh ấy đánh A hộ cháu". L thừa nhận có nghe H nói "các anh ấy gọi A ra để đánh".
Xung quanh vụ án này có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh đối với các bị cáo:
Quan điểm thứ nhất: S, B, H cùng đồng phạm về tội "Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng định khung "Có tính chất côn đồ". B, H với vai trò là người giúp sức.
Quan điểm thứ hai: S phạm tội "Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. H, B đồng phạm về tội "Gây rối trật tự công cộng".