Chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam (Trang 56)

2.2.2.1 Chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD do không đáp ứng điều kiện bảo hộ

Quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD chấm dứt khi các điều kiện để được bảo hộ của chúng không còn nữa. Theo Điều 84 – Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD chấm dứt khi một trong các điều kiện sau xảy ra:

Thứ nhất, BMKD trở thành hiểu biết thông thường và dễ dàng có được

56

BMKD được coi là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. BMKD bao giờ cũng có tính sáng tạo trong đó mà được con người tạo ra qua quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh hoặc nghiên cứu khoa học. Nhưng vì sự phát triển của con người là theo chiều hướng đi lên, nhất là trong thời đại khoa học phát triển nhanh như hiện nay, nên có thể các thông tin bí mật được người khác khám phá ra thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học độc lập của họ rồi công khai nó với công chúng. Khi đó bí mật kinh doanh trước đây vốn là sở hữu riêng của chủ thể nhất định và đem lại lợi thế cho chủ thể đó nay lại được nhiều người biết đến và sử dụng như những hiểu biết thông thường, ai cũng có thể tiếp cận, khai thác công dụng của nó. Điều đó có nghĩa là BMKD đã trở thành hiểu biết thông thường, dễ dàng có được và không được bảo hộ nữa, quyền của chủ sở hữu đối với BMKD cũng chấm dứt.

Thứ hai, BMKD không còn tính bí mật

Thông tin có giá trị mang lại lợi ích trong hoạt động kinh doanh chỉ được coi là BMKD khi nó được chủ sở hữu áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết ngay từ thời điểm họ tạo ra được, có được thông tin này để độc quyền khai thác, sử dụng chúng. Việc tự chủ sở hữu bảo mật cho thông tin bí mật về kinh doanh của mình là điều kiện cần để BMKD được pháp luật bảo hộ. Nếu vì lý do nào đó mà tính bí mật của BMKD không còn thì quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD đó cũng chấm dứt. Ví dụ chủ sở hữu hoặc người kiểm soát hợp pháp khác để lộ thông tin do không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo mật cần thiết; chủ sở hữu chấm dứt việc áp dụng các biện pháp bảo mật, bỏ mặc cho BMKD bị người khác thu thập, trao đổi hay sử dụng; chủ sở hữu công khai thông tin ra khu vực công cộng…

57

Thứ ba, BMKD không còn mang lại lợi thế kinh doanh cho chủ sở hữu

Cũng như tính bí mật, khi tính giá trị của BMKD không còn thì quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu đối với BMKD cũng chấm dứt. Có thể vì lý do nào đó mà BMKD khi áp dụng trong kinh doanh không đem lại lợi thế cho chủ sở hữu của nó nữa thì lúc đó chủ sở hữu không áp dụng các biện pháp bảo mật nữa, đương nhiên quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD chấm dứt. Chẳng hạn như thông tin bí mật đã lạc hậu bởi đối thủ cạnh tranh có được BMKD mới với lợi thế vượt trội hơn, ưu việt hơn, sản phẩm làm ra hoặc dịch vụ cung cấp do được áp dụng BMKD mới đó của họ có nhiều ưu điểm về chất lượng, giá cả, mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng thì rõ ràng rằng BMKD có trước kia dù vẫn còn đang được bảo mật chặt chẽ, an toàn thì tính giá trị của nó cũng không còn.

2.2.2.2 Chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD do các trường hợp khác

Thứ nhất, chủ sở hữu chuyển giao quyền SHCN đối với BMKD cho chủ thể khác

Quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD sẽ chấm dứt khi chủ sở hữu của nó chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như chuyển nhượng, góp vốn thành lập doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp, để thừa kế, trao đổi, tặng cho. Trong các trường hợp chuyển giao này, quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD sẽ chấm dứt đối với chủ thể chuyển giao và xác lập cho chủ thể được chuyển giao.

58

Thứ hai, chủ sở hữu từ bỏ quyền SHCN đối với BMKD của mình

BMKD là một loại tài sản trí tuệ, chủ sở hữu của BMKD có các quyền sử dụng, định đoạt đối với BMKD của mình theo quy định của pháp luật. Một trong những nội dung của quyền định đoạt BMKD của chủ sở hữu là quyền từ bỏ quyền của mình. Đây là việc chủ sở hữu quyết định số phận của tài sản bằng cách không coi đó là tài sản thuộc sở hữu của mình nữa. Lý do dẫn đến từ bỏ thì rất đa dạng, có thể chủ sở hữu không thích BMKD đó nữa, hay chủ sở hữu có được BMKD khác đem lại nhiều lợi thế hơn thay thế cho BMKD cũ, hoặc so với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh mới của hoạt động kinh doanh mà BMKD đã trở nên lạc hậu… Đối với BMKD, chủ sở hữu có thể từ bỏ quyền sở hữu bằng nhiều cách thức khác nhau như: chấm dứt việc áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết, bỏ mặc cho BMKD bị xâm phạm (bỏ mặc cho BMKD bị tiếp cận, thu thập hay sử dụng bởi các chủ thể khác), bộc lộ công khai thông tin bí mật ra công chúng. Đối với những BMKD phức tạp được lưu giữ và thể hiện thông qua những vật chất chứa đựng thì việc từ bỏ nó thông qua việc tiêu hủy tài liệu chứa đựng BMKD, khi các vật chất chứa đựng bị tiêu hủy thì BMKD cũng không còn tồn tại. Việc từ bỏ quyền SHCN đối với BMKD đương nhiên sẽ làm chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD của chủ sở hữu.

Thứ ba, BMKD bị tiêu hủy

Trong quá trình khai thác, sử dụng BMKD, do lý do khách quan nào đó mà BMKD bị tiêu hủy. Ví dụ trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… có thể làm cho BMKD bị mất đi, các tài liệu chứa đựng thông tin bí mật không thể tìm thấy được hoặc người nắm giữ các thông tin ấy mất tích… thì quyền SHCN đối với BMKD của chủ sở hữu đương nhiên chấm dứt.

59

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam (Trang 56)