Theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hiện hành, cá nhân, tổ chức muốn tham gia đấu giá phải đăng ký tham gia và phải nộp phí tham gia đấu giá và một khoản tiền đặt trước cho bên tổ chức bán đấu giá. Việc quy định như vậy là cần thiết để tổ chức bán đấu giá có thể nắm được số lượng cũng như tư cách của những người tham gia đấu giá để có thể có sự điều chỉnh kịp thời và thích hợp trước khi cuộc bán đấu giá diễn ra. Khoản tiền đặt trước này là biện pháp đảm bảo cho việc tham gia đấu giá tài sản của bên tham gia đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá.
Theo quy định của Nghị định 05/2005/NĐ-CP, khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận tối đa không quá 5% giá khởi điểm là quá thấp, nhiều trường hợp khoản tiền này quá nhỏ dẫn đến khách hàng trúng đấu giá bỏ cuộc. Vì vậy, Nghị định 17/2010/NĐ-CP
đã nâng mức tiền đặt trước cao hơn: tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% (Khoản 1 Điều 29) nhằm khắc phục tình trạng không tham gia đấu giá hoặc tham gia trả giá nhưng từ chối mua và sẵn sàng chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan hoặc vì mục đích vụ lợi. Đồng thời, quy định mức trần với sự linh hoạt nhất định vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Theo quy định hiện hành, thì mức tiền đặt trước không quá 15% giá khởi điểm của tài sản tùy theo loại và giá trị tài sản. Mức cụ thể sẽ do người bán đấu giá quyết định. Thực tế cho thấy, nếu khoản tiền đặt trước quá cao sẽ khó khăn cho việc mở rộng người tham gia đấu giá, nhưng nếu quá thấp sẽ là cơ sở phát sinh tiêu cực. Việc quy định nghĩa vụ nộp tiền đặt trước mang tính chất bắt buộc là cần thiết, ngoài việc đóng vai trò như biện pháp bảo đảm, việc quy định mức đặc trước tối đa nhằm hạn chế sự tùy tiện của các tổ chức bán đấu giá tài sản và cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp người nộp tiền đặt trước mua được tài sản thì khoản tiền đó sẽ được trừ vào giá mua, nếu không mua được thì khoản tiền này hoàn trả lại cho người nộp. Trong trường hợp người đăng ký mua tài sản bán đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường
hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về người bán đấu giá tài
sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người tham gia đấu giá đăng ký với người bán đấu giá trong thời hạn thông báo và nộp khoản tiền đặt trước. Như vậy để có được số đăng ký, phiếu đăng ký có địa chỉ, tài khoản và xác nhận khoản tiền đã đặt trước.
Xuất phát từ thực tế trên, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá, pháp luật về đấu giá tài sản cần thiết phải có các quy định về trách nhiệm của bên tổ chức bán đấu giá, người có tài sản bán đấu giá khi những người này vi phạm nghĩa vụ đã cam kết với bên tham gia đấu giá; với tư cách như một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trong pháp luật
dân sự hiện hành, tổ chức bán đấu giá phải trả lại cho người trúng đấu giá khoản tiền đặt cọc cộng thêm một khoản tiền ít nhất ngang bằng giá trị khoản tiền đặt cọc.
Để đăng ký tham gia đấu giá, đối với tổ chức cần xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, mã số thuế của cơ quan thuế, giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền của người đến đăng ký tham gia đấu giá... Đối với các loại tài sản mà đối tượng kinh doanh mà theo quy định của pháp luật phải có điều kiện thì ngoài các loại giấy tờ quy định đúng ngành nghề trên còn phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép như kinh doanh xăng dầu, xử lý chất thải có độc hại. Đối với cá nhân xuất trình chứng minh nhân dân, hộ khẩu...
Cuộc bán đấu giá được tổ chức theo nguyên tắc khách quan, điều đó không có nghĩa là bất kỳ chủ thể nào cũng có thể tham gia vào cuộc bán đấu giá tài sản, để bảo đảm cho cuộc bán đấu giá được thành công và khách quan, pháp luật cũng đã thiết lập nên các quy định hết sức chặt chẽ với người không được tham gia đấu giá tài sản
Trường hợp thứ nhất, đối với "người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình". Chủ thể tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, các chủ thể theo quy định trên không có đủ tiêu chuẩn để tham gia các giao dịch dân sự, mà tư cách chủ thể của họ tham gia giao dịch được thiết lập thông qua người đại diện.
Trường hợp thứ hai, xuất phát từ nguyên tắc khách quan trong quá trình bán đấu giá, để hạn chế tình trạng thông đồng và gây khó khăn trong việc bán tài sản của người có tài sản, cũng như việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, pháp luật đã liệt kê những chủ thể không được tham gia đấu giá tài sản.
Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó.
Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.
Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật, bao gồm:
a) Người không được tham gia mua tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
b) Người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật về loại tài sản đó.
Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.