6. Nội dung nghiên cứu:
1.2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
1.2.2.1. Các dấu hiệu nhận biết chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Chấp nhận đề nghị GKHĐ là hành vi tuyên bố ý chí của bên được đề nghị về việc chấp thuận toàn bộ nội dung của đề nghị GKHĐ (Điều 396 BLDS năm 2005). Khi một đề nghị GKHĐ được chấp nhận thì quan hệ hợp đồng giữa các bên được hình thành. Một thông tin được coi là chấp nhận đề nghị GKHĐ khi đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, thể hiện sự đồng ý của bên được đề nghị về tất cả các nội dung
của đề nghị GKHĐ. Sự chấp nhận này có thể được thực hiện dưới các hình thức khác nhau như: văn bản, lời nói, cử chỉ, thậm chí cả sự im lặng (nếu các bên có thỏa thuận im lặng được coi là hành vi chấp nhận hợp đồng). Theo Công ước Viên 1980, sự im lặng hoặc không hành động (bất tác vi) không được coi là một chấp nhận chào hàng. Tuy nhiên án lệ lại thừa nhận trong nhiều trường hợp vẫn được coi là chấp nhận chào hàng. Ví dụ: Nếu người bán chuyển cho người mua một văn bản với nội dung: Trừ trường hợp quý ngài được thông báo khác từ phía tôi trong thời hạn 3 ngày sau ngày tôi nhận được đơn đặt hàng của Quý ngài, tôi sẽ chuyển giao hàng mà quý ngài cần với giá 100 USD/chiếc”. Trong trường hợp này sự im lặng của người bán cấu thành lời chấp nhận chào hàng. Các nước Anh, Mĩ, Pháp đều không quy định im
lặng là hình thức của chấp nhận đề nghị. Việt Nam và một số nước khác như Đức lại có quy định im lặng được coi là chấp nhận nếu các bên có thỏa thuận trước về vấn đề này. Bộ luật Dân sự Đức cho rằng, việc chấp nhận bằng im lặng là hợp pháp nếu có thể lý giải được sự im lặng đó phù hợp với tập quán chung, hoặc nếu người đề nghị thỏa mãn như vậy. Điều 151 của Bộ luật này qui định: “Hợp đồng được giao kết bởi chấp nhận đề nghị, không cần thiết rằng người đề nghị được thông báo về chấp nhận, nếu việc thông báo như vậy không hoàn toàn bình thường theo tập quán chung, hoặc nếu người đề nghị đã khước từ nó. Thời điểm mà đề nghị mãn hạn được xác định phù hợp với ý chí của người đề nghị thể hiện trong đề nghị hoặc hoàn cảnh” [53].
BLDS Liên bang Nga cũng có các qui định về vấn đề này phù hợp với quan niệm chung của thế giới ngày nay. Khoản 2 Điều 438 BLDS Liên bang Nga qui định: “Sự im lặng không được xem là chấp nhận, trừ khi có sự khác
biệt phát sinh từ pháp luật, từ tập quán kinh doanh, hoặc từ quan hệ trước đó giữa các bên” [50].
Theo quy định tại khoản 2 Điều 404 BLDS năm 2005, hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Như vậy, sự im lặng chỉ được coi là sự chấp nhận đề nghị GKHĐ nếu các bên có thoả thuận.
Thứ hai, được thông báo cho bên đề nghị GKHĐ trong thời hạn có hiệu
lực của đề nghị GKHĐ. Trong trường hợp thông báo chấp nhận GKHĐ đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận GKHĐ vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Pháp luật của Anh xác định thời hạn trả lời là một khoảng thời gian hợp lý mà nếu quá thời hạn này chấp thuận không có hiệu lực. Khoảng thời gian hợp lý được xác định theo từng tình huống cụ thể. Ví dụ: trong vụ Ramsgate Victoria
Hotel Co. kiện Montefiore, năm 1866, chào mua cổ phiếu trong tháng 6 và được chấp nhận vào tháng 11. Toà án xác định thời hạn trả lời 4 tháng là không hợp lý nên việc chấp thuận không có hiệu lực [15,tr 55].
Pháp luật Việt Nam không quy định thời hạn trả lời đối với trường hợp bên đề nghị GKHĐ không xác định thời hạn trả lời. Do vậy, thời hạn trả lời chỉ kết thúc nếu thông báo thay đổi, rút lại, huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực hoặc các bên có thoả thuận. Việc pháp luật không quy định thời hạn trả lời trong trường hợp bên đề nghị không ấn định thời hạn có thể dẫn đến nhiều bất lợi cho bên đề nghị. Ví dụ, trong trường hợp sau một thời gian không nhận được trả lời của bên được đề nghị, bên đề nghị đã GKHĐ với một chủ thể khác. Lúc đó, bên được đề nghị mới trả lời chấp thuận nhưng bên đề nghị không còn khả năng thực hiện hợp đồng với bên đề nghị nữa.
1.2.2.2. Hiệu lực của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Như đã trình bày ở trên, chấp nhận đề nghị GKHĐ là yếu tố thứ hai để thiết lập nên hợp đồng, thiếu nó quan hệ hợp đồng không được xác lập. Vì vậy khi bên được đề nghị chấp nhận toàn bộ và vô điều kiện các nội dung của đề nghị GKHĐ thì hợp đồng được xác lập làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên. Chấp nhận đề nghị GKHĐ chỉ có giá trị khi được gửi đến người đề nghị trong thời hạn trả lời do bên đề nghị ấn định. Trong trường hợp bên đề nghị nhận được chấp nhận GKHĐ khi đã hết hạn trả lời thì chấp nhận này không có hiệu lực và được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Nếu bên đề nghị GKHĐ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị GKHĐ trả lời chấp nhận GKHĐ thì đề nghị GKHĐ vẫn có giá trị. Hoặc bên được đề nghị GKHĐ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận GKHĐ thì việc trả lời chấp nhận GKHĐ vẫn có giá trị. (Điều 398, 399 BLDS năm 2005). Như vậy, hợp đồng được coi là đã hình thành và ràng buộc các bên. Quy định trên của BLDS năm 2005 không hợp lý trong trường hợp hợp đồng bắt buộc phải do cá nhân thực hiện. Trong trường
hợp hợp đồng bắt buộc phải do cá nhân thực hiện nhưng cá nhân này bị chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, theo quy định của BLDS năm 2005, hợp đồng vẫn được hình thành và ràng buộc các bên nhưng trên thực tế, việc thực hiện hợp đồng là không thể nếu cá nhân đó không có người thừa kế hoặc có nhưng người đó không thể thực hiện được công việc. Bên cạnh đó, quy định này cũng mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 424 BLDS 2005, theo đó, hợp đồng chấm dứt trong trường hợp cá nhân GKHĐ chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện [19]. Về vấn đề này, quy định của pháp luật Singapore hợp lý hơn so với quy định của BLDS Việt Nam. Pháp luật Singapore quy định, đề nghị GKHĐ chấm dứt trong trường hợp một trong các bên chết đối với những hợp đồng có nội dung chủ yếu phải do cá nhân thực hiện [43].
1.2.2.3. Thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Khi bên được đề nghị đã chấp nhận GKHĐ, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới (Điều 395 BLDS năm 2005). Quy định này của BLDS năm 2005 có thể khiến quá trình GKHĐ của các bên trở nên rắc rối khi chỉ cần những thay đổi rất nhỏ trong thông báo chấp nhận GKHĐ cũng làm cho quá trình GKHĐ quay về bước khởi đầu (một bên đưa ra đề nghị). Về vấn đề này, Luật Thương mại năm 1997 của Việt Nam có cách xử lý linh hoạt hơn khi quy định: nếu bên được chào hàng sửa đổi, bổ sung chào hàng nhưng không làm thay đổi một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là chấp nhận chào hàng, trừ trường hợp người chào hàng từ chối ngay những sửa đổi, bổ sung đó (Điều 52). Tương tự như vậy, Điều 2-207 Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) quy định: người chấp thuận có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chào hàng mà hợp đồng vẫn được coi là được xác lập, nếu các nội dung cơ bản của hợp đồng được coi là đã được thoả thuận và bên chấp thuận
không coi các sửa đổi, bổ sung là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực [20,tr 187]. Hay theo Công ước Viên 1980, một sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận đề nghị GKHĐ nhưng chứa đựng những điểm bổ sung hay bớt đi hay sửa đổi khác thì được coi là từ chối đề nghị GKHĐ và hình thành nên một đề nghị mới. Tuy nhiên, nếu sự phúc đáp đó không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của đề nghị thì được coi là chấp nhận đề nghị, trừ phi người đưa ra đề nghị ngay lập tức không biểu hiện sự phản đối những điểm khác biệt đó. Khi nội dung của Hợp đồng là nội dung của đề nghị GKHĐ với những sửa đổi bổ sung nêu trong chấp nhận đề nghị. Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều khoản giá cả, thanh toán, phẩm chất, số lượng hàng hóa, địa điểm và thời gian giao nhận hàng, phạm vi trách nhiệm của các bên hay giải quyết tranh chấp được coi là những điều kiện làm biến đổi cơ bản nội dung của chào hàng (Điều 19 công ước Viên 1980).
1.2.2.4. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng quá hạn
Theo quy định tại Điều 397 BLDS năm 2005 thì trong trường hợp các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời. Nếu các bên có thoả thuận thời hạn trả lời hoặc bên đề nghị đã ấn định thời hạn trả lời trong đề nghị GKHĐ thì chấp nhận đề nghị GKHĐ chỉ làm phát sinh quan hệ hợp đồng giữa các bên nếu bên được đề nghị trả lời trong thời hạn đó. Nếu bên đề nghị GKHĐ nhận được trả lời khi đã hết hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.