Theo quy định cũ, người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản có thể là đấu giá viên hoặc không phải là đấu giá viên. Trong trường hợp đấu giá các tài sản đặc thù thì người bán đấu giá tài sản có thể cử hoặc thuê người không phải là đấu giá viên để điều hành cuộc bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, người này phải đảm bảo yêu cầu về việc điều hành đấu giá và am hiểu về tính đặc thù của tài sản. Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Theo đó, pháp luật quy định chỉ có đấu giá viên là người điều hành cuộc bán đấu giá. Chính vì vậy, pháp luật đã nâng cao tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên (Điều 5). Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đấu giá viên phải là công dân Việt Nam có bằng đại học và đã qua thực tế công tác ngành đã học
hai năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là người đang chấp hành án, mang án tích nhưng chưa đến thời hạn xóa án hoặc bị quản chế hành chính. Những người thỏa mãn những điều kiện trên đây được cấp thẻ Đấu giá viên theo trình tự luật định.
Do tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề đối với đấu giá viên được nâng lên, nên trách nhiệm pháp lý của họ cũng được nâng cao. Cụ thể, đấu giá viên được sử dụng quyền của mình để xử lý trực tiếp, kịp thời các hành vi thông đồng dìm giá hoặc vi phạm nội quy bán đấu giá của những người tham gia đấu giá.
Đấu giá viên được trao quyền tự chủ rất cao trong việc điều hành cuộc bán đấu giá và chịu trách nhiệm chính về mọi hoạt động liên quan đến cuộc bán đấu giá mà mình điều hành. Các văn bản trong hoạt động đấu giá do đấu giá viên ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm.