Hợp đồng uỷ thác thương mại là một loại hình phổ biến trong quan hệ xuất nhập khẩu. Một tổ chức không có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu cần đến dịch vụ này để thực hiện các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu. Uỷ thác thương mại có thể là uỷ thác mua hoặc uỷ thác bán hàng hoá, dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 159 Luật Thương mại thì hình thức hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hóa phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Theo quy định tại Điều 586 BLDS năm 1995 thì hợp đồng uỷ quyền phải được lập thành văn bản, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thì hợp đồng ủy quyền phải có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 đã bỏ quy định này; do đó, về
hình thức của hợp đồng ủy quyền có thể bằng văn bản hoặc lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Một trong những điểm khác biệt căn bản giữa hợp đồng uỷ quyền và hợp đồng uỷ thác, đó là về chủ thể của hợp đồng. Đối với hợp đồng ủy thác thương mại thì bên được uỷ thác bắt buộc phải là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác. Bên uỷ thác không nhất thiết phải là thương nhân.
Xét về bản chất hợp đồng uỷ thác là hợp đồng dịch vụ. Ví dụ: Một cá nhân có một số hàng thủ công, muốn thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa do gia đình tự sản xuất ra, nhưng vì không có đủ điều kiện để thực hiện việc xuất khẩu đó, nên anh ta phải thực hiện một dịch vụ uỷ thác việc xuất khẩu đó cho một công ty có đủ điều kiện để xuất khẩu. Như vậy, ở khía cạnh nhất định thì công việc của người nhận uỷ thác cũng giống như người được uỷ quyền, thực hiện một công việc thay cho người khác; tuy nhiên, khi thực hiện công việc thì người được uỷ thác độc lập hơn người được uỷ quyền.
Trong hợp đồng ủy quyền, hợp đồng ủy thác thương mại thì người được ủy quyền và thương nhân được ủy thác khi thực hiện công việc có tham gia giao dịch với bên thứ ba. Tuy nhiên, người đại diện theo uỷ quyền tham gia giao dịch với người thứ ba nhân danh người ủy quyền còn người thực hiện uỷ thác thực hiện công việc với bên thứ ba với danh nghĩa của chính mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác. Bên uỷ thác không phải chịu trách nhiệm trước pháp về mọi hành vi của bên được uỷ thác. Trong khi đó, bên uỷ quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của người được uỷ quyền khi thực hiện nội dung được uỷ quyền.
Cũng giống như hợp đồng uỷ quyền, đối với đồng uỷ thác thì người được ủy thác có nghĩa vụ giữ bí mật và không được uỷ quyền lại cho bên thứ ba nếu
không có sự đồng ý của bên uỷ thác. Trong quá trình thực hiện công việc, bên được uỷ thác cũng như bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thông báo kịp thời cho bên uỷ, bên thác về các vấn đề phát sinh khi thực hiện hợp đồng ủy quyền và hợp đồng uỷ thác.