Đối với dân cư địa phương

Một phần của tài liệu Vai trò của các nhà quản lý trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường thông qua phát triển du lịch sinh thái ở VN - nghiên cứu trường hợp ở Cần Giờ, TP.HCM (Trang 50)

3. Giải pháp của nhà quản lý đã làm

3.4.Đối với dân cư địa phương

Cộng đồng địa phương là thành phần trực tiếp và gián tiếp tham gia vào lực lượng lao động và cung ứng dịch vụ, là nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định tới sự thành bại của hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong du lịch sinh thái. Sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như cải thiện đời sống vật chất dân cư bản địa, tăng thu nhập và phúc lợi xã hội cho dân cư nhờ việc họ tham gia phục vụ du khách, nâng cao đời sống tinh thần và giao thoa văn hóa khi tiếp xúc với du khách đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, nhờ hoạt động du lịch mà đời sống của dân cư được cải thiện, điều này sẽ giúp cộng đồng địa phương nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên đang có. Nếu không quan tâm tới lợi ích của cồng đồng địa phương thì không thể thúc đẩy họ tham gia bảo vệ tài nguyên, làm hiểu sai đi mục đích tốt đẹp của du lịch. Nhận biết được tầm quan trọng của cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch sinh thái cũng như nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, để nâng cao nhận thức và thực tiễn hành động bảo vệ môi trường của dân cư thông qua du lịch sinh thái, hành động mà các nhà quản lý có thể làm để mang lại hiệu quả là:

Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái trong sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái có thể dưới nhiều hình thức như: đưa nội dung này vào chương trình đào tạo ở các cấp giao dục phổ thông, cao đẳng, dạy nghề, đại học và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân có ý thức tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái cho phát triển bền vững của ngành Du lịch nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung. Các chương trình giáo dục phải tiến hành trên nhiều hình thức, không thể tập trung người dân lại rồi dạy họ một mớ kiến thức về bảo tồn và sự cần thiết của việc bảo tồn. Nên lựa chọn những hình thức dễ hiểu, dễ nhớ như băng

hình, tranh ảnh, các chương trình văn hóa văn nghệ… Giáo dục cộng đồng địa phương trước hết tập trung vào những đối tượng chủ chốt có tiếng nói như những nhà lãnh đạo địa phương (huyện, xã, bản,…), những người có uy tín như người cao tuổi, người có trình độ như thầy giáo, bác sĩ, lãnh đạo Đoàn hội… nếu có thể tuyên truyền tốt cho những đối tượng này thì việc giáo dục cho cộng đồng bản địa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu có thể thì nên lựa chọn những người có trình độ và được tín nhiệm tại chính địa phương làm trong công tác quản lý khu du lịch sinh thái.

Quản lý tốt cơ sở hạ tầng và môi trường ở những khu du lịch; khuyến khích, hướng dẫn người dân và các cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện thu gom rác một cách khoa học, hợp lý. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Giữ vững an ninh và trật tự xã hội ở những khu du lịch đảm bảo tốt môi trường xã hội cho du khách đến du lịch.

Hoạt động giáo dục môi trường: để người dân hiểu đúng và tự giác thực hiện ngay trong ý thức thì cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường. Khi người dân có đủ nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường thì các hoạt động của họ sẽ không chệch khỏi định hướng. Hơn ai hết, dân cư địa phương phải là người hiểu rõ nhất nguồn tài nguyên và văn hóa của cộng đồng mình, là người thuyết minh và hướng dẫn cho du khách một cách chính xác, thuyết phục nhất.

Đào tạo kỹ năng: để thực hiện tốt các hoạt động thì chỉ có nhận thức, kiến thức là chưa đủ, người dân phải được định hướng, đào tạo kỹ năng để thực hiện hiệu quả. Các kỹ năng này sẽ bao gồm kỹ năng thể hiện, bày tỏ lòng hiếu khách, kỹ năng tài chính, tiếp thị, kỹ năng máy tính và tiếng anh cơ bản, bởi dân cư sẽ là người tiếp xúc trực tiếp và quan trọng nhất trong việc đem lại giá trị cảm nhận chân thực cho du khách.

Giáo dục phải đi đôi với hỗ trợ cụ thể cho sự phát triển của cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. Sẽ là không tưởng nếu nhà quản lý vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy, không săn bắt thú rừng, chặt gỗ quý, hái phong lan,… trong khi họ lại dựa vào hoạt động này để mưu sinh. Sự thật này dẫn đến một hướng giải pháp cho vấn đề phát triển du lịch sinh thái là nâng cao mức sống người dân, tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất và hoạt động nghề cho nhân dân địa phương, chuyển giao các kỹ thuật thích hợp về nông lâm ngư nghiệp, mở rộng mô hình RVAC…. Do du lịch sinh thái liên quan đến văn hóa địa phương nên cần khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như làm gốm, dệt thổ cẩm, làm đồ mây tre đan, nghề đá… những nét đẹp và độc đáo của văn hóa dân tộc là một điểm hấp dẫn chính đối với khách du lịch sinh thái, do vậy việc khuyến khích hoạt động này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa tăng thu nhập cho người dân.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho dân cư địa phương tham gia sâu và rộng vào mọi hoạt động cung ứng dịch vụ cho khách du lịch sinh thái. Phát triển dịch vụ nơi ở dạng Homestay, nhà nghỉ sinh thái do người dân làm chủ quản, đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm thủ công tại các làng nghề, tạo cơ hội cho du khách được chính người dân hướng dẫn và cùng làm tại cơ sở sản xuất của người dân, có thể là tại hộ gia đình, trang trại của người dân đó.

Việc quan tâm đến điều kiện ăn ở, di chuyển là tiêu chí khá quan trọng. Các nhà quản lý có vai trò quan trọng hỗ trợ dân cư địa phương phát triển du lịch sinh thái thông qua các dự án cung cấp nước sạch, xây dựng các con đường dẫn vào điểm du lịch, xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn… Làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ở những địa phương có tiềm năng về du lịch sinh thái. Có thể phối kết hợp giữa các địa phương với nhau để hình thành quy hoạch du lịch sinh thái theo không gian, tuyến và điểm du lịch sinh thái trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, các địa phương cần sớm có kế

hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở lưu trú du lịch. Các địa phương có thể kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn trong dân ngoài vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài ngoài nước để làm tốt công tác này.

Ban hành những quy chế cho việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch và dân cư địa phương, ví dụ về thỏa thuận kinh doanh trong những khoảng thời gian quy định, và điều khoản việc làm và chương trình đào tạo cho người dân địa phương. Các doanh nghiệp du lịch sẽ thuê người dân địa phương để cho người dân địa phương được tham gia và quản lý trực tiếp nguồn tài nguyên của địa phượng mình. Khuyến khích cá nhân địa phương sản xuất và bán hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách trực tiếp hoặc có thể thông qua các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp làng xã, các hộ kinh doanh gia đình cần hợp tác, liên kết với nhau cùng phát triển, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Du lịch sinh thái nên khuyến khích mọi người làm tăng giá trị di sản văn hóa riêng của địa phương. Tuy nhiên, văn hóa không phải tĩnh và cộng đồng có thể hướng tới việc thay đổi nó. Một cách tiếp cận thực tế là xác định các giới hạn của sự thay đổi cho phép mang lại bởi du lịch và sau đó để xem xét xem mức độ hoạt động du lịch sẽ tạo ra thay đổi ra sao. Điều quan trọng là cộng đồng sẽ ra quyết định mức độ thay đổi để mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, dễ tiếp cận và chân thực nhất.

III. TỔNG KẾT

Cùng với sự phát triển của nhân loại, du lịch ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí và những tác động to lớn lên tự nhiên – kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia và cùng lãnh thổ nào. Với cương vị là một nhà quản lý, kinh doanh du lịch trong tương lai, bản thân chúng em cũng có những suy nghĩ và hướng đi nhất định. Để có thể phát triển kinh doanh trong lâu dài, đặc biệt là trong phát triển du lịch sinh thái thì việc bảo vệ môi trường càng là cần thiết hơn. Phát triển du lịch sinh thái là hướng đến phát triển du lịch bền vững. Như đã phân tích ở trên, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường thông qua du lịch sinh thái là một trong những cách làm du lịch rất hay, nó mang lại những lợi ích hết sức lâu dài cho cả cư dân và cả người kinh doanh du lịch. Chúng ta hiểu hơn hết việc có nâng cao được nhận thức của cộng đồng hay không không chỉ phụ thuộc vào người quản lý mà còn là ý thức của cộng đồng. Tuy nhiên, trách nhiệm và tác động từ phía chúng ta – những người quản lý tạo nên một động lực vô cùng quan trọng giúp đỡ họ để họ thấy được tầm quan trọng của môi trường. Chung tay vì một môi trường tốt đẹp gắn kết con người với thiên nhiên, gắn kết con người với con người.

Tài liệu tham khảo

- Đề tài cấp Bộ “Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam” – TS Phạm Trung Lương (năm 1996).

- Nghiên cứu “Phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam” - TS. Vũ Thị Thoa - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Đỗ Việt Dũng - Trường Chính trị tỉnh Điện Biên.

- Tiểu luận: “Tiềm năng và thực trạng du lịch sinh thái ở Việt Nam” – Hoa Lan Anh, Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.

- Du lịch sinh thái – tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam – Ths. Lê Văn Minh, Viện nghiên cứu và phát triển Du lịch.

- Nghiên cứu “Tìm hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” đăng trên icrtourism.org.

- Định hướng chiến lược phát triển du lịch của Chính Phủ.

- Cuốn Ecotourism:principles, practices&policies for sustainability – Megan Epler Wood ( UNEP- united nations environment progarmme).

- Bài viết “Cần Giờ hướng đến đô thị du lịch sinh thái rừng – Biển” của báo vietpress_5/2012.

- Youtube_Cần Giờ_một chuyến đi

- Bách khoa toàn thư - 7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới (Theo quy định của Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các Khu DTSQ thế giới được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995).

- Báo mới.com_Bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ.

- Youtube_Rừng ngập mặn.

- Tìm hiểu trên Google scholar_thành tựu trong nước.

- Báo Sài Gòn tiếp thị_Khởi động dự án 1,5 tỉ USD lấn biển Cần Giờ.

- Du lịch sinh thái Việt Nam: Tiềm năng và hiện thực_ Phan Nguyên Hồng, Quan Thị Quỳnh Dao, Lê Kim Thoa.

Một phần của tài liệu Vai trò của các nhà quản lý trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường thông qua phát triển du lịch sinh thái ở VN - nghiên cứu trường hợp ở Cần Giờ, TP.HCM (Trang 50)