Tổ chức dạy đọc thành tiếng

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dạy đọc cho HS lớp 2 (Trang 49)

IV. Tổ chức dạy học tập đọc

1. Tổ chức dạy đọc thành tiếng

Để chuẩn bị cho việc đọc, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị tâm thế để đọc. Khi ngồi đọc cần ngồi ngay ngắn, khoảng cách từ mắt đến sách nên nằm trong khoảng 30 - 35cm, cổ và đầu thẳng, phải thở sâu và thở ra chậm để lấy hơi. ở lớp, khi được cô giáo gọi đọc, học sinh phải bình tĩnh, tự tin, không hấp tấp đọc ngay.

Trước khi nói về việc rèn đọc đúng, cần nói về tiêu chí cường độ và tư thế khi đọc, tức là rèn đọc to, đọc đàng hoàng. Trong hoạt động giao tiếp, khi đọc thành tiếng, người đọc một lúc đóng hai vai: một vai – và mặt này thường được nhấn mạnh – là người tiếp nhận thông tin bằng chữ viết, vai thứ hai là trung gian để truyền thông tin, đưa văn bản viết đến người nghe. Khi giữ vai thứ hai này, người đọc đã thực hiện việc tái sản sinh văn bản.

Vì vậy, khi đọc thành tiếng, người đọc có thể đọc cho mình hoặc cho người khác hoặc cho cả hai. Đọc cùng với phát biểu trong lớp là hai hình thức giao tiếp trước đám đông của trẻ em nên giáo viên phải coi trọng khâu chuẩn bị để đảm bảo sự thành công, tạo cho các em sự tự tin cần thiết. Khi đọc thành tiếng, các em phải tính đến người nghe. Giáo viên cần cho các em hiểu rằng các em đọc không phải chỉ cho mình cô giáo mà để cho tất cả các bạn cùng nghe nên cần đọc đủ lớn cho tất cả những người này nghe rõ.

Nhưng như thế hoàn toàn không có nghĩa là đọc quá to hoặc gào lên. Để luyện cho học sinh đọc quá nhỏ “lí nhí”, giáo viên cần tập cho các em đọc to chừng nào bạn xa nhất trong lớp nghe thấy mới thôi. Giáo viên nên cho học sinh đứng trên bảng để đối diện với những người nghe. Tư thế đứng đọc phải đàng hoàng, thoải mái, sách phải được mở rộng và cầm bằng hai tay.

1.1. Luyện đọc đúng

1.1.1. Đọc đúng là sự tái hiện mặt âm thanh của bài đọc một cách chính xác, không có lỗi. Đọc đúng là không đọc thừa, không sót tiếng, từ. Đọc đúng phải thể hiện đúng hệ thống ngữ âm chuẩn, tức là đọc đúng chính âm. Nói cách khác là không đọc theo cách phát âm địa phương lệch chuẩn. Với những học sinh người dân tộc thì lưu ý không để hệ thống ngữ âm tiếng mẹ đẻ ảnh hưởng tiêu cực đến phát âm tiếng Việt. Đọc đúng bao gồm việc đọc đúng các âm, thanh (đúng các âm vị), nghỉ ngắt hơi đúng chỗ (đọc đúng ngữ điệu).

1.1.2. Rèn cho học sinh thể hiện chính xác các âm vị tiếng Việt

- Đọc đúng các phụ âm đầu: Ví dụ có ý thức phân biệt để không đọc “nàm việc”, “ló lói”, “phẻ phắn”, “cá gô”, … mà phải đọc “làm việc”, “nó nói”,“khoẻ khoắn”, “cá rô”.

- Đọc đúng các âm chính: có ý thức phân biệt để không đọc “iu tin”, “mua riệu”, “chấm múi”, “hoọc hành” mà đọc “ưu tiên”, “mua rượu”, “chấmmuối”, “học hành”.

- Đọc đúng các âm cuối: ví dụ có ý thức không đọc: “luông luông”, “ngạc mũi”, “đao tai”, mà đọc “luôn luôn”, “ngạt mũi”, “đau tay”.

- Đọc đúng các thanh: về thanh cần khắc phục các lỗi phát âm địa phương sau: lẫn thanh hỏi (?) và thanh ngã (~) như tiếng Thanh Hoá, không phân biệt thanh (~) và thanh nặng (.) như

tiếng Nghệ An, Hà Tĩnh, không phân biệt thanh “hỏi”, “ngã” (?, ~) như tiếng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, còn tiếng Nam Bộ nhập hai thanh này làm một.

- Đọc đúng bao gồm cả đúng tiết tấu, ngắt hơi, nghỉ hơi, ngữ điệu câu. Cần phải dựa vào nghĩa, vào quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng, từ để ngắt hơi cho đúng. Khi đọc không được tách một từ ra làm hai, không tách từ chỉ loại với danh từ mà nó đi kèm.

Việc ngắt hơi phải phù hợp với các dấu câu: nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu hơn ở dấu chấm, đọc đúng các ngữ điệu câu: lên giọng ở cuối câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng cho phù hợp với tình cảm diễn đạt trong câu cảm. Với câu cầu khiến cần nhấn giọng phù hợp để thấy rõ nội dung cầu khiến khác nhau. Ngoài ra còn phải hạ giọng khi đọc bộ phận giải thích của câu.

Như vậy, đọc đúng đã bao gồm một số tiêu chuẩn của đọc diễn cảm.

1.1.3. Trình tự luyện đọc đúng. Trước khi lên lớp, giáo viên phải dự tính để ngăn ngừa các

lỗi khi đọc. Tuỳ đối tượng học sinh, giáo viên xác định các lỗi phát âm mà học sinh địa phương hoặc các vùng dân tộc dễ mắc phải để định ra các tiếng, từ, cụm từ, câu khó để luyện đọc trước. Ví dụ, một số tỉnh Bắc Bộ hay lẫn l/n, người Nam Bộ nói sai r/g,… Đặc biệt khi luyện đọc đúng cho học sinh dân tộc phải đối chiếu hệ thống ngữ âm tiếng mẹ đẻ của các em với tiếngViệt để thấy những trọng điểm cần luyện phát âm. Ví dụ hệ thống ngữ âm tiếng Tày, Nùng không có các âm g, r; tiếng H’Mông (nhóm H’Mông - Dao) chỉ có một phụ âm cuối ng nên học sinh H’Mông rất khó đọc các âm tiết khép. Hệ thống thanh điệu của các dân tộc cũng không tương ứng: tiếng H’Mông có tám thanh, tiếng Khmer (nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer) lại không có thanh điệu, nhiều tiếng có phụ âm kép.

Khi lên lớp, đầu tiên giáo viên đọc mẫu rồi cho cả lớp đọc đồng thanh, cuối cùng cho các em đọc cá nhân các tiếng, từ khó này. Với những câu mà giáo viên dự tính sẽ có nhiều em đọc sai phách câu (ngắt nghỉ không đúng chỗ) cũng tiến hành như vậy. Cuối cùng mới luyện đọc hoàn chỉnh cả đoạn, bài.

1.2. Luyện đọc nhanh

1.2.1. Đọc nhanh (còn gọi là đọc lưu loát, trôi chảy) là nói đến phẩm chất đọc về mặt tốc độ,

Mức độ thấp nhất của đọc nhanh là đọc trơn (Nhiệm vụ này phần dạy đọc của phân môn Học vần phải đảm nhiệm), tức là đọc không ê a, ngắc ngứ, không vừa đọc vừa đánh vần. Về sau tốc độ đọc phải đi song song với việc tiếp nhận có ý thức bài đọc. Đọc nhanh chỉ thật sự có ích khi nó không tách rời việc hiểu rõ điều được đọc. Khi đọc cho người khác nghe thì người đọc phải xác định tốc độ nhanh nhưng để cho người nghe hiểu kịp được. Vì vậy đọc nhanh không phải là đọc liến thoắng. Tốc độ chấp nhận được của đọc nhanh khi đọc thành tiếng trùng với tốc độ của lời nói. Khi đọc thầm thì tốc độ đọc sẽ nhanh hơn nhiều.

1.2.2. Biện pháp luyện đọc nhanh

Giáo viên hướng dẫn cho học sinh làm chủ tốc độ đọc bằng cách đọc mẫu để học sinh đọc theo tốc độ đã định. Đơn vị để đọc nhanh là cụm từ, câu, đoạn, bài. Giáo viên điều chỉnh tốc độ đọc bằng cách giữ nhịp đọc. Ngoài ra còn có biện pháp đọc tiếp nối trên lớp, đọc nhẩm có sự kiểm tra của thầy, của bạn để điều chỉnh tốc độ. Giáo viên đo tốc độ đọc bằng cách chọn sẵn bài có số tiếng cho trước và dự tính sẽ đọc trong bao nhiêu phút. Định tốc độ như thế nào còn phụ thuộc vào độ khó của bài đọc.

1.3. Luyện đọc diễn cảm

1.3.1. Đọc diễn cảm là một yêu cầu đặt ra khi đọc những văn bản văn chương hoặc có các

yếu tố của ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là việc đọc thể hiện ở kĩ năng làm chủ ngữ điệu, chỗ ngừng giọng, cường độ giọng v.v… để biểu đạt đúng ý nghĩ và tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời biểu hiện được sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm. Đọc diễn cảm thể hiện năng lực đọc ở trình độ cao và chỉ thực hiện được trên cở sở đọc đúng và đọc lưu loát.

Đọc diễn cảm chỉ có thể có được trên cơ sở hiểu thấu đáo bài đọc. Đọc diễn cảm yêu cầu đọc đúng giọng vui, buồn, giận dữ, trang nghiêm… phù hợp với từng ý cơ bản của bài đọc, phù hợp với kiểu câu, thể loại, đọc có cảm xúc cao, biết nhấn giọng ở từ ngữ biểu cảm, gợi tả, phân biệt lời nhân vật, lời tác giả. Để đọc diễn cảm, người ta phải làm chủ được chỗ ngắt giọng, ở đây muốn nói đến kĩ thuật ngắt giọng biểu cảm, làm chủ được tốc độ đọc (đọc nhanh, chậm, chỗ ngân hay là việc dãn nhịp đọc), làm chủ cường độ đọc (đọc to hay nhỏ, nhấn giọng hay không) và làm chủ ngữ điệu (độ cao của giọng đọc, lên giọng hay hạ giọng).

ở Tiểu học, khi nói đến đọc diễn cảm, người ta thường nói về một số kĩ thuật như ngắt giọng biểu cảm, sử dụng tốc độ và ngữ điệu.

- Ngắt giọng biểu cảm đối lập với ngắt giọng lôgic. Ngắt giọng lôgic là chỗ dừng để tách các nhóm từ trong câu. Ngắt giọng lôgic hoàn toàn phụ thuộc vào ý nghĩa và quan hệ giữa các từ.

Ngắt giọng biểu cảm là phương tiện tác động đến người nghe. Ngắt giọng lôgic thiên về trí tuệ, ngắt giọng biểu cảm thiên về cảm xúc. Ngắt giọng biểu cảm là những chỗ lắng, sự im lặng có tác dụng truyền cảm, “gây bão tố”, góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao. Đó là sự ngắt giọng có ý đồ nghệ thuật. Ví dụ, câu cuối của bài thơ Sang năm con lên bảy: “Cha gặp lại mình trong những ước mơ con” nếu tạo một chỗ ngừng (ngắt giọng) sau “cha gặp lại mình” thì sẽ có hiệu quả nghệ thuật cao hơn so với ngắt giọng bình thường vì ngắt giọng như vậy sẽ tăng âm lượng của bài thơ cho năm tiếng cuối “trong những ước mơ con”, gây sự tập trung chú ý và thôi thúc phải trả lời tại sao lại “gặp lại mình trong những ước mơ con”. - Tốc độ: Tốc độ đọc ảnh hưởng đến sự diễn cảm, đặc biệt là chỗ có thay đổi tốc độ gây sự chú ý, có giá trị biểu cảm tốt. Ví dụ khi đọc bài thơ Mẹ, nếu câu cuối “Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” đọc chậm lại, nhịp dãn ra thì câu thơ có nhiều âm lượng nhất này của bài sẽ đọng lại trong lòng người đọc hơn là đọc với một tốc độ bình thường như những câu khác. - Ngữ điệu: Theo nghĩa hẹp, ngữ điệu là sự lên cao hay hạ thấp giọng. Mỗi kiểu câu chia theo mục đích nói đều có ngữ điệu riêng, ví dụ, sự hạ giọng cuối câu kể, sự lên giọng ở cuối câu hỏi. Điều này đã được nói đến khi bàn về đọc đúng ngữ điệu. ở đây chỉ muốn nói về những chỗ lên giọng, xuống giọng có dụng ý nghệ thuật. Ví dụ, “Hôm nay tôi đi học” trong câu “Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” (Nhớ lại buổi đầu đi học) cần được đọc nhấn giọng và hạ giọng nhằm gây sự chú ý, hướng người nghe vào sự kiện quan trọng này.

Theo nghĩa rộng, ngữ điệu là sự hoà đồng của chỗ ngừng, tốc độ, chỗ nhấn giọng, cao độ… tạo nên âm hưởng của bài đọc. Cần hiểu rằng “đọc diễn cảm” không phải là đọc sao cho “điệu”, thiếu tự nhiên, dựa vào ý thích chủ quan của người đọc. Đọc diễn cảm là sử dụng ngữ điệu để phô diễn cảm xúc của bài đọc. Hoà nhập được với bài văn, bài thơ, có cảm xúc

sẽ tìm thấy ngữ điệu thích hợp. Chính văn bản quy định ngữ điệu cho chúng ta chứ không phải chúng ta tự đặt ra ngữ điệu.

1.3.2. Biện pháp luyện đọc diễn cảm: Chính nội dung bài đọc đã quy định ngữ điệu của nó

nên không thể áp đặt sẵn giọng đọc của bài; ngược lại, điều này phải là kết luận tự nhiên của học sinh đưa ra sau khi hiểu sâu sắc nội dung bài đọc và biết cách diễn đạt thích hợp dưới sự hướng dẫn của thầy.

Để hình thành kĩ năng đọc diễn cảm, cần thực hiện các bài tập sau:

- Tập lấy hơi và tập thở: biết thở sâu ở chỗ ngừng nghỉ để lấy hơi khi đọc. - Rèn cường độ giọng đọc - luyện đọc to (bắt đầu từ lớp 1).

- Luyện đọc chính âm. - Luyện đọc diễn cảm:

+ Đàm thoại cho học sinh hiểu ý đồ tác giả, thảo luận vì sao đọc như vậy. Có thể đọc phân vai để làm sống lại nhân vật của tác phẩm.

+ Lập dàn ý bài.

+ Đọc mẫu của thầy: Thầy đọc mẫu và đặt câu hỏi vì sao đọc như thế; chỗ nào trong cách đọc của thầy làm học sinh thích.

- Luyện đọc cá nhân.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dạy đọc cho HS lớp 2 (Trang 49)