- Cập nhật các thông tin về kết quả kiểm tra vào hệ thống cơ sở dữ liệu theo
2.2.3 Về công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan
Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các Cục, Chi cục địa phương trong công tác kiểm tra sau thông quan. Cục Kiểm tra sau thông quan cũng trực tiếp tiến hành kiểm tra tại Cục Kiểm tra sau thông quan và kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệpvà xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể về kiểm tra sau thông quan theo từng năm, từng quý nhằm giúp kiểm tra chính xác và thu nhiều hiệu quả. Việc xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ rất quan trọng, nó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác. Do đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đã rất quan tâm, chú trọng trong khâu xây dựng kế hoạch để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2009, Cục Kiểm tra sau thông quan đã xây dựng phương hướng nhiệm vụ và đưa ra 05 nhiệm vụ chính sau:
- Đẩy mạnh triển khai công tác hiện đại hóa Hải quan;
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về hải quan;
- Duy trì chặt chẽ kỳ cương hành chính; chống gây phiền hà sách nhiễu; - Xây dựng lực lượng hải quan trong sạch vững mạnh.
Trước những nhiệm vụ đã vạch sẵn, Cục Kiểm tra sau thông quan đã triển khai thực hiện và thu được nhiều thành tựu:
- Về nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai hiện đại hóa Hải quan: Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày một tiên tiến thì việc hiện đại hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ riêng trong ngành Hải quan. Đặc biệt đối với công tác kiểm tra sau thông quan, thì hiện đại hóa lại càng quan trọng. Trong năm 2009, Cục đã hoàn thành xây dựng nội dung về Kiểm tra sau thông quan và Thanh tra thuế trong Thông tư 79 (Hiện nay được thay bằng Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 và Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Bộ tài chính), Ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan, kiểm tra thuế theo tinh thần Luật quản lý Thuế. Song song bên cạnh đó Cục cũng triển khai tập huấn Quy trình kiểm tra sau thông quan, Thanh tra thuế cho các cán bộ thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Thành phố Hà Nội. Cục cũng đã xây dựng và bổ sung các mục tiêu chất lượng và Quy trình ISO theo nội dung Quy trình Kiểm tra sau thông quan ban hành kèm theo QĐ 1383, duy trì thực hiện chương trình 5S thường xuyên và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình đi vào triển khai thực tế còn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn nên tiến độ áp dụng Đề án tăng cường năng lực Kiểm tra sau thông quan vẫn còn chậm.
- Về nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước: Thông qua quá trình kiểm tra sau thông quan, Cục Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện ra được nhiều vấn đề gây thất thu thuế lớn cho Nhà nước như về phí bản quyền, phí kỳ vụ, các khoản phải cộng vào trị giá hải quan; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở tiền nhập khẩu, xe ô tô chở người khai là xe tải Van; cơ cấu trị giá mặt hàng than xuất khẩu, vấn đề miễn thuế nhập khẩu của các dự án đầu tư... Từ đó, mà Cục đã phát hiện ra được nhiều vi phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh và đã truy thu thuế còn thiếu cho Ngân sách Nhà nước. Ví dụ như: Chuyên đề phí bản quyền và các khoản phải cộng vào trị giá hải quan đã truy thu 73,54 tỷ đồng…
- Về cải cách thủ tục Hải quan: Cục Kiểm tra sau thông quan đã tiến tới ISO hóa tất cả các công việc của Cục bao gồm cả công việc hành chính và nghiệp vụ. Ngoài ra, Cục cũng đã ban hành chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng giai đoạn 2009 – 2010 theo tiêu chuẩn ISO.
- Về công tác duy trì kỷ cương hành chính, chống gây phiền hà sách nhiễu:
Cục Kiểm tra sau thông quan duy trì tốt kỷ luật lao động, các cán bộ công chức của Cục đều có tinh thần tự giác, trách nhiệm làm việc cao.
- Về xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh: Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ công chức trong Cục 10 kỷ cương của Công chức Hải quan Việt Nam, 10 giải pháp của Quyết định số 517/QĐ/TCHQ ngày 17/06/2004 và chỉ thị số 1416/CT-TCHQ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức Hải quan; Quy ước về văn hóa, văn minh công sở của Cục Kiểm tra sau thông quan. Ngoài ra, Cục cũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện 10 điều kỷ cương của công chức Hải quan, Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dương, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, kết hợp tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước với tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Như vậy, có thể thấy rằng từ việc xây dựng lập kế hoạch làm việc, Cục Kiểm tra sau thông quan đã thu được những kết quả tốt dựa trên những mục tiêu đã đề ra nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra sau thông quan và đang từng bước khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của mình trong toàn ngành Hải quan.
Tính từ thời điểm lực lượng kiểm tra sau thông quan được đưa vào hoạt động, công tác này đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng, truy thu hàng trăm tỷ cho ngân sách Nhà nước và có đóng góp lớn vào an ninh vùng kinh tế quốc gia. Từ năm 2005-2009, số tiền phải truy thu nhờ công tác kiểm tra sau thông quan ngày càng tăng thể hiện rõ sự trưởng thành về nghiệp vụ cũng như năng lực ngành. Để có được cái nhìn tổng quan và khách quan hơn về công tác này ta có thể đưa ra biểu đồ sau:
Biểu đồ 1: Biểu đồ thể hiện tình trạng truy thu thuế nhờ công tác kiểm tra sau thông quan từ năm 2005 đến 2009 của Việt Nam
Đơn vị: tỷ đồng (VNĐ)
(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kiểm tra sau thông quan từ 2005 đến 2009 – Cục KTSTQ)
Từ biểu đồ trên có thể thấy rằng năm từ 2005 đến 2009 ngành đã truy thu hơn 800 tỷ cho ngân sách nhà nước, làm tốt nhiệm vụ chống gian lận thương mại của mình.
Một ví dụ về phát hiện gian lận qua giá nhờ công tác kiểm tra sau thông quan:
Năm 2008, Công ty TTHH A xuất khẩu đồng phế liệu (có Mã số HS: 7404000000), và Công ty CP B xuất khẩu nhôm phế liệu (Mã số HS: 7602000000). Theo hồ sơ hải quan 02 doanh nghiệp khai giá như sau:
Đối với đồng phế liệu có Mã số HS: 7404000000, số lượng: 20.3 tấn, với giá: 374 đồng/kg, thuế suất thuế xuất khẩu: 40%, tỷ giá: 1USD = 16 937 VNĐ, trị giá của toàn bộ lô hàng là:448.26 USD.
Đối với nhôm phế liệu có Mã số HS: 7602000000, số lượng 33 tấn với giá 340 đồng/kg, thuế suất thuế xuất khẩu: 40%, tỷ giá 16 937 VNĐ, trị giá của lô hàng này là: 662.45 USD.
Sau khi lô hàng đã được thông quan, tháng 03/2009, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm trong việc khai thấp giá hàng hóa so với giá cả trên thị trường trong cùng thời điểm. Cục hải quan thành phố mà cụ thể ở đây là bộ phận kiểm tra sau thông quan
đã tiến hành kiểm tra trị giá khai báo. Theo kết quả kiểm tra trị giá của cơ quan hải quan thì giá bán của 2 mặt hàng trong nước tại điểm đó từ 50 – 60.000 đồng/kg đồng phế liệu và từ 17 – 20.000 đồng/kg nhôm phế liệu. Như vậy, thông qua khâu kiểm tra sau thông quan đã phát hiện Công ty TNHH A và Công ty CP B gian lận trong việc khai báo thấp trị giá tính thuế để trốn thuế. Mặt khác, từ năm 2008 đến thời điểm phát hiện có gian lận hai doanh nghiệp này đã làm thủ tục xuất khẩu với tổng số tờ khai là 112 tờ, số lượng hàng: 13.821 tấn hàng với trị giá khai báo như trên. Theo ước tính của cơ quan hải quan thì hai doanh nghiệp này đã lậu thuế khoảng 100 tỷ VNĐ. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, cơ quan hải quan đã tiến hành truy thu số thuế còn thiếu và xử phạt nghiêm khắc hai doanh nghiệp này theo quy định của luật pháp. Từ ví dụ trên cho ta thấy rằng công tác kiểm tra sau thông quan đã phát huy tốt nhiệm vụ và vai trò của mình, chống thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước.
Và để đạt được những thành tựu trên, phải nói đến sự nỗ lực và cố gắng của Cục Kiểm tra sau thông quan. Cục Kiểm tra sau thông quan đã trực tiếp tham gia kiểm tra và thu được nhiều kết quả tốt. Chẳng hạn như: năm 2008, Cục Kiểm tra sau thông quan trực tiếp kiểm tra 34 cuộc kiểm tra sau thông quan (trong đó có 28 cuộc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, 06 cuộc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp), ra quyết định truy thu 42,58 tỷ đồng chiếm 20,78% trong tổng số tiền truy thu trong toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan. Năm 2009, thực hiện 15 cuộc điều tra, ra quyết định truy thu 53,63 (số thuế truy thu phát sinh trong năm) chiếm khoảng 17,34% tổng số thuế truy thu trong toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan. Năm 2010, Cục tiếp tục triển khai, thực hiện kiểm tra và hoàn thành nốt những nhiệm vụ của năm 2009, quán triệt đến năm 2011 là sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ công tác kiểm tra sau thông quan.
Tóm lại, Cục Kiểm tra sau thông quan đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao và mang lại những hệ quả to lớn cho cả ngành hải quan và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế sẽ nghiêm chỉnh hơn trong việc chấp hành pháp luật.