- Có dấu hiệu chiếm đoạt
2.2.2. Kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 278 Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999:
Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999:
- Giải thích thế nào là người có “chức vụ, quyền hạn”.
Theo quy định của Điều 277 BLHS thì người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Việc hiểu thế nào là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định không khó, nhưng hiểu như thế nào trong khi thực hiện công vụ thì thực tiễn xét xử không ít trường hợp còn có ý kiến khác nhau, nhiệm vụ nào được coi là nhiệm vụ công?
Nếu công vụ được hiểu theo nghĩa là làm nhiệm vụ vì lợi ích cho một tập thể người thì quá rộng, nhưng nếu hiểu công vụ theo nghĩa chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước hưởng lương ngân sách thì cũng chưa thật đầy đủ vì ngay trong khái niệm thế nào là người có
chức vụ quy định tại Điều 277 cũng đã nêu “có hưởng lương hoặc không hưởng lương” vẫn có thể là chủ thể của tội tham ô tài sản.
Hiện nay, nước ta có nhiều loại hình kinh tế, nhiều cơ quan, tổ chức được thành lập nhưng chức năng không rõ ràng, chế độ tiền lương đối với những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức này cũng chưa có quy định cụ thể, có người hưởng lương do ngân sách cấp nhưng lại làm việc cho một tổ chức nước ngoài, có người hưởng lương không do ngân sách cấp nhưng lại làm việc trong cơ quan công quyền… Vì vậy, việc xác định một người thực hiện hành vi phạm tội có phải là người có chức vụ hay không là một vấn đề phức tạp.
Do đó, để áp dụng đúng và thống nhất, các cơ quan chức năng cần thống nhất hướng dẫn:
Người có “chức vụ” được quy định tại Điều 278 BLHS được hiểu đó là cán bộ, công chức theo Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 và năm 2003) và Điều 1 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, bao gồm:
- Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ nhất định theo nhiệm kỳ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước; mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có chức danh tiêu chuẩn riêng;
- Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân; - Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân
mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp;
- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc trong các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước; văn phòng Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Trường học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước; cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Nhà nước; Thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa của Nhà nước; các tổ chức sự nghiệp khác của Nhà nước;
- Những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc những người được những cơ quan, tổ chức đó ủy quyền thực hiện một nhiệm vụ, công vụ trong một thời gian nhất định.
- Giải thích “cơ quan, tổ chức” gồm những cơ quan, tổ chức nào.
“Cơ quan” quy định tại Điều 277 BLHS được hiểu là các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bao gồm: Các cơ quan Đảng, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), hệ thống các cơ quan hành pháp (Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng chuyên môn thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp…), các cơ quan tư pháp, các đơn vị lực lượng vũ trang và các cơ quan của một số thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam (như hệ thống cơ quan Đoàn thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn lao động…) và các bộ phận có tính chất hành chính, điều hành trong các doanh nghiệp nhà nước…
“Tổ chức” quy định tại Điều 277 BLHS được hiểu là:
Phương án 1: Đó là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế mà Nhà nước có cổ phần và tham gia điều hành.
Phương án 2: Đó là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế mà Nhà nước có cổ phần và tham gia điều hành và tổ chức quốc tế có trụ sở đóng tại Việt Nam.
- Kiến nghị hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS trong khi xét xử các vụ án tham ô tài sản.
Căn cứ vào những lúng túng và sai sót của Tòa án các cấp còn tồn tại trong thực tiễn xét xử các vụ án về tội tham ô tài sản, chúng tôi thấy Lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp cần quán triệt để các Thẩm phán thống nhất nhận thức:
Đối với việc các bị cáo phạm tội Tham ô tài sản nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, tuy được coi là tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS; nhưng tình tiết giảm nhẹ này chỉ có ý nghĩa đối với hậu quả xâm hại khách thể là quan hệ sở hữu, trong khi hành vi tham ô tài sản còn xâm hại đến khách thể quan trọng hơn đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Do đó, tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS chỉ có ý nghĩa với mức độ nhất định đối với người phạm tội tham ô tài sản, khác với các trường hợp người phạm tội trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… nộp lại số tiền đã chiếm đoạt.
- Kiến nghị sửa đổi tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 278:
Điều luật quy định như vậy có nghĩa là các mức định lượng về tài sản chiếm đoạt ở các khung 2,3,4 cũng là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, tại khoản 1 cũng có quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng là một tình tiết định tội nếu tài sản tham ô dưới 500.000 đồng. Vậy “gây hậu quả nghiêm trọng khác” ở điểm đ, khoản 2 có khác gì với “gây hậu quả nghiêm trọng” ở điểm a khoản 1. Mức độ nghiêm trọng của hai trường hợp không có gì khác nhau, cùng ở mức độ nghiêm trọng, mà lại cấu thành 2 khung khác nhau là bất hợp lý. Theo chúng tôi điểm đ khoản 2 phải là “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” thì mới đúng.
- Hướng dẫn áp dụng tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng khác, gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” một cách cụ thể để có thể áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tùy tiện”.
Trong các trường hợp này phải tùy từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng thực tế người phạm tội lại gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản của BLHS có quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, mức hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng phải nghiêm khắc hơn người phạm tội chỉ gây hậu quả nghiêm trọng; và người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn người gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tương tự như vậy, trong trường hợp điều luật chỉ quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng thực tế người phạm tội lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác, thì cũng chỉ
bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản của BLHS có quy định tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, mức hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải nghiêm khắc hơn người chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Hướng dẫn trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản mà giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến 500.000 đồng:
Người đồng phạm trong vụ án tham ô nếu biết rõ người có chức vụ, quyền hạn đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương XXI mà vẫn cùng cố ý thực hiện tội phạm với người có chức vụ, quyền hạn thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản theo khoản 1 của Điều 278.
Nếu người đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản không biết người có chức vụ, quyền hạn đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương XXI mà cùng cố ý thực hiện tội phạm với người có chức vụ, quyền hạn thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 BLHS.
- Kiến nghị sửa đổi định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt xác định tội tham ô tài sản:
BLHS 1999 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt tối thiểu là năm trăm nghìn đồng, nếu xử lý hình sự với những hành vi chiếm đoạt tài sản từ 500 nghìn đồng thì làm không xuể. Tình hình kinh tế xã hội nước ta đã có sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Giá tiêu dùng hàng năm liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Mức lương tối thiểu từ năm 1999 cũng đã tăng từ 180.000 đồng lên 540.000 đồng và nay là 650.000 đồng. Như vậy, xét trong tình hình hiện nay, quy định này đã không còn phù hợp nữa, giá trị này chưa phản ánh được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi tham ô tài sản gây ra. Do vậy, chúng tôi kiến nghị nâng mức định lượng tài sản tối thiểu để xác định tội tham ô tài sản dựa vào mức lương tối thiểu có thể gấp hai, ba, bốn
lần... để tránh việc quy định “cứng” sẽ sớm bị lạc hậu do trượt giá và sẽ không phải sửa đổi, bổ sung các quy định đó trong những lần sửa đổi, bổ sung sau.
- Kiến nghị quy định hình phạt tiền là hình phạt bắt buộc trong tội tham ô tài sản.
Hiện nay, ngoài việc quy định các hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình đối với tội tham ô tài sản thì Điều 278 BLHS còn quy định các hình phạt bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả trừng trị, răn đe tội phạm. Hình phạt tiền là một trong những hình phạt bổ sung đó. Phạt tiền tước đi những quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức của người phạm tội. Các mức phạt tiền cao thấp khác nhau cũng gây nên khả năng tác động ý thức khác nhau.
Tham ô tài sản là loại tội phạm chức vụ mang tính chất chiếm đoạt, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện hành vi phạm tội họ nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện vì mục đích tư lợi, vì lợi ích của bản thân, bất chấp hậu quả xảy ra. Trong tội tham ô tài sản, tiền là lợi ích vật chất mà người phạm tội mong muốn đạt được. Tăng mức phạt tiền là đánh vào lợi ích của người phạm tội, thông qua đó đạt được mục đích của hình phạt. Tăng mức phạt tiền còn nhằm tước bỏ phương tiện phạm tội, góp phần hạn chế hành vi phạm tội lại của tội phạm. Do đó cần phải tăng cường mức phạt tiền đối với tội tham ô tài sản để tác động mạnh hơn nữa tới ý thức của người phạm tội. Mặt khác, nhà làm luật cũng nên quy định hình phạt tiền là hình phạt bắt buộc trong tội tham ô tài sản, không nên quy định là hình phạt mang tính lựa chọn như hiện nay.