VÀ THỰC TIỄN XÉT XỬ
2.1. Người thực hành theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 năm 1999
Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:
Đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm
...Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm [25].
Theo khái niệm này, người thực hành trong đồng phạm trước hết phải thoả mãn các dấu hiệu về đồng phạm đã phân tích ở chương 1; bên cạnh đó họ cũng phải thoả mãn dấu hiệu dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của người thực hành trong đồng phạm cụ thể như sau:.
a) Hoạt động của người thực hành là trung tâm của hoạt động phạm tội
Người thực hành có thể trực tiếp thực hiện toàn bộ hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc thực hiện một trong những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm, song tổng thể những hành vi của những người thực hành thoả mãn dấu hiệu khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Trường hợp người thực hành thực hiện toàn bộ hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm thì hành vi của họ có nhiều điểm giống như hành vi phạm tội riêng lẻ nhưng khác biệt với hành vi phạm tội đơn lẻ vì hành vi của người thực hành trong đồng phạm có sự tác động, liên hệ qua lại với hành vi của những người đồng phạm khác cũng như hậu quả phạm tội chung của đồng phạm được đánh giá dựa trên những hậu quả cụ thể thuộc mặt khách quan của
tội phạm do người thực hành gây ra. Hoạt động của những loại người đồng phạm khác đều nhằm đến mục tiêu để người thực hành thực hiện hành vi mô tả trong cấu thành tội phạm.
Mặt khác, các giai đoạn thực hiện tội phạm của đồng phạm được xác định bởi hành vi thực hiện tội phạm của người thực hành. Theo đó, việc xác định giai đoạn chuẩn bị phạm tội; phạm tội chưa đạt; phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hoặc tội phạm hoàn thành của những người đồng phạm khác đều được xác định bởi hành vi thực hiện tội phạm của người thực hành đang ở giai đoạn nào của tội phạm.
Như vậy, hoạt động của người thực hành là bắt buộc và nhất thiết phải có trong hoạt động phạm tội, đó chính là hoạt động trung tâm của tội phạm có đồng phạm..
b) Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Hiểu như thế nào là việc "trực tiếp thực hiện tội phạm"? Vấn đề này trong lý luận hình sự và thực tiễn áp dụng, người trực tiếp thực hiện tội phạm được hiểu ở dạng thứ nhất như sau:
- Người thực hành trực tiếp thực hiện hành vi chính được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Là trường hợp người phạm tội tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Trường hợp người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm thì chính họ sử dụng hoặc không sử dụng phương tiện công cụ nhất định để thực hiện việc tác động hoặc không tác động đến những sự vật đối tượng cụ thể gây nên những thiệt hại thuộc mặt khách quan của tội phạm.. Đây là trường hợp trực tiếp thực hiện tội phạm thông thường trong thực tế. Tự mình thực hiện có thể là sử dụng công cụ, phương tiện, kể cả sử dụng cơ thể người khác và súc vật như là công cụ, phương tiện hoặc có thể không sử dụng công cụ, phương tiện. Trong vụ phạm tội cố ý có thể có nhiều người cùng tự mình thực hiện hành vi
được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm, mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi đó, nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải là hành vi có đủ dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Đối với những tội đòi hỏi chủ thể đặc biệt thì những người đồng phạm thực hiện chỉ có thể là những người có đủ dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Nếu không họ chỉ có thể là người giúp sức hoặc cá biệt có thể phạm tội khác.
Trong lý luận khoa học hiện nay còn có quan điểm chưa thống nhất về hành vi không hành động trong đồng phạm của người thực hành. Theo quan điểm này, người thực hành không thực hiện những việc nhất định sẽ rất yếu dẫn đến một hậu quả chung mà những người đồng phạm khác đều mong muốn.
c) Người thực hành thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc sử dụng những người không phải chịu trách nhiệm hình sự
Trường hợp thứ hai của người trực tiếp thực hiện tội phạm là những người không tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm như: không tự mình thực hiện hành được mô tả trong cấu thành tội phạm, không tự mình tước đoạt sinh mạng người khác (đâm, bắn, chém...) hoặc không tự mình thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản (đốt cháy, đập, phá...). Họ chỉ có hành động (cố ý) tác động đến người khác để người này thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm, nhưng bản thân những người bị tác động thực hiện hành vi đó lại không phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người đã tác động vì:
Họ không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chưa đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. Như đã phân tích ở phần trên, nếu người thực hiện tội phạm chưa đạt độ tuổi luật định thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về việc làm của mình. Đối với trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự cũng tương tự như vậy. Nếu người thực hành tác động vào người thuộc trường hợp này để thực hiện tội phạm thì không có
đồng phạm, đồng thời người đó phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập do hành vi của mình gây ra cho người bị hại. Hoặc họ không có lỗi hay chỉ có lỗi vô ý do sai lầm.
Yêu cầu "cùng cố ý thực hiện một tội phạm" là dấu hiệu bắt buộc trong đồng phạm. Ở đây, người bị tác động không có lỗi hoặc chỉ có lỗi vô ý do sai lầm. Do vậy không có đồng phạm và trách nhiệm hình sự trong trường hợp này cũng chỉ áp dụng đối với người đã có hành vi thông qua sự tác động tới người khác để phạm tội.
Ví dụ: A là giám đốc một công ty lớn, trong đợt tổ chức lại Công ty, A đã quyết định sa thải B và C. Từ đó B và C luôn tìm mọi cách để trả thù A. Một lần A bị ốm, B và C đã đến nhà để thăm bệnh A. Nhân lúc vợ A xuống bếp, B và C đã cho thuốc độc vào bát cháo mà vợ A chuẩn bị sẵn để A ăn. Do không biết gì về hành động của B và C nên vợ A đưa cho A ăn hết bát cháo. Do thuốc quá độc, A đã chết.
Trong trường hợp này vợ A không có lỗi đối với cái chết của chồng. Còn B và C đã thông qua hành vi của vợ A để giết chết A. Do đó, chỉ B và C là đồng phạm giết người với vai trò là người thực hành.
Đối với trường hợp người thực hành ở dạng thứ hai không thể xảy ra ở những tội đòi hỏi chủ thể phải trực tiếp thực hiện như tội hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc tội loạn luân (Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 1999). Ở những tội này chỉ có thể có người thực hành ở dạng thứ nhất.
Đây cũng là dấu hiệu riêng biệt của người thực hành so với những loại người đồng phạm khác.
d) Người thực hành thực hiện tội phạm với sự cố ý
Lỗi của những người đồng phạm nói chung và những người thực hành nói riêng thường là lỗi cố ý trực tiếp, chỉ rất ít trường hợp là lỗi cố ý gián tiếp. Họ ý thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra; nhận thức được sự tác động hỗ trợ của người đồng phạm
khác trong việc thực hiện tội phạm để đạt được hậu quả phạm tội chung. Người thực hành mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả phạm tội xảy ra. Đối với những tội mà dấu hiệu động cơ và mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm thì người thực hành và những người đồng phạm phải thoả mãn dấu hiệu đó, nếu không sẽ không có đồng phạm. Ví dụ: Đối với người thực hiện hoạt động nhằm lật đổ chính quyền thì khi đó người thực hành và những người tham gia khác buộc phải có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì mới có đồng phạm.