thiệt hại cho sức khỏe
Các tội xâm phạm sức khỏe là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác.
Lỗi của người phạm tội có thể là lỗi cố ý (như tội quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự) hoặc là vô ý (như tội quy định tại Điều 108 Bộ luật hình sự).
2.1.3.1. Lỗi cố ý trong cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 Bộ luật hình sự)
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích
hoặc tổn thương khác. Thương tích được hiểu là tổn hại cho sức khỏe thể hiện qua dấu vết để lại trên cơ thể con người.
Tổn thương khác được hiểu là tổn hại cho sức khỏe mà không thể hiện thành dấu vết trên cơ thể con người [45, 314].
So với Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản đã được cấu tạo lại, lấy tỷ lệ thương tật làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt. Ngoài ra, nhà làm luật còn quy định một số trường hợp phạm tội mà thực tiễn xét xử, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổng kết hướng dẫn các Tòa án áp dụng Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985.
Về phía người phạm tội:
Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc… Hành vi này về hình thức cũng giống như hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị htương hoặc bị tổn hại đến sức khỏe chứ không làm cho nạn nhân bị chết.
Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. So với tội giết người thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe chứ không mong muốn nạn nhân chết, nếu nạn nhân chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Nếu người phạm tội ý thức được và mong muốn hay để mặc hậu quả chết người xảy ra thì người phạm tội phải bị xác định là "giết người chưa đạt".
Về phía nạn nhân:
Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khỏe ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm. So với Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 lấy tỷ lệ thương tật của nạn nhân làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và định khung hình phạt đối với người phạm tội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự thì người bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ để xác định tỷ lệ thương tật là kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Trong trường hợp ở nơi nào không tổ chức được Hội đồng Giám định y khoa thì căn cứ vào Bảng tiêu chuẩn thương tật 4 hạng quy định tại Thông tư Liên bộ 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Tỷ lệ thương tích: là tỷ lệ mất sức lao động vĩnh viễn dựa trên kết quả của giám định pháp y, nhưng trong trường hợp cần thiết có thể dựa trên kết luận của bác sĩ điều trị khi tiếp nhận bệnh nhân.
Về thực tiễn, nếu tỷ lệ thương tật dưới 11%, không gây cố tật thì được coi là thương tích nhẹ, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên là tỷ lệ cần thiết để truy cứu trách nhiệm (về tỷ lệ thương tật xin tham khảo bản quy định tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật ban hành kèm theo Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Liên bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới).
Như vậy, những trường hợp gây thương tích có tỷ lệ thương tật chưa đến 11% và không thuộc những trường hợp lệ thương tật không đạt đến 11% nhưng vẫn xét xử về hình sự (khoản 1 Điều 104). Một số nội dung chung tại khoản 1 Điều 104 được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ - HĐTP
ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng 1 số quy định của Bộ luật hình sự là những trường hợp không cấu thành tội phạm. Ở đây, cần phân biệt với trường hợp phạm tội chưa đạt là trường hợp yếu tố chủ quan của người phạm tội muốn gây ra hậu quả thương tích lớn, nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn nên thương tích gây ra có tỷ lệ thương tật dưới 11%.
Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thương tích: đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Khi đã xác định có hành vi thương tích và hậu quả thương tích đòi hỏi phải xác định hậu quả đó có phải do chính hành vi gây ra thương tích đã thực hiện gây ra hay không. Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những thương tích do chính hành vi của họ đã gây ra.
Ví dụ: khoảng 17h ngày 19/6/1986, em Phan Văn Nghĩa đi coi trâu với em E và em Quẹo trở về đến đầu ấp Voi, xã An Thanh thì trâu của em E đi vào ruộng ăn lúa mì của Bùi Văn Tỉnh. Em Nghĩa vào đuổi dùm thì bị Bùi Văn Tỉnh dượt theo đá 1 cái, té quỵ xuống. Em Nghĩa đứng dậy chạy đi. Lúc này ông Phan Văn Cầu (cha ruột của em Nghĩa) từ xa đẩy xe đạp đến, dựng ở nhà anh Nguyễn Văn Trở, rồi vừa chạy xuống vừa hỏi: “Trâu tao ăn mì của mày bao nhiêu để tao đền, sao mày đánh con tao?”. Tỉnh nói: "Mày qua đây tao đánh mày luôn". Nghe Tỉnh nói vậy, ông Phan Văn Cầu chạy băng qua đường xe sâu (rộng 3m, sâu 1m50) đến đấm vào mặt Tỉnh, Tỉnh liền xông vào đánh ông Cầu té xuống đường xe sâu. Ông Cầu tiếp tục bò dậy thì bị Tỉnh đá té xuống nữa. Ông Cầu lại tiếp tục bò dạy, leo lên, nhào đến chỗ Tỉnh. Lúc này Tỉnh lùi lại 2 bước rồi xông vào ôm ông Cầu để vật. Sau đó, cả 2 cùng té xuống đường xe sâu. Ông Cầu nằm dưới, Tỉnh đang nằm đè trên người ông Cầu thì ông Cầu la lên "Nghĩa ơi! Ba bị gãy chân rồi!". Nghe ông Cầu la, Tỉnh đứng dậy đi vào nhà. Anh Trở đang ở nhà, cách nơi đánh nhau 10m nghe tiếng kêu chạy đến, đỡ ông Cầu dạy cùng gia đình đưa ông Cầu đến trạm
xá xã An Thanh băng bó và chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy - Thành phố Hồ Chí Minh điều trị hết 28 ngày.
Thương tích: Gãy hở 2 mắt cá, trật khớp xương ra ngoài cổ chân.
Hiện trường: Tỉnh và ông Cầu đánh nhau trên gò, cách mé đường 2m. Lòng đường rộng 3m, sâu 1m50. Ông Cầu té nằm cạnh gốc dừa, thân cây còn tươi, đường kính 0m30, dưới lòng đường là đất cát, phẳng.
Tòa án Nhân dân huyện Bến Cầu xử phạt Bùi Văn Tỉnh 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 18 tháng về tội "Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" buộc Tỉnh phải bồi thường cho ông Cầu 17.148.000 đồng.
Bị cáo Tỉnh chống án.
Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã sửa án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Tỉnh phạm tội "vô ý gây thương tích nặng" và phạt Tỉnh "Cảnh cáo" buộc Tỉnh bồi thường cho ông Cầu 13.610.000 đồng.
Trong vụ án này, có những vấn đề đáng chú ý như sau:
Có ý kiến cho rằng trường hợp này là sự kiện bất ngờ. Theo chúng tôi ý kiến này là không chính xác, bởi lẽ ông Cầu và Tỉnh xông vào đánh nhau dẫn tới hậu quả là ông Cầu bị thương tích. Hành động đó của cả 2 người đều thể hiện ý thức của bên này muốn đẩy lùi sự tấn công của bên kia và hậu quả thương tích gây ra cho ông Cầu là do lỗi của Tỉnh.
Ở đây có vấn đề là: Bị cáo Bùi Văn Tỉnh phạm tội "cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác" theo Điều 104 hay phạm tội "vô ý gây thương tích nặng" theo Điều 108 Bộ luật hình sự?
Như chúng ta đều biết, mỗi tội phạm là một thể thống nhất, không thể tách rời hành vi khách quan với ý thức chủ quan.
Về mặt khách quan, hành vi của con người vốn là có ý thức và ý chí. Cho nên có luôn luôn là một phương tiện để đạt tới một kết quả nhất định đã được suy tính từ trước. Hành vi là một hình thức mà con người dùng để tác
động vào thế giới khách quan. Vì vậy, bất cứ hành vi nào của con người đều sản sinh ra một sự thay đổi nhất định đối với thế giới bên ngoài.
Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý là người phạm tội ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi của mình, thấy trước được những hậu quả sẽ xảy ra hoặc có thể xảy ra hoặc mong muốn (cố ý trực tiếp) hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp).
Nếu là tội được thực hiện do lỗi vô ý thì người phạm tội ý thức được việc làm của mình có thể gây ra hậu quả của xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý do quá tự tin) hoặc không thấy trước khả năng gây ra hậu quả mặc dù phải thấy và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).
Trong thực tế, trong tội cố ý gián tiếp và tội vô ý vì quá tự tin, kẻ phạm tội đều thấy trước được hiệu quả của hành vi phạm tội có thể xảy ra và đều không mong muốn hậu quả đó xảy ra. Những điểm giống nhau này thường làm cho chúng ta nhầm lẫn giữa hai hình thức lỗi nói trên.
Sự khác nhau giữa cố ý gián tiếp và vô ý vì quá tự tin là ở thái độ tâm lý của kẻ phạm tội đối với hậu quả. Trong trường hợp cố ý gián tiếp, thái độ tâm lý của người có lỗi là thản nhiên, vô trách nhiệm để mặc cho hậu quả phát sinh, không hề quan tâm đến một biện pháp nào để ngăn ngừa hậu quả. Còn trong trường hợp vô ý vì quá tự tin, kẻ phạm tội có dựa vào những căn cứ nhất định để tin rằng có thể tránh được hậu quả xảy ra, tin ở kinh nghiệm về nghề nghiệp của mình, tin ở những biện pháp phòng ngừa đã áp dụng, tuy rằng những biện pháp mà người ấy đã đặt hy vọng vào không đủ ngăn ngừa hậu quả.
Vấn đề đặt ra là muốn xác định mặt chủ quan của tội phạm trong vụ án này, trước hết phải xuất phát từ hành vi để trên cơ sở đó mà xác định thái độ tâm lý của người thực hiện hành vi đối với hậu quả xảy ra. Nếu cố ý về hành vi mà hậu quả đem lại là tất yếu do hành vi đó gây ra thì thái độ thâm lý của người thực hiện hành vi ấy đối với hậu quả là cố ý chứ không thể vô ý được.
Trong vụ án này, lần thứ nhất, khi ông Cầu chạy đến đấm vào mặt Tỉnh thỉ Tỉnh đá ông Cầu té xuống đường xe sâu. Lần thứ 2, khi ông Cầu bò dạy thì tỉnh lại đá ông Cầu té xuống khe sâu 1 lần nữa. Lần thứ 3, khi ông Cầu lại tiếp tục bò dậy leo lên, nhào đến chỗ Tỉnh thì lúc này Tỉnh đã thể hiện sự quyết tâm càng rõ hơn là "lùi lại" 2 bước rồi xông vào ôm ông Cầu vật ngã dưới khe sâu với tư thế Tỉnh nằm đè lên trên ông Cầu (trong khi đó khe sâu có độ sâu 1m50). Hành động đó của Tỉnh cho dù không mong muốn gây ra thương tích cho ông Cầu nhưng với hành động của mình, Tỉnh phải nhận thức được hành vi đó là nguy hiểm có thể gây ra bất kỳ một hậu quả thương tích nào đó cho ông Cầu. Song y vẫn cứ hành động để đạt tới mục đích là đánh thắng ông Cầu, nhất là khi hành động xong nếu không có ý định gây tổn hại sức khỏe cho ông Cầu thì thái độ xử sự của Tỉnh không thể là sự bàng quan bỏ mặc (đứng dậy đi vào nhà) trước tiếng kêu cứu của ông Cầu như vậy. Thái độ đó là phù hợp với logic của quá trình diễn biến tâm lý từ lúc mâu thuẫn cho đến khi xung đột giữa Tỉnh và ông Cầu là: cứ đánh mặc cho hậu quả xảy ra. Hành động đó rõ ràng phù hợp với ý thức chủ quan của Tỉnh là cố ý phạm tội dưới dạng cố ý gián tiếp chứ không thể phạm tội với lỗi vô ý được.
Trong trường hợp cố ý gây thương tích nhưng nó có ý định rõ ràng là gây thương tích nhẹ, gây thương tích nặng hoặc gây cố tật thì người phạm tội sẽ phải trách nhiệm theo tính chất thương tích thực tế đã xảy ra. Vì vậy, theo chúng tôi cần xử Bùi Văn Tỉnh về tội "Cố ý gây thương tích" là đúng đắn.
Có ý kiến cho rằng, giữa hành vi và hậu quả thương tích ở chân ông Cầu có mối quan hệ nhân quả, với lý do nếu không có gốc dừa bên đường thì rất khó gây thương tích, vì dưới khe sâu là cát phẳng. Theo chúng tôi, hiểu như vậy là chưa đầy đủ về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phạm tội. Bởi lẽ, theo lý luận của mối quan hệ nhân quả thì: hành vi của Tỉnh đã chứa đựng khả năng thực tế bên trong có thể gây ra hậu quả đó, hành vi đó đã có ý nghĩa căn bản đối với việc phát sinh hậu quả và có tác dụng quyết định đối với nội dung của hậu quả.
Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả ở đây là mối quan hệ nội tại tất yếu thể hiện ở chỗ hậu quả xảy ra là do chính hành vi phạm pháp của Tỉnh đã có trước đẻ ra trong sự vận động và phát triển của nó, và trong những điều kiện nhất định thì tất nhiên nó phải sinh ra hậu quả ấy.
Trong vụ án này, kết quả gây thương tích ở chân ông Cầu là do nguyên nhân của cả 2 người, và Tỉnh là nguyên nhân chủ yếu. Còn gốc dứa ở đây chỉ là điều kiện dẫn đến hậu quả thương tích đó mà thôi.
Một số vấn đề cần lưu ý:
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến chết người. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội.
Thương tích dẫn đến chết người, trước hết phải là thương tật nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích này, tức là giữa cái chết của nạn nhân và thương tích mà người phạm tội gây ra cho nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả.
Ví dụ: A chém B làm cho B bị đứt động mạch chủ và do bị mất vì máu nên B bị chết.
Tuy nhiên, cũng coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trong trường hợp nạn nhân là người cao tuổi, sức yếu bị bệnh nặng chỉ cần tác động