Các biện pháp quản trị rủi ro thanh khoản

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 26)

Để xử lý vấn đề về thanh khoản, ngân hàng có thể tiếp cận theo ba hướng sau đây:

- Tạo ra nguồn cung thanh khoản từ bên trong ( dựa vào tài sản “ có ” ). - Vay mượn từ bên ngoài ( dựa vào tài sản “ nợ ” ) để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

- Phối hợp cân bằng cả hai hướng trên.

Biện pháp này đòi hỏi ngân hàng phải dự trữ thanh khoản đủ lớn dưới hình thức nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao, chủ yếu là tiền mặt và các chứng khoán dễ bán. Khi xuất hiện nhu cầu thanh khoản, ngân hàng sẽ sử dụng tiền mặt và chuyển hóa dần các tài sản thành tiền mặt cho đến khi nhu cầu thanh khoản được đáp ứng. Khi sử dụngh biện pháp này, quy mô bảng cân đối tài sản và kết cấu tài sản có của ngân hàng sẽ bị thay đổi.

Những tài sản có tính thanh khoản phổ biến là: trái phiếu kho bạc, thương phiếu, hối phiếu …Như vậy, trong biện pháp quản trị thanh khoản có, một ngân hàng được coi là quản trị thanh khoản tốt nếu ngân hàng này có thể tiếp cận nguồn cung thanh khoản một cách kịp thời với chi phí hợp lý.

Biện pháp này có ưu điểm là ngân hàng hoàn toàn chủ động trong việc tự đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho mình mà không bị lệ thuộc vào các chủ thể khác. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có một số nhược điểm sau:

- Khi bán tài sản để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, ngân hàng sẽ mất đi khoản thu nhập mà tài sản đó mang lại. Như vậy, ngân hàng đã phải chịu chi phí cơ hội khi bán đi các tài sản đã đầu tư.

- Tổn thất càng lớn cho ngân hàng nếu các tài sản đem bán bị giảm giá trên thị trường hoặc bị người mua ép giá do ngân hàng phải bán gấp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

- Ngân hàng phải đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao, lại là các tài sản có khả năng sinh lời thấp, do đó sẽ sảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.

1.2.8.2. Biện pháp quản trị thanh khoản nợ

Thay vì sử dụng các khoản mục bên Có của bảng cân đối, biện pháp quản trị thanh khoản nợ sử dụng các khoản mục bên Nợ của bảng cân đối tài sản. Ngân hàng sẽ thực hiện mua thanh khoản trên thị trường tiền tệ để đáp

ứng các yêu cầu về thanh khoản phát sinh. Nguồn tài trợ cho biện pháp này thường bao gồm: vay qua đêm, vay Ngân hàng Trung ương, phát hàng các chứng chỉ tiền gửi … Biện pháp này không làm thay đổi quy mô bảng cân đối tài sản và kết cấu tài sản có nhưng làm thay đổi kết cấu tài sản nợ. Như vậy, nếu ngân hàng quản lý tài sản nợ một cách hiệu quả thì chiến lược kinh doanh bên tài sản có sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự rút tiền quá mức thông thường của khách hàng.

Ưu điểm của biện pháp này là vấn đề thanh khoản của ngân hàng được giải quyết một cách linh hoạt, hoạt động đầu tư vào các tài sản sinh lời trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp này là ngân hàng bị phụ thuộc vào thị trường tiền tệ khi đáp ứng nhu cầu thanh khoản do sự biến động về khả năng cho vay và lãi suất trên thị trường tiền tệ. Hơn nữa, một ngân hàng vay mượn quá nhiều thường bị đánh giá là có khó khăn về tài chính, khi thông tin này lan rộng, các khách hàng gửi tiền sẽ rút vốn hàng loạt hoặc ngân hàng phải huy động vốn với chi phí cao hơn so với các ngân hàng khác. Cùng lúc đó, các định chế tài chính cũng thận trọng và dè dặt hơn trong việc tài trợ vốn cho ngân hàng này để giải quyết khó khăn về thanh khoản.

1.2.8.3. Biện pháp quản trị thanh khoản phối hợp

Như đã nêu ở trên, cả hai biện pháp quản trị thanh khoản có và quản trị thanh khoản nợ đều có hạn chế là: chịu chi phí cơ hội cao khi bán các tài sản dự trữ hoặc bị phụ thuộc vào thị trường tiền tệ. Do đó, phần lớn các ngân hàng thường kết hợp cả hai biện pháp trên để tạo ra biện pháp quản trị thanh khoản phối hợp.

Đối với biện pháp này, ngân hàng sử dụng cả việc dự trữ thanh khoản và đi mua thanh khoản trên thị trường tiền tệ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Đối với những nhu cầu thanh khoản thường xuyên, ngân hàng sẽ sử dụng tài sản dự trữ để đáp ứng, đối với những nhu cầu thanh khoản không thường xuyên sẽ được

đáp ứng bằng mua thanh khoản hay vay nợ trên thị trường tiền tệ.

Khi sử dụng biện pháp này, các ngân hàng có thể giảm thấp phần dự trữ thanh khoản để tăng cho vay và đầu tư. Bên cạnh đó cũng làm giảm chi phí thanh khoản xuống mức hợp lý mà không làm mất tính chủ động của ngân hàng trong việc đáp ứng các nhu cầu thanh khoản.

Ngoài các biện pháp quản trị thanh khoản nêu trên, khi tiến hành hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản, các ngân hàng có thể tham khảo các quy tắc trong việc quản trị thanh khoản mà BIS đề ra sau đây:

Xây dựng một chương trình quản lý rủi ro thanh khoản

Quy tắc 1: Các ngân hàng phải có một chiến lược thống nhất về quản trị thanh khoản.

Quy tắc 2: Ban giám đốc ngân hàng cần thông qua các chiến lược và chính sách quản trị thanh khoản cần thiết.

Quy tắc 3: Mỗi ngân hàng phải có bộ phận quản trị chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược quản trị thanh khoản.

Quy tắc 4: Ngân hàng phải có các hệ thống thông tin đầy đủ để đo lường, giám sát, kiểm soát và báo cáo rủi ro thanh khoản.

Đo lường và giám sát trạng thái thanh khoản

Quy tắc 5: Mỗi ngân hàng cần xây dựng một quy trình đo lường và giám sát thường xuyên trạng thái thanh khoản.

Quy tắc 6: Mỗi ngân hàng cần phân tích trạng thái thanh khoản theo các kịch bản khác nhau có thể xảy ra.

Quy tắc 7: Mỗi ngân hàng cần thường xuyên xem xét lại các giả định đưa ra khi xác định trạng thái thanh khoản: Các giả định về tài sản có, tài sản nợ, cam kết ngoại bảng.

Quy tắc 8: Mỗi ngân hàng cần thường xuyên xem xét về mối quan hệ với các nhà cung cấp vốn, mức độ tập trung của nhà cung cấp vốn (liabilities holder ).

Lập kế hoạch dự phòng

Quy tắc 9: Mỗi ngân hàng cần phải xây dựng các kế hoạch đối phó với các khủng hoảng thanh khoản.

Quản trị thanh khoản đối với ngoại tệ

Quy tắc 10: Mỗi ngân hàng cần có hệ thống đo lường, giám sát và kiểm soát trạng thái thanh khoản đối với các loại ngoại tệ mà ngân hàng có giao dịch nhiều.

Quy tắc 11: Mỗi ngân hàng cần đưa ra các hạn mức cho phép và thường xuyên xem xét các hạn mức.

Kiểm soát nội bộ trong quản trị rủi ro thanh khoản

Quy tắc 12: Mỗi ngân hàng cần các thủ tục kiểm soát nội bộ cần thiết cài đặt trong quá trình quản trị rủi ro thanh khoản. Thủ tục kiểm soát nội bộquan trọng nhất là cần có cuộc kiểm tra, đánh giá độc lập để đánh giá hiệu quả của quản trị rủi ro thanh khoản. Kết quả kiểm soát nội bộ cần báo cáo với Ban kiểm soát của ngân hàng.

Công bố thông tin ra ngoài

Quy tắc 13: Mỗi ngân hàng cần có một cơ chế đảm bảo rằng thông tin về hoạt động của ngân hàng được công bố ra ngoài để đảm bảo uy tín và tình hình hoạt động của ngân hàng là lành mạnh.

Vai trò của Ban kiểm soát

Quy tắc 14: Ban kiểm soát phải thực hiện các cuộc kiểm tra, đánh giá độc lập về chiến lược, chính sách, thủ tục và biện pháp ngân hàng thực hiện quản trị rủi ro thanh khoản. Ban kiểm soát cũng phải nhận được các thông tin

kịp thời để đánh giá rủi ro thanh khoản và đảm bảo rằng ngân hàng có kế hoạch quản trị thanh khoản cần thiết.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Thực trạng và giải pháp (Trang 26)