6. Nội dung nghiên cứu:
2.1. Điểm mới trong nhất thể hóa các quy định pháp luật về giao kết hợp đồng
TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH
BLDS năm 2005 được ban hành ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, thay thế cho BLDS năm 1995 và PLHĐKT năm 1989. So với quy định của BLDS năm 1995, Luật Thương mại năm 1997, PLHĐKT năm 1989 thì BLDS năm 2005 có nhiều điểm mới liên quan đến GKHĐ, nổi bật như: BLDS đã nhất thể hóa pháp luật về hợp đồng, trong đó có các quy định về GKHĐ; quy định rõ hơn về nguyên tắc giao kết hợp đồng theo hướng đảm bảo tốt hơn quyền tự do hợp đồng của các chủ thể; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giao kết hợp đồng… Mặc dù BLDS đã có hiệu lực từ khá lâu nhưng nhiều chủ thể ký kết hợp đồng không cập nhật được các quy định mới này và vì vậy, khi giao kết hợp đồng có nhiều sai sót. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định của BLDS năm 2005 trong thực tiễn ký kết hợp đồng đang tiếp tục bộc lộ các khó khăn, vướng mắc cần được phát hiện và có hướng khắc phục.
2.1. Điểm mới trong nhất thể hóa các quy định pháp luật về giao kết hợp đồng hợp đồng
Như phần trên đã trình bày, trong giai đoạn trước ngày 01/01/2006 (ngày BLDS năm 2005 có hiệu lực) pháp luật Việt Nam phân biệt hợp đồng mang yếu tố tài sản thành hai loại hợp đồng riêng biệt là hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế chịu sự điều chỉnh của hai văn bản pháp luật khác nhau là BLDS năm 1995 và PLHĐKT. Mặc dù pháp luật trong giai đoạn đó đã đưa ra nhiều tiêu chí để phân biệt hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự nhưng sự phân biệt đều mang tính miễn cưỡng và trong thực tế, thường có sự nhầm lẫn trong việc phân biệt hai loại hợp đồng này. Việc lựa chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Do
đó, việc xác định mối quan hệ giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự, việc áp dụng phối hợp BLDS và PLHĐKT để điều chỉnh quan hệ hợp đồng không rõ ràng. Thực tế đó đã có những tác động không tốt đến quá trình GKHĐ và thực hiện hợp đồng của các chủ thể. Từ ngày 01/01/2006, BLDS năm 2005 có hiệu lực, thay thế cho PLHĐKT và BLDS năm 1995. Từ thời điểm đó, khái niệm hợp đồng kinh tế không tồn tại nữa, mọi hợp đồng đều được gọi chung là hợp đồng dân sự, chịu sự điều chỉnh bởi các quy định chung trong BLDS năm 2005. Các quy định về GKHĐ trong BLDS năm 2005 được áp dụng chung cho tất cả các quan hệ hợp đồng, kể cả hợp đồng trong hoạt động kinh doanh và các hợp đồng trong sinh hoạt, tiêu dùng. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2005 có hiệu lực, các chủ thể kinh doanh không còn phải phân biệt hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự để xác định việc ký kết và thực hiện hợp đồng của mình phải tuân theo quy định của BLDS hay PLHĐKT. Việc thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với mọi quan hệ hợp đồng mà không phân biệt hợp đồng đó được ký kết giữa những chủ thể nào, nhằm mục đích gì đã tạo thuận lợi lớn cho các chủ thể khi vận dụng các quy định của pháp luật vào quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Tuy đã nhất thể hoá các quy định về GKHĐ nhưng các quy định trong BLDS năm 2005 chỉ phù hợp với việc GKHĐ dân sự thuần túy, chưa thật phù hợp với các đòi hỏi riêng của việc GKHĐ trong hoạt động kinh doanh, thương mại, đòi hỏi thủ tục nhanh gọn, đơn giản, ít tốn kém hơn. Ngoài ra, BLDS năm 2005 chưa quy định về thói quen cũng như nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động GKHĐ của các chủ thể. Hiện nay, chỉ có Luật Thương mại năm 2005 có đề cập đến thói quen trong hoạt động thương mại và các nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại của thương nhân.Với tư cách là một văn bản luật chung điều chỉnh mọi vấn đề chung trong quá trình GKHĐ của các chủ thể, BLDS năm 2005 cần bổ sung quy định cụ thể về thói quen để điều chỉnh hoạt động GKHĐ của các bên.
2.2. Điểm mới trong quy định các nguyên tắc giao kết hợp đồng
Trước đây, PLHĐKT quy định rất sơ sài về nguyên tắc giao kết hợp đồng. Điều 3 PLHĐKT quy định: “Hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản và không trái pháp luật”. BLDS năm 2005 quy định về
GKHĐ đã quy định tương đối cụ thể về nguyên tắc GKHĐ. Điều 389 BLDS năm 2005 quy định:“Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các
nguyên tắc sau đây: Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”. Chỉ với 2 quy định như trên nhưng đã bao hàm đầy đủ các nội
dung về nguyên tắc GKHĐ. Nhìn chung, các quy định về nguyên tắc GKHĐ trong BLDS năm 2005 không có khác biệt so với BLDS năm 1995 nhưng mức độ bảo đảm thực hiện các nguyên tắc đó triệt để hơn so với BLDS năm 1995.
2.2.1. Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
Nội dung của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ các bên được quyền tự do giao kết, tự do lựa chọn bạn hàng, đối tác để kí kết hợp đồng phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng của mình. Không một cơ quan hay tổ chức, cá nhân nào có quyền ép buộc người khác GKHĐ. Điều này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật với sự tự do bày tỏ ý chí của các chủ thể. Sự tự do GKHĐ của các chủ thể là một nguyên tắc quan trọng đảm bảo cho việc GKHĐ không bị gượng ép hay áp lực từ bất kì một phía nào. Tuy nhiên, sự tự do GKHĐ vẫn phải trong một khuôn khổ nhất định, đó là khuôn khổ của “pháp luật, đạo đức xã hội” để quyền tự do hợp đồng không ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ 3, của Nhà nước và trật tự công cộng. Các tổ chức, cá nhân có thể tự do GKHĐ nhưng không thể tự do một cách vô tổ chức, khi giao kết hợp đồng họ không được vi phạm những điều cấm của pháp luật ;
không trái đạo đức xã hội. Quy định này góp phần duy trì trật tự và ổn định làm cho xã hội phát triển và công tác quản lý Nhà nước của cơ quan công quyền.
So với BLDS năm 1995 thì nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được đảm bảo tốt hơn trong BLDS năm 2005, cụ thể như sau:
- BLDS năm 2005 đã chính xác hoá quy định về điều kiện nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật. Khoản 2 Điều 131 BLDS năm 1995 quy định khá mơ hồ về một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Quy định này của BLDS năm 1995 dẫn đến nhiều bất
cập trong thực tế áp dụng. Bởi, trong thực tế giải quyết tranh chấp hợp đồng, khi nghi ngờ tính “trái pháp luật” của hợp đồng, Toà án sẽ tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng. Hạn chế tình trạng này, BLDS năm 2005 quy định hợp đồng chỉ bị vô hiệu toàn bộ do nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật. Điều cấm của
pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Theo đúng nguyên tắc các tổ chức, cá nhân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và Toà án chỉ được quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ do nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật nếu chỉ ra được quy định cấm của pháp luật. Quy định trên của BLDS năm 2005 cũng phù hợp với quy định của nhiều quốc gia trên thế giới. Pháp luật Anh cũng quy định rõ ràng theo hướng hợp đồng bị pháp luật cấm hoặc vi phạm đạp đức, vi phạm trật tự công sẽ bị vô hiệu [27,tr 162].
Tuy nhiên vẫn có hạn chế của BLDS 2005 trong khi quy định về nguyên tắc này. Theo Khoản 1 Điều 389 quy định: Tự do GKHĐ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Nguyên tắc này được giữ nguyên tại Điều 395 BLDS năm 1995 đồng thời lại mâu thuẫn với Mục b, khoản 1 Điều 122 BLDS năm 2005: “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của Pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Rõ ràng nguyên tắc „không được trái pháp luật” khác với nguyên tắc “không vi phạm điều cấm của Pháp luật” như đã phân tích ở trên. Hạn chế này có thể hiểu là sự sửa đổi chưa triệt để của nguyên tắc GKHĐ trong BLDS năm 2005 so với BLDS 1995
- BLDS năm 2005 thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự do GKHĐ, quyền tự thỏa thuận cho các bên GKHĐ qua các quy định liên quan đến hình thức của hợp đồng; điều kiện hình thành hợp đồng; vai trò của các điều khoản chủ yếu của hợp đồng. BLDS năm 2005 bỏ quy định về hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Trước đây, pháp luật quy định về các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng, ví dụ: khoản 1 Điều 12 PLHĐKT quy định hợp đồng kinh tế bao gồm các điều khoản sau: Ngày, tháng, năm ký hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên, họ, tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh; đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận; chất lượng, chủng loại, quy sách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc…
Luật Thương mại năm 1997 cũng quy định các nội dung chủ yếu của từng loại hợp đồng cụ thể, ví dụ: Điều 50 Luật Thương mại năm 1997 quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá: tên hàng; số lượng; quy cách, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, địa điểm và thời hạn giao nhận hàng. Điều 401 BLDS năm 1995 quy định về các điều khoản chủ yếu của hợp đồng dân sự mà nếu thiếu những điều khoản đó, hợp đồng không thể giao kết được. Khoản 2 Điều 401 quy định các điều khoản chủ yếu của hợp đồng dân sự bao gồm: đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; số lượng, chất lượng; giá, phương thức
thanh toán…Thể hiện sự tôn trọng quyền tự do thoả thuận của các bên hơn, BLDS 2005 chỉ đưa ra các khuyến nghị đối với các nội dung nên có trong mỗi loại HĐ cho phù hợp. Theo quy định tại Điều 402 BLDS năm 2005, tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây: đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;…
Tuy pháp luật quy định tôn trọng sự thoả thuận của các bên nhưng sự tự do thỏa thuận của các bên vẫn phải trong khuôn khổ pháp luật. Tùy từng loại hợp đồng, tùy từng lĩnh vực hoạt động các bên có thể đưa vào các nội dung phù hợp và đảm bảo thực hiện.
BLDS năm 2005 bỏ khống chế mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Trước đây, BLDS năm 1995 quy định mức phạt tối đa không quá 5% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 378), PLHĐKT quy định mức tiền phạt vi phạm hợp đồng từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm. Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết mức tiền phạt theo loại vi phạm đối với từng loại hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại năm 1997 quy định mức phạt đối với một vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
Theo quy định của BLDS năm 2005 thì các bên được tự do thoả thuận mức phạt vi phạm hợp đồng trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, chỉ trong trường hợp có văn bản pháp luật khác quy định mức phạt tối đa thì các bên khi GKHĐ mới bị khống chế bởi mức tối đa của pháp luật. Ví dụ: Luật Thương mại năm 2005 quy định mức phạt hoặc tổng mức phạt đối với vi phạm hợp đồng tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Quy định của BLDS năm 2005 tiến bộ hơn quy định của các văn bản pháp luật trước đây vì đảm bảo được quyền tự do thoả thuận của các bên khi GKHĐ,
mặt khác việc các bên thoả thuận mức phạt cao sẽ góp phần hạn chế sự vi phạm hợp đồng của một bên, giúp đảm bảo tốt hơn việc thực hiện đúng hợp đồng. Bởi tuy mang tên là phạt vi phạm hợp đồng nhưng chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài tiền tệ với mục đích không phải chỉ là trừng phạt bên vi phạm mà quan trọng hơn là nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng của các bên. Việc pháp luật khống chế mức phạt tối đa sẽ không đảm bảo được quyền tự do thoả thuận của các bên cũng như không đảm bảo được mục đích của chế tài phạt vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên do BLDS năm 2005 có loại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác nên trên thực tế GKHĐ, quyền tự do thoả thuận của các bên về vấn đề này cũng chưa thực sự được đảm bảo bởi một số văn bản pháp luật (như trên đã trình bày) như luật Thương mại năm 2005 đã khống chế mức phạt tối đa thì theo nguyên tắc áp dụng luật, các bên khi GKHĐ trong hoạt động thương mại cũng không được quyền thoả thuận một mức phạt cao hơn mức mà pháp luật đã khống chế.