Vai trò của lỗi trong việc định tội danh đối với tội phạm gây hậu quả thiệt hại về tài sản

Một phần của tài liệu Lỗi cố ý trong luật hình sự Việt Nam (Trang 85 - 92)

hậu quả thiệt hại về tài sản

2.1.4.1. Đối với lỗi cố ý trong cấu thành tội phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật hình sự)

Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản. Đây là tội phạm gồm 2 hành vi độc lập nhưng lại cùng tính chất, nên nhà làm luật quy định chung trong cùng một điều luật. Do đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người phạm tội huỷ hoại tài sản hay chỉ cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu người phạm tội có cả hai hành vi huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản thì phải định tội là huỷ hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản, chứ không định tội là huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Huỷ hoại tài sản được hiểu là hành vi gây thiệt hại cho tài sản, dẫn đến tài sản đó không còn công dụng của nó nữa và không thể phục hồi công dụng được.

Ví dụ: đốt nhà, dùng mìn nổ làm tan xác chiếc ôtô…

Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi gây thiệt hại cho một tài sản nào đó nhưng còn khả năng sửa chữa được (khôi phục lại công dụng được).

Ví dụ: dùng cây đập xe máy, đập cửa kính….

Tài sản nói tại điều này gồm tất cả các loại tài sản hữu hình, tiền và các loại giấy tờ khác có giá trị (chỉ hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác mới cấu thành tội phạm). Ngoài ra, nếu tài sản đó là các đối tượng đặc biệt của các tội phạm cụ thể khác đã được được quy định trong Bộ luật hình sự thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng chúng không cấu thành tội phạm này mà tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ định theo các tội phạm tương ứng đó.

Ví dụ: đối tượng là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì định tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); đối tượng là rừng thì định tội huỷ hoại rừng (Điều 189)…

Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản có giá trị lớn hay nhỏ đều có thể thỏa mãn dấu hiệu hậu quả của tội này. Tuy nhiên, nếu giá trị của tài sản bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng quá nhỏ và do vậy dẫn đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi không đáng kể thì hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng không bị coi là tội phạm (khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự).

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình có khả năng huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản nhưng đã thực hiện hành vi đó vì mong muốn tài sản bị huỷ hoại hoặc vì đã có ý thức chấp nhận thiệt hại đó xảy ra để đạt được mục đích khác của mình.

Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất, đòi hỏi có hậu quả là tài sản bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng và tội phạm coi là hoàn thành khi hậu quả này đã xảy ra. Điều 143 Bộ luật hình sự qui định chỉ coi là tội phạm khi tài sản bị huỷ hoại hoặc hư hỏng có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên, nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng hoăc đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, hoặc đã bị kết án về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa được xoá án mà còn vi phạm mới bị coi là tội phạm. Cũng như tội có tính chiếm đoạt, tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Tuy nhiên, điều văn của điều luật quy định huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nên có ý kiến cho rằng tội phạm này vừa cố ý vừa không cố ý. Hiểu như vậy là máy móc và không khoa học, bởi vì không phải tội phạm nào được qui định trong Bộ luật hình sự nhà làm luật cũng qui định dấu hiệu chủ quan của cấu thành tội phạm mà tuỳ thuộc vào từng tội phạm nhà làm luật có thể qui định lỗi, qui định động cơ, mục đích của người phạm tội hoặc chỉ qui định hành vi khách quan, cũng có thể hiểu được người phạm tội thực hiện tội phạm đó là tội do cố ý hay vô ý.

Ví dụ: tội giết người, ai cũng biết đó là tội do cố ý, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiên trọng là tội do vô ý…

Khi nói huỷ hoại tài sản là đã bao gồm thái độ tâm lý của người phạm tội là cố ý mà không cần phải qui định cố ý làm huỷ hoại tài sản, nhưng làm hư hỏng tài sản có thể có cả cố ý và vô ý, nên nhà làm luật phải qui định cố ý làm hư hỏng tài sản là để phân biệt với trường hợp vô ý là hư hỏng tài sản qui định tại Điều 145 - Bộ luật hình sự.

Ví dụ: Đặng Văn Tuân cùng Vũ Văn Cương tới quán rượu nhà ông An. Trong lúc ngồi ở quán rượu, giữa họ với Lê Văn Thọ và Lê Văn Huy nảy sinh mâu thuẫn và đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn nên Lê Văn Thọ và Lê Văn Huy bỏ chạy về nhà. Thấy ồn ào, quá khích nên Đặng Văn Sơn cầm

gậy, Trần Văn Như cầm xẻng, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Thức (mỗi người cầm một viên đá) cùng nhau xông vào nhà Lê Văn Huy. Bọn chúng sử dụng gậy, xẻng và đá đập phá tài sản nhà Lê Văn Huy. Hậu quả làm vỡ nát hoàn toàn các tấm kính của cửa kính, cửa sổ phía trước nhà, cửa sổ bên trái phòng khách, cửa sổ bên trái phòng ngủ và cửa ra vào phòng ngủ, một tấm kính mặt bàn salon, một phích nước và một ly uống nước (gồm 05 ly và 5 đĩa); làm hư hỏng bốn khung sắt và bốn khung gỗ của các cửa kính đã bị đập vỡ; làm vỡ một số bộ phận của xe môtô gồm: kính mặt đồng hồ, đèn chiếu sáng và gương chiếu hậu. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là: 2.274.000 đồng.

Về vụ án này, người viết có ý kiến như sau:

Để định tội danh chính xác đối với Đặng Văn Sơn và đồng bọn trong vụ án này cần phải đánh giá đúng đối tượng tác động của tội phạm, tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi phạm tội và từ đó mới xác định tính chất hành vi phạm tội. Đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án này là tài sản. Bởi lẽ, ngôi nhà ở đây cần được hiểu là một khối tài sản cho nên đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án này một số tài sản bao gồm: các cửa chính, cửa ra vào và cửa sổ; kính bàn nước; phích; ấm chén uống nước; môtô của gia đình Lê Văn Huy. Thiệt hại do hành vi phạm tội của Đặng Văn Sơn và đồng bọn gây ra là phá huỷ hoàn toàn các tấm cửa kính, kính bàn nước và phích, ấm chén uống nước; làm hư hỏng các khung cửa và một số bộ phận của xe môtô. Do vậy, hành vi đập phá các cửa chính, cửa ra vào và cửa sổ, kính bàn nước, phích, ấm chén uống nước là hành vi huỷ hoại tài sản; còn hành vi đập phá khung cửa và một số bộ phận của xe môtô là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Nghĩa là, hành động phạm tội của các bị cáo bao gồm cả hành vi huỷ hoại tài sản và hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Nhưng xét mức độ thiệt hại của từng hành vi thì thiệt hại do hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản chiếm tỷ lệ thấp so với thiệt hại do hành vi huỷ hoại tài sản gây ra. Do vậy, theo người viết chỉ cần xử phạt Đặng Văn Sơn về một tội là huỷ hoại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự là đủ và đúng.

2.1.4.2. Lỗi vô ý trong cấu thành tội phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145 Bộ luật hình sự) và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Điều 144 Bộ luật hình sự)

a. Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên đã để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước do mình trực tiếp quản lý.

So với Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn nhưng quy định cụ thể thiệt hại nghiêm trọng về tài sản là thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên. Chủ thể của tội phạm này được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước mới là chủ thể của tội phạm này, vì vậy, các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm này là yếu tố định tội bắt buộc của cấu thành tội phạm. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước là người được giao chiếm hữu, sở hữu một số tài sản nhất định bằng các hình thức như: trông giữ, vận chuyển, khai thác lợi ích (giá trị sử dụng) của tài sản. Những người có thể do bầu cử, do bổ nhiệm, do ký hợp đồng… nếu không được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản thì không thành chủ thể của tội phạm này mà tuỳ trường hợp có thể là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.

Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thực hiện do vô ý. Nếu là cố ý thì cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật hình sự). Nếu rủi ro (không có lỗi của người quản lý) mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước thì không cấu thành tội phạm. Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự. Có 2 trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất: là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, nhưng cho rằng thiệt hại đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thường phạm tội trong trường hợp này; khoa học Luật Hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là "vô ý vì quá tự tin".

- Trường hợp thứ hai: là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Khoa học Luật Hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là "vô ý vì cẩu thả". Trường hợp vô ý này thường xảy ra đối với người phạm tội không có chức vụ mà chỉ là người có quyền hạn trong việc quản lý tài sản như: thủ kho, thủ quỹ; do vi phạm các quy định về quản lý tài sản như: phòng cháy, phòng nổ, phòng thiên tai, nên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

Cả hai trường hợp vô ý trên người phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước đều có thể mắc phải tuỳ thuộc vào trách nhiệm của họ đối với việc quản lý tài sản và hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra thiệt hại tài sản. Việc xác định lỗi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.

b. Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145 Bộ luật hình sự) Là hành vi của một người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhưng cho rằng thiệt hại đó không xảy ra hoặc sẽ được ngăn ngừa, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản dù phải thấy và có thể thấy trước hậu quả đó.

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được thực hiện do lỗi vô ý. Dưới hình thức lỗi vô ý do quá tự tin, người phạm tội tuy thấy trước hành

vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Còn dưới hình thức lỗi cố ý do cẩu thả người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, người phạm tội là người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại, còn ở tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thì người phạm tội không có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại.

Tài sản bị thiệt hại do tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước là tài sản Nhà nước, còn tài sản bị thiệt hại trong tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là tài sản của công dân, của tổ chức xã hội, tổ chức nước ngoài…

Khác với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, còn chủ thể của tội phạm này là chủ thể bất kỳ, không phải là người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản.

Hành vi của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là hành vi vi phạm (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ) những quy tắc sinh hoạt xã hội thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản đó là những quy tắc sinh hoạt xã hội mà ai cũng có thể biết và có nghĩa vụ tuân thủ, nhằm tránh gây ra những thiệt hại về tài sản.

Ví dụ: quy định cấm lửa tại các kho, cửa hàng bán xăng dầu là một quy tắc phòng cháy, nổ thông thường, liên quan đến việc bảo vệ các kho, cửa hàng bán xăng dầu mà ai cũng có thể biết và có nghĩa vụ tuân thủ nhằm tránh gây ra những thiệt hại về người và tài sản.

Một phần của tài liệu Lỗi cố ý trong luật hình sự Việt Nam (Trang 85 - 92)