Kiến nghị nâng cao hiệu quả quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước

Một phần của tài liệu Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 89)

- Có dấu hiệu chiếm đoạt

2.3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước

Tham ô là hành vi của người nào đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để

chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Vậy, để ngăn ngừa hành vi này, các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước phải thật chặt chẽ, đặc biệt là trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Trước đây, pháp luật quy định để cho doanh nghiệp tự định giá, rồi sau đó là tạo ra hội đồng định giá và với những quy định này, móc ngoặc tham ô tất yếu sẽ xảy ra. Do vậy, về phương pháp xác định giá trị DNNN khi tiến hành cổ phần hóa, cần sớm có quy định chuyển dần từ hội đồng định giá doanh nghiệp sang hình thức đấu giá theo cơ chế thị trường

Khúc mắc rất lớn tiếp theo của xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là giá trị quyền sử dụng đất có được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay không. Riêng vấn đề này có hai Nghị định của Chính phủ quy định hai cách khác nhau: Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 10 năm 2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật đất đai thì quy định giá trị quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Nhưng Nghị định 187 ban hành ngay sau đó thì lại loại trừ giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi cổ phần hóa. Đây là một kẽ hở rất lớn làm thất thoát khối tài sản có giá trị của nhà nước.

Khoản 1, Điều 63 Nghị định 181 ra đời ngày 29/10/2004 quy định: "Quyền sử dụng đất của DNNN do được nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận quyền sử dụng đất là tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp phải tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hoá". Còn khoản a điều 19 của Nghị định 187 ra đời ngày 16/11/2004 thì quy định: "Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá lựa chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN cổ phần hoá".

Hai nghị định ra đời chỉ cách nhau 17 ngày mà hai điều khoản lại "đối nhau" khiến nhiều DNNN đang trong giai đoạn cổ phần hoá không biết phải thực hiện ra sao. Nếu doanh nghiệp áp dụng theo NĐ 181 có nghĩa là quyền

sử dụng đất đương nhiên thuộc về doanh nghiệp và giá trị tài sản của quyền sử dụng đất đó phải tính vào tỷ lệ cổ phần hoá. Ngược lại, nếu doanh nghiệp áp dụng theo Nghị định 187 thì giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào tỷ lệ cổ phần hoá. Cả hai nghị định này đều đang có hiệu lực thi hành nên doanh nghiệp cũng không biết nên theo nghị định nào dù những bất cập đang hiển nhiên tồn tại. Điều này đòi hỏi phải có sự rà soát, điều chỉnh lại các văn bản một cách thống nhất, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, tạo sơ hở cho hiện tượng tham ô, tham nhũng phát triển.

Có thể thấy, khung pháp lý cho cổ phần hóa chưa đủ mạnh, từ nhiều năm nay cổ phần hóa được điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ. Nên chăng, thời gian tới Ủy ban thường vụ Quốc hội nên ban hành một Pháp lệnh về cổ phần hóa DNNN và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác để quá trình cổ phần hóa diễn ra đúng luật và hiệu quả hơn, thu hẹp dần “mảnh đất màu mỡ” để người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng địa vị của mình tham ô tài sản.

KẾT LUẬN

Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tội tham ô tài sản là tội danh được ghi nhận ngay ở vị trí đầu tiên trong Chương các tội phạm về chức vụ, cùng với thực tiễn thời gian qua tội phạm tham ô được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử luôn chiếm tỷ lệ cao trong các tội phạm tham nhũng đã chứng tỏ mức nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện, đấu tranh đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án tham ô lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội được đông đảo nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, qua phân tích những số liệu thống kê từ năm 2002 đến năm 2007, dù các con số chỉ mang tính tương đối nhưng cũng đã phản ánh được thực trạng: tội phạm tham ô với số lượng các vụ án tăng, giá trị tài sản ngày càng lớn, thủ đoạn hết sức tinh vi, cấu kết chặt chẽ giữa các chủ thể. Nó gây ra những hậu quả to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật và phân tích những tồn tại, vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định về tội tham ô trong điều tra, truy tố, xét xử giai đoạn 2002 - 2007, luận văn đã nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tội tham ô tài sản trong BLHS và pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi cấu trúc của điều luật 278 BLHS;

Thứ hai, kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 278 Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999, bao gồm:

- Giải thích thế nào là người có “chức vụ, quyền hạn”.

- Kiến nghị hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS trong khi xét xử các vụ án tham ô tài sản;

- Kiến nghị sửa đổi tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 278;

- Hướng dẫn áp dụng tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng khác, gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” một cách cụ thể để có thể áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tùy tiện”;

- Hướng dẫn trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản mà giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến 500.000 đồng;

- Kiến nghị sửa đổi định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt xác định tội tham ô tài sản;

- Kiến nghị quy định hình phạt tiền là hình phạt bắt buộc trong tội tham ô tài sản..

Thứ ba, kiến nghị nâng cao hiệu quả quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước trong phạm vi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Những kết quả của luận văn đã thể hiện sự nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện nghiên cứu và khả năng của bản thân có hạn, chắc chắn luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, tác giả luận văn rất mong được sự tiếp tục chỉ dẫn của các thầy cô, của bạn bè để luận văn có nội dung hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)