Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng uỷquyền

Một phần của tài liệu Hợp đồng ủy quyền theo pháp luật Việt Nam (Trang 49)

Người uỷ quyền có thể uỷ quyền một phần hoặc toàn bộ công việc của mình cho người được ủy quyền; người uỷ quyền có trách nhiệm cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu có liên quan đến công việc ủy quyền để người được uỷ quyền có thể thực hiện công việc. Trong trường hợp công việc liên quan đến thoả thuận lợi nhuận, hay chia tài sản, ... người uỷ quyền phải nói rõ ý muốn của mình cho người được uỷ quyền biết, tránh trường hợp người được uỷ quyền thực hiện không đúng mục đích mà người uỷ quyền.

Theo quy định tại Điều 587 và Điều 586 BLDS năm 2005, người ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ như sau:

- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, nếu không có thỏa thuận khác.

- Được bồi thường thiệt hại nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ của bên được ủy quyền.

- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

- Chịu trách nhiệm về cam kết cho bên được ủy quyền thực hiện công việc trong phạm vi ủy quyền.

- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền và trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về trả thù lao.

Người uỷ quyền có thể uỷ quyền cho nhiều người thực hiện cùng một công việc nhất định. Trong xã hội, một cá nhân, pháp nhân có thể tham gia nhiều quan hệ xã hội. Khi tham gia các quan hệ xã hội thì quyền và nghĩa vụ sẽ phát

sinh. Những quyền, nghĩa vụ rất đa dạng, thậm chí trong một giao dịch dân sự ở những giai đoạt khác nhau có thể phát sinh nhiều quyền, nghĩa vụ khác nhau. Cho nên, một người có thể uỷ quyền cho nhiều người đại diện thực hiện các phần quyền và nghĩa vụ ở từng giai đoạn khác nhau. Như trong tố tụng tại Tòa án thì đương sự có thể ủy quyền cho một hoặt nhiều người đại diện tham gia tố tụng với số lượng không hạn chế.

Ví dụ: Anh A kết hôn với chị B, trong quá trình chung sống anh A và chị B có tài sản chung là một căn hộ chung cư. Sau khi sống với nhau được 2 năm, anh A và chị B ly thân. Chị B đã bán căn hộ cho chị D mà không hỏi ý kiến của anh A. Anh A đã khỏi kiện ra Toà án yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán nhà giữa chị B và chị D. Vì không có thời gian, nên anh A đã uỷ quyền cho luật sư đại diện tham gia tố tụng tại Toà án và uỷ quyền cho vợ là chị B nhận lại nhà khi Toà án buộc chị D phải trả lại nhà.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy quyền, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông tin đầy đủ và trung thực về việc thực hiện công việc. Nếu việc ủy quyền liên quan đến việc chuyển nhượng, giao, nhận tài sản, hoa lợi, lợi tức thì người ủy quyền có quyền yêu cầu người được ủy quyền giao lại những tài sản đã nhận được từ việc ủy quyền.

Khác với người làm dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ, người uỷ quyền ngoài việc trả thù lao (nếu có thỏa thuận), người uỷ quyền có nghĩa vụ thanh toán cho người được uỷ quyền toàn bộ chi phí liên quan đến công việc uỷ quyền mà không nhất thiết phải được quy định trong hợp đồng ủy quyền. Những chi phí này là những chi phí hợp lý, cần thiết liên quan đến thực hiện công việc được uỷ quyền như: chi phí phương tiện đi lại, lệ phí công chứng, chứng thực, lệ phí trước bạ, ... Những khoản chi phí khác không phục vụ cho công việc uỷ quyền

thì người uỷ quyền có thể xem xét trả hoặc không phải trả cho người được uỷ quyền.

Ví dụ 1: Anh A uỷ quyền cho anh B đi đến Sở Địa chính để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì sợ muộn giờ làm việc nên anh B đã vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông phạt 200.000 đồng.

Ví dụ 2: Anh A uỷ quyền cho anh B đi đến Sở Địa chính để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Anh A cam kết rằng việc nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ hết khoảng 30 phút và anh B vẫn có thể đến làm việc đúng giờ. Tuy nhiên, do người đến nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá đông, anh B phải xếp hàng và phải mất 01 ngày mới hoàn thành công việc. Do anh B nghỉ việc không báo trước nên bị cơ quan trừ một ngày lương là 200.000 đồng.

Như vậy,theo quy định của pháp luật thì trường hợp thứ nhất anh A có thể từ chối khoản chi phí do anh B vi phạm Luật giao thông, còn trong ví dụ 2: khoản tiền mà anh B bị cơ quan phạt một ngày lương có thể coi là chi phí hợp lý, anh B vẫn có thể yêu cầu anh A thanh toán.

Tiền thù lao là một khoản tiền mà người uỷ quyền có thỏa thuận trả cho người được uỷ quyền. Khác với người làm dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ, người được uỷ quyền nhận thù lao sau khi hoàn thành công việc mà không phụ thuộc vào kết quả của công việc có như mong muốn của người uỷ quyền hay không. Trong thời kỳ đầu việc ủy quyền hầu như không có thù lao. Tiền thù lao xuất hiện khi uỷ quyền trở thành một dịch vụ chuyên nghiệp, hai bên tự thoả thuận mức thù lao và phải được ghi rõ vào hợp đồng.

Xét về mặt pháp lý, người uỷ quyền vẫn là chủ thể chính tham gia giao giao dịch, nhưng không tham gia trực tiếp, mà thông qua người đại diện hợp pháp của mình. Vì vậy, người uỷ quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về

tất cả những hành vi của người được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi đã được uỷ quyền, người uỷ quyền không phải chịu trách nhiệm trong việc người được uỷ quyền vượt quá phạm vi được uỷ quyền.

Bên cạnh những nghĩa vụ của mình, người uỷ quyền có những quyền nhất định, như yêu cầu người được uỷ quyền thông báo về việc thực hiện công việc, trả lại kết quả thu được từ công việc được uỷ quyền. Có quyền khởi kiện người được uỷ quyền nếu như người được uỷ quyền vi phạm nghĩa vụ của mình như làm hư hỏng tài sản, sử dụng tiền thu được từ công việc được uỷ quyền, ...

2.1.4.2. Quyền và nghĩa vụ của bên đƣợc uỷ quyền

Ngày nay, ủy quyền không hẳn là một dịch vụ hữu hảo, tương trợ như trong quan niệm truyền thống. Đa số những hợp đồng ủy quyền ngày nay mang tính chuyên nghiệp đối với người được uỷ quyền, đại diện theo ủy quyền đã trở thành một nghề khá phổ biến. Bởi vậy, “ … các nghĩa vụ của người được uỷ quyền cũng như trách nhiệm của người này trong luật định được quy định tương đối chặt chẽ” [23]. Quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự do các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, để điều chỉnh quan hệ hợp đồng ủy quyền đúng với bản chất, pháp luật quy định bên được ủy quyền có những quyền và nghĩa vụ cơ bản. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền được quy định trong luật dân sự mang tính nguyên tắc, nội dung cụ thể do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Có thể khẳng định, quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền là xương sống của hợp đồng ủy quyền. Trong một số trường hợp, nội dung của hợp đồng ủy quyền là một trong những điều kiện có hiệu lực pháp luật của hợp đồng ủy quyền.

Theo quy định tại Điều 583, Điều 585 và Điều 584 BLDS năm 2005 quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền được quy định như sau:

- Được ủy quyền lại cho người thứ ba nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

- Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.

- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản và những lợi ích thu được khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Người được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc như đã thoả thuận với người uỷ quyền, chỉ được thực hiện công việc trong phạm vi đã được uỷ quyền. Khi thực hiện công việc, người được uỷ quyền thực hiện công việc nhân danh người uỷ quyền, trong quá trình thực hiện người được uỷ quyền phải thông báo cho người uỷ quyền biết quá trình thực hiện công việc, để người uỷ quyền có thể điều chỉnh công việc.

Người được uỷ quyền phải thực hiện công việc một cách trung thực, vì lợi ích của người uỷ quyền. Trong mọi trường hợp phải luôn bảo vệ lợi ích cho người uỷ quyền. Đảm bảo sự khách quan giữa người thứ ba với người được uỷ quyền, pháp luật không cho phép người được uỷ quyền không được giao dịch

với chính mình, trừ trường hợp có quy định khác. Trong một số trường hợp nếu người được ủy quyền có giao dịch với chính mình, nếu không có thỏa thuận khác thì phải được sự đồng ý của người ủy quyền. “Người được uỷ quyền bán tài sản muốn mua tài sản đó và báo cho người được uỷ quyền biết ý định của mình; người uỷ quyền đồng ý; thế thì người được uỷ quyền trong trường hợp này phải có quyền giao kết hợp đồng với tư cách kép-người mua và người đại diện của người bán-và hợp đồng mua bán hoàn toàn có giá trị” [23]. Người được uỷ quyền chấp nhận mọi điều kiện của người uỷ quyền để mua được tài sản đó, không có sự lừa dối, hay thiếu khách quan trong trường hợp này. Trên thực tế hầu hết công chứng viên từ chối công chứng những hợp đồng này. Bởi lẽ, xét về mặt lý luận người được uỷ quyền đang giao kết hợp đồng uỷ quyền với chính bản thân mình, trái với quy định của pháp luật và không đúng với bản chất của quan hệ ủy quyền. Trong trường hợp này, quan điểm của các công chứng viên gần như giống nhau, nếu để đáp ứng được yêu cầu của khách quan để công chứng, công chứng viên thường đưa ra cách giải quyết yêu là cầu hai bên huỷ hợp đồng uỷ quyền và sau đó hai bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản.

Người được uỷ quyền có quyền yêu cầu người uỷ quyền cung cấp các thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết nhằm thực hiện công việc uỷ quyền. Người được uỷ quyền phải là người trực tiếp thực hiện công việc được uỷ quyền, không được phép tiết lộ bí mật hoặc uỷ quyền lại cho người khác nếu không được sự đồng ý của người uỷ quyền. Trong quá trình thực hiện công việc, người được uỷ quyền phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu và các phương tiện được giao.

Về nguyên tắc, người được ủy quyền phải trực tiếp thực hiện những công việc được ủy quyền. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào sau khi giao kết hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền cũng có thể trực tiếp thực hiện công việc.

Pháp luật cho phép trong một số trường hợp nhất định, người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện công việc ủy quyền đó gọi là ủy quyền lại. Ủy quyền lại là một trong những quyền của người được ủy quyền. Theo quy định tại Điều 583 BLDS năm 2005 thì bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ ba nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Việc ủy quyền lại phải tuân thủ theo quy định về hình thức, nội dung ủy quyền lại có thể là một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng nhưng không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Pháp luật hiện hành chưa quy định mối quan hệ giữa người ủy quyền với người được ủy quyền và người được ủy quyền lại. Vần đề đặt ra ở đây là liệu những giao dịch do người được ủy được quyền lại xác lập sẽ ràng buộc với người được ủy quyền như thế nào. Trong quan hệ này thì người được ủy quyền chỉ được đề cập đến khi có tranh chấp giữa người được ủy quyền lại với người ủy quyền. Trong quá trình thực hiện công việc được ủy quyền nếu người được ủy quyền lại gây thiệt hại thì người ủy quyền có phải chịu trách nhiệm liên đới không. Đây là những vấn đề mà thực tiễn áp dụng pháp luật đang đặt ra. Thực tế, hoạt động công chứng cho thấy, mặc dù pháp luật cho phép bên được ủy quyền có quyền ủy quyền lại nhưng khi công chứng hợp đồng ủy quyền thì công chứng viên thường đề nghị người ủy quyền và người được ủy quyền chấm dứt hợp đồng ủy quyền để xác lập hợp đồng ủy quyền lại với người thứ ba. Tuy nhiên, không phải lúc nào khi giao kết hợp đồng ủy quyền lại, người ủy quyền ban đầu cũng có mặt để hủy hợp đồng ủy quyền ban đầu. Vấn đề này cần những quy định hướng dẫn cụ thể.

Thông thường mà việc thực hiện hợp đồng uỷ quyền mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, không tính thù lao. Cùng với sự phát triển của xã hội, hợp đồng uỷ quyền được coi là một hợp đồng dịch vụ, việc trả thù lao là do hai bên tự thoả thuận, pháp luật không can thiệp. Người được uỷ quyền có quyền được nhận thù lao từ phí người uỷ quyền. Tiền thù lao sẽ được thanh toán khi hợp

đồng uỷ quyền kết thúc, kể cả trong trường hợp công việc uỷ quyền không đem lại kết quả như người uỷ quyền mong muốn.

Tóm lại, những quy định của BLDS năm 2005 về quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền là những nội dung cơ bản trong hợp đồng ủy quyền. Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng ủy quyền, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập trong nội dung của hợp đồng.

Một phần của tài liệu Hợp đồng ủy quyền theo pháp luật Việt Nam (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)