6. Nội dung nghiên cứu:
1.3.2. Nguồn luật điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình giao
thuận, thống nhất, ghi nhận trong văn bản hợp đồng thì được quyền áp dụng theo các quy định sẵn có của pháp luật.
1.3.2. Nguồn luật điều chỉnh quan hệ phát sinh trong quá trình giao kết hợp đồng kết hợp đồng
Ở các nước trên thế giới, nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng nói chung và các quan hệ phát sinh trong giai đoạn giao kết hợp đồng nói riêng hết sức đa dạng và có thể chia thành các nhóm chính sau:
- Pháp luật quốc tế: trong các điều ước quốc tế chứa đựng rất nhiều quy định liên quan đến hợp đồng, giao kết hợp đồng, ví dụ: Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế;
- Pháp luật quốc nội: phần lớn các nước, kể cả các nước theo truyền thống luật bất thành văn đều ban hành dưới hình thức văn bản các quy định về hợp đồng hoặc liên quan đến hợp đồng. Ở các nước theo truyền thống luật thành văn, các quy định chung, mang tính nguyên tắc về hợp đồng thường được tìm thấy trong Bộ luật Dân sự (Pháp, Đức, Ý, Nga, Thái Lan) hoặc Bộ luật Nghĩa vụ (Thụy Sỹ). Trung Quốc còn xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về hợp đồng (Luật Hợp đồng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Ở nhiều nước theo truyền thống luật bất thành văn, nhiều quy định về hợp đồng cũng đã được ban hành trên cơ sở hệ thống hóa các án lệ và tập quán thương mại, ví dụ Hoa Kỳ có Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC).
- Án lệ: Án lệ cũng được coi là nguồn quan trọng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng, trong đó có giao kết hợp đồng. Ở các nước theo truyền thống luật bất thành văn thì án lệ có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Ngay cả các nước theo truyền thống luật thành văn, điển hình là Cộng hòa Pháp, các án lệ cũng được sử dụng khá rộng rãi để bổ sung cho các quy định thành văn trong điều chỉnh quan hệ hợp đồng.
- Thói quen trong hoạt động thương mại và tập quán thương mại: Đối với các hợp đồng được giao kết để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thương mại thì thói quen trong hoạt động thương mại và tập quán thương mại được coi là nguồn bổ sung quan trọng để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. Thói quen trong hoạt động thương mại là hành vi được lặp đi, lặp lại nhiều lần và được các bên thừa nhận, sử dụng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng. Luật Thương mại năm 2005 là văn bản đầu tiên và cho tới nay là duy nhất của Việt Nam đề cập đến thói quen trong hoạt động thương mại; coi đây là nguồn ưu tiên trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ hợp đồng. Còn tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Là một nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống luật thành văn nên nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là các văn bản pháp luật được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng cũng có nhiều thay đổi qua từng thời kỳ, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội.
* Giai đoạn từ trước ngày 01/7/1996 (ngày BLDS năm 1995 có hiệu lực)
Từ khi bước sang cơ chế thị trường cho đến trước ngày 01/7/1996, pháp luật Việt Nam phân biệt những hợp đồng mang yếu tố tài sản thành hai loại là hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế. Trong lĩnh vực lao động còn có khái niệm hợp đồng lao động. Tuy đều hàm chứa yếu tố tài sản nhưng hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế tồn tại hoàn toàn biệt lập với nhau và chịu sự điều chỉnh của hai văn bản pháp luật riêng biệt là PLHĐKT và Pháp lệnh Hợp đồng dân sự (PLHĐDS) năm 1991. Các quy định về hợp đồng trong hai văn bản pháp luật này có nội dung rất khác nhau và quy định về GKHĐ trong các
văn bản pháp luật thời kỳ này có nhiều điểm khác nhau. PLHĐKT quy định về vấn đề GKHĐ kinh tế một cách khá sơ sài: “Hợp đồng kinh tế được coi là
đã hình thành và có hiệu lực pháp lý từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản hoặc từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thoả thuận về tất cả các điều khoản chủ yếu của hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác đối với từng loại hợp đồng kinh tế”. PLHĐKT không đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến GKHĐ như: điều kiện, giá trị pháp lý của đề nghị GKHĐ, chấp nhận đề nghị GKHĐ, điều kiện, thủ tục thay đổi hoặc rút lại đề nghị GKHĐ; thời điểm, địa điểm GKHĐ (đặc biệt trong trường hợp hợp đồng được ký kết bằng phương thức gián tiếp)…
Bên cạnh đó, với sự phân biệt khá khiên cưỡng giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự dẫn đến nhiều trường hợp không thể xác định một số quan hệ hợp đồng là hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự. Ví dụ: hai doanh nghiệp tư nhân ký hợp đồng bằng văn bản để phục vụ kinh doanh. Hợp đồng này không thể coi là hợp đồng kinh tế do hai bên không có tư cách pháp nhân nhưng cũng không phải hợp đồng dân sự do không bên nào có mục đích sinh hoạt, tiêu dùng. Việc không xác định được văn bàn pháp luật nào sẽ điều chỉnh quan hệ này khiến bản thân các chủ thể khó khăn trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng và các cơ quan tài phán cũng lúng túng khi giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của các chủ thể.
* Giai đoạn từ ngày 01/7/1996 đến trước ngày 01/01/2006 (ngày BLDS năm 2005 có hiệu lực)
Sau khi BLDS năm 1995 ra đời và có hiệu lực thì mối quan hệ giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự có nhiều thay đổi. Trái với sự mong đợi của nhiều người, khi BLDS năm 1995 có hiệu lực thì PLHĐKT vẫn có tiếp tục được áp dụng và sự phân biệt hai khái niệm: hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự vẫn tồn tại. Tuy vậy, khác với PLHĐDS năm 1991, BLDS năm 1995 không đề cập đến mục đích của hợp đồng dân sự là phục vụ cho hoạt động
sinh hoạt, tiêu dùng nên đã bước đầu rút ngắn sự khác biệt giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự.
Năm 1997, Luật Thương mại ra đời, điều chỉnh các hành vi thương mại của thương nhân và quy định một số hợp đồng đặc thù trong lĩnh vực thương mại, bởi vậy càng góp phần làm phức tạp hoá quan niệm về hợp đồng và luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng và khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng bên cạnh khái niệm hợp đồng dân sự (quy định trong BLDS năm 1995), khái niệm hợp đồng kinh tế (quy định trong PLHĐKT) còn có khái niệm hợp đồng thương mại (quy định trong Luật Thương mại năm 1997). Thực tế không tồn tại khái niệm hợp đồng thương mại với nội hàm tương đối độc lập mà hợp đồng thương mại chỉ là một khái niệm mang tính tương đối dùng để chỉ một số hợp đồng được ký kết giữa thương nhân với nhau hoặc với các bên có liên quan trong các hoạt động mua bán hàng hoá và các dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hoá mà thôi. Tuy còn nhiều mâu thuẫn trong việc xác định văn bản pháp luật điều chỉnh từng quan hệ hợp đồng cụ thể nhưng cùng với sự ra đời của BLDS năm 1995 và Luật Thương mại năm 1997, nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến việc GKHĐ như: điều kiện, giá trị pháp lý của đề nghị GKHĐ, chấp nhận đề nghị GKHĐ, điều kiện, thủ tục thay đổi rút lại hoặc huỷ bỏ đề nghị GKHĐ, chấp nhận đề nghị GKHĐ; thời điểm, địa điểm GKHĐ... đã được quy định rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình GKHĐ.
*Giai đoạn từ ngày 01/01/2006 đến nay:
BLDS được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 thay thế cho BLDS năm 1995 và PLHĐKT đã thống nhất điều chỉnh đối với mọi quan hệ hợp đồng. Kể từ ngày BLDS năm 2005 có hiệu lực thì mọi hợp đồng, dù được ký kết giữa các doanh nghiệp với nhau để phục vụ hoạt động kinh doanh thu lợi
nhuận hay các hợp đồng được ký giữa các tổ chức, các nhân phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng đều chịu sự điều chỉnh chung của BLDS năm 2005.
Như vậy, từ ngày 01/01/2006, khi ký kết hợp đồng, các nhà kinh doanh không còn phải “đau đầu” phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng dân sự để xác định việc ký kết, thực hiện hợp đồng hoặc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của mình phải tuân thủ BLDS hay PLHĐKT. Việc bỏ khái niệm hợp đồng kinh tế và PLHĐKT, thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với mọi quan hệ hợp đồng mà không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đã tạo một thuận lợi lớn cho các nhà kinh doanh, các cơ quan tài phán việc áp dụng quy định của pháp luật về hợp đồng. BLDS năm 2005 đã có nhiều quy định mới, tiến bộ điều chỉnh hoạt động GKHĐ, tạo một khung pháp lý vững chắc cho các chủ thể tiến hành GKHĐ trên thực tế.
Ngoài các quy định chung về hợp đồng, GKHĐ trong BLDS năm 2005, Nhà nước ta còn ban hành nhiều quy định riêng về từng loại hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000… Các văn bản pháp luật mang tính chuyên ngành về hợp đồng thường quy định cụ thể về điều kiện để các bên tham gia GKHĐ; điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng…
Những quy định chung được coi là khung pháp lý cơ bản còn những quy định cụ thể của pháp luật chuyên ngành lại điều chỉnh những vấn đề cụ thể của các loại hợp đồng riêng biệt. Do đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng trước, trong trường hợp văn bản pháp luật chuyên ngành không có quy định thì sẽ áp dụng quy định chung trong BLDS năm 2005.
Bên cạnh các quy định trong các văn bản pháp luật, Luật Thương mại năm 2005 còn quy định về thói quen trong hoạt động thương mại, tập quán thương
mại và coi đây là những nguồn bổ sung quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng, bao gồm cả việc GKHĐ. Trong thực tiễn, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh, các bên tham gia quan hệ hợp đồng thường là đối tác trong một thời gian dài, có sự tin cậy lẫn nhau. Giữa họ hình thành một thói quen về giao kết và thực hiện hợp đồng với vai trò một thoả thuận ngầm được mặc định giữa các bên, giúp cho các bên nhanh chóng giao kết và thực hiện hợp đồng mà không cần phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó, việc thừa nhận thói quen là một nguồn luật điều chỉnh việc giao kết và thực hiện hợp đồng giữa các bên là cần thiết.
Luật Thương mại năm 2005 là văn bản pháp luật đầu tiên đề cập đến thói quen và nguyên tắc áp dụng thói quen nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi các hoạt động thương mại. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại.
Trường hợp các bên GKHĐ không thoả thuận cụ thể về một vấn đề nhưng giữa các bên đã hình thành một thói quen do đã hợp tác lâu dài và thói quen đó không trái quy định của pháp luật thì có thể áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã hình thành giữa các bên.
Có nhiều trường hợp khi các bên của quan hệ hợp đồng phát sinh tranh chấp nhưng trong hợp đồng không dự liệu phương hướng giải quyết, giữa các bên cũng không tồn tại một thói quen và pháp luật cũng không có quy định để điều chỉnh. Khi đó, tập quán với tư cách là một thói quen được thừa nhận rộng rãi trên một vùng, miền, hoặc trong một lĩnh vực có thể trở thành nguồn luật điều chỉnh quan hệ giữa các bên. Điều 3 BLDS năm 2005 cũng quy định: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự
của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong BLDS năm 2005. Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật Thương mại và trong Bộ luật dân sự (Điều 13 Luật Thương mại năm 2005).
Như vậy, BLDS năm 2005 và LTM năm 2005 đã chính thức thừa nhận thói quen trong hoạt động thương mại và tập quán là nguồn luật điều chỉnh quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng của các bên, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng phối hợp thói quen thương mại, pháp luật và tập quán. Theo đó, nếu giữa các bên tồn tại một thói quen không trái quy định của pháp luật thì thói quen đó được áp dụng để điều chỉnh quá trình GKHĐ của các bên, nếu không có thói quen thì áp dụng các quy định của pháp luật, nếu chưa hình thành thói quen và pháp luật cũng chưa có quy định điều chỉnh thì áp dụng theo tập quán.