Quan niệm về lương tâm trong Kinh Qur'an

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur'an (Trang 49)

Các tôn giáo lớn trên thế giới thường gặp nhau ở nhiều điểm khi bàn về nhân tính. Sự mô tả về nhân tính có thể khác nhau tùy theo nội dung giáo thuyết và mục đích của từng tôn giáo, nhưng đều thống nhất ở điểm phải phát huy tính người trong mỗi con người khi muốn đạt đến trạng thái lý tưởng nhất. Một trong những biểu hiện đặc sắc của nhân tính mà các tôn giáo lớn quan tâm là lương tâm . Lương tâm là tiếng nói thiện phát ra từ sâu thẳm tâm hồn con người, nó phấn khích khi con người có ước muốn tốt và làm điều thiện, nó day dứt và lên án khi con người có khuynh hướng và hành vi xấu. Một lương tâm (tự do) giúp con người lựa chọn và chu toàn nghĩa vụ đạo đức của mình, nó thống nhất cách hài hoà với các giá trị và chuẩn mực đạo đức đích thực.

Kinh Qur'an không đề cập nhiều đến lương tâm cho bằng những quy phạm đạo đức cụ thể, song, lương tâm được nhắc đến như một trong những yếu tố cấu thành riêng có của bản tính người, nó thể hiện sự Thượng trí và Toàn thiện của Allah.

Trước hết, Kinh Qur’an cho rằng: ánh sáng lương tâm trong mỗi người có nguồn gốc từ Allah. Kinh Qur'an nhắc nhở con người phải biết ơn Allah vì: “Ngài là Đấng đã tạo cho các người Thính giác (để nghe), thị giác (để nhìn) và lương tri”[Q. 23: 78]. Lương tri trong mỗi con người cũng là nơi Allah ngự trị, lương tri nằm giữa 2 ngón tay của Đấng Nhân Từ, và Thượng Đế phán: “Trời đất không chứa được ta, nhưng ta chứa trong tim bầy tôi của ta”.

Cũng như nhiều tôn giáo khác, Islam gặp phải một tình huống gai góc khi giải quyết vấn đề cứu độ từ lập trường tôn giáo. Một mặt, Islam thừa nhận thời gian cụ thể của việc đón nhận mặc khải, mặt khác cũng phải thừa nhận tồn tại con người trước khi có Islam về mặt thời gian và bên ngoài đạo Islam về mặt không gian. Tức là Islam phải giải quyết vấn đề: những người không sống trong Islam có cơ hội được hưởng hạnh phúc viên mãn không? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, nó trở thành mối bận tâm của nhiều tôn giáo lớn.

Công giáo mãi đến Công đồng Vaticanô II mới đặt vấn đề từ bỏ ba độc quyền: độc quyền về tôn giáo, đôc quyền về Kitô giáo và độc quyền nhất thể chế (giáo hội). Tuy nhiên vấn đề cứu độ ngoài tôn giáo không chỉ là vấn đề thần học, nó liên quan đến rất nhiều yếu tố khác của đời sống tôn giáo cũng như đời sống xã hội. Tuy vậy, nếu xét vào kinh điển của đạo Islam và Kitô giáo, ta tìm thấy những tư tưởng khá khoáng đạt về vấn đề này.

Kinh Qur'an đã giải quyết vấn đề này từ trong nguyên lý cấu tạo con người. Con người được Allah tạo nên, và ban cho một nguyên lý tồn tại đặc biệt. Chỉ có con người là được ban tặng ngũ quan và “lương tâm”. Như vậy, mặc nhiên Kinh Qur'an thừa nhận tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo… đều có chung một nguyên lý cấu thành, đều có lương tri, tức là đều được ban tặng một chỉ đạo từ Allah. Kinh Qur'an là chuẩn mực để phân biệt phúc và tội, là đường dẫn tín đồ đến Thiên Đàng, nhưng cũng là căn cứ để đẩy nhiều kẻ phải sa Hoả ngục, điều này chỉ áp dụng cho những kẻ đã biết nhưng phủ nhận sự mặc khải của Thượng Đế qua Kinh Qur'an; nhưng kẻ không biết Kinh Qur'an thì ngày phán xử họ sẽ được xem xét phúc và tội qua hành vi, chiếu theo việc nghe theo tiếng nói của lương tri hay chống lại nó [x. Q. 45:14]. Như vậy, những người không có đức tin (Islam) hoặc không phải dân tộc của Kinh Sách, vẫn có thể được cứu thoát khỏi Hoả ngục nếu họ biết sống theo tiếng nói của lương tâm. Đây là một tư tưởng hết sức khoáng đạt, nó vượt ra khỏi những ràng buộc của bối cảnh ra đời Islam; nó rất hữu ích cho cuộc đối thoại giữa Islam với các tôn giáo và nền văn hoá khác, nhưng đáng tiếc là nó không được phát huy trong phần lớn lịch sử của thế giới Islam. Trong mỗi tình huống ứng xử, Kinh Qur'an cho biết, Allah đều cho con người thấy cái thiện và cái ác, cái phúc và cái tội, để con người tự do lựa chọn. Nhằm hỗ trợ cho sự lựa chọn đúng đắn, Thượng Đế tối cao đã đặt vào trong con người tiếng vọng của lương tâm. Như vậy, lương tâm có vai trò

thúc đẩy con người lựa chọn điều thiện, tức là ứng xử phù hợp với Thánh ý của Allah.

Cả hai nhân đức (đối thần và đối nhân) đều cần có sự hỗ trợ của lương tâm, và, “chắc chắn, trong đó (Qur’an) có một sự nhắc nhở cho ai có một quả tim (lương tri), hoặc lắng tai chú ý nghe và là một nhân chứng”[Q.50:37]. Lương tâm dùng đề tìm kiếm Allah và làm điều thiện [x. Q. 45:23], nhưng thị dục của con người thường xui khiến con người “cầm tù” lương tri và làm điều bất chính; vậy nên Kinh Qur'an đòi hỏi phải để cho lương tâm được tự do, Allah cảnh cáo kẻ lấy thị dục của mình làm “chúa”, “nên Allah để mặc cho y lạc đường và Ngài niêm kín cái nghe (thính giác) và quả tim (lương tâm) của y và lấy tấm màn che mắt (thị giác) của y lại. Thế ai sẽ hướng dẫn y sau khi Allah từ chối y?”[Q. 45:23]. Khi con người niêm kín tấm lòng, lương tâm của mình lại cũng đồng nghĩa với việc nó phủ nhận những giá trị đích thực từ Allah, và đi lạc đường, con đường nó đang đi sẽ đến Hoả ngục. Lương tâm cũng phải bất lực khi kẻ ác chế giễu chân lý và đi tìm điều hư ảo, lúc đó, “ thính giác, thị giác và lương tri của họ chẳng giúp ích gì cho họ khi họ tiếp tục bài bác các Âyât (Dấu hiệu, Lời mặc Khải, Bằng chứng…) của Allah và họ sẽ bị các điều mà họ đã từng chế giễu bao vây lại kín mít” [Q. 46:26].

Vậy làm thế nào để biết được tiếng nói của lương tâm tự do? Lương tâm tự do phù hợp với những xúc cảm chân chính trong con người. Kinh Qur'an đã nhiều lần đề cập đến trạng thái hạnh phúc, bình an, tươi vui, tràn đầy niềm hy vọng, không sợ cũng không buồn… trong tâm hồn con người như ở Q. 2:38, 112; 10: 26; 27: 89…, khi con người chu toàn bổn phận đạo đức của mình với Thượng Đế và với tha nhân. Trái ngược với trạng thái cảm xúc tốt đẹp; đó là sự bất an, lo lắng - kết quả của việc con người đi chệch khỏi chính đạo. Kinh Qur'an cho biết, khi con người chối từ Allah, nó sẽ gây điều ác cho đồng loại. Khi cái thiện không thường trực, hiện hữu trong con người thì cái ác bao phủ và dẫn dắt con người đến sự lầm lạc. Tuy điều ác mà con

người suy nghĩ, hành động không ai biết nhưng lương tâm phán xét nó; cái ác sẽ dày vò nó trong sự bứt rứt, bất an của lương tâm. Như vậy lương tâm luôn tự giác cất lên tiếng nói của mình trước, trong và sau khi hành động. Khi ý tưởng của hành vi hình thành trong suy nghĩ của con người, lương tâm sẽ cho biết điều đang dự định đó là tốt hay xấu, nên làm hay không nên làm. Trong và sau khi hành động, những trạng thái cảm xúc của lương tâm bộc lộ càng rõ rệt; đó là tâm trạng hạnh phúc, bình an khi con người hành động đúng đắn và đem lại kết quả tốt đẹp, ngược lại, tâm hồn sẽ bứt rứt, bất an khi cái ác được thực hiện. Như vậy, lương tâm đã giúp con người lựa chọn cái thiện. Con người được khuyến khích làm việc thiện để có được tiếng reo vui của lương tâm. Tuy vậy, để có được điều đó, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức mạnh mẽ và một lương tâm tự do.

Làm theo tiếng nói của lương tri không chỉ đem lại hạnh phúc cho mình mà còn cho đồng loại. Kinh Qur'an cho biết, lương tâm không phải là sự mặc khải trọn vẹn về Allah, nhưng lương tâm lại ứng hợp với ý định của Ngài. Lương tâm là sự hỗ trợ cho Muslim trên con đường đạo hạnh, là lối thoát cho những người không biết đến Allah và sự mặc khải trọn vẹn của Ngài qua Kinh Qur'an. Kinh Qur'an lên án và khước từ ơn cứu độ dành cho những kẻ cố tình không tin nhận Allah và sự mặc khải của Ngài (trong khi được nghe về Ngài), lương tâm trong những con người đó đã bị cầm tù và không có gì có thể giúp những con người ấy tránh khỏi lửa Hoả Ngục. Làm theo tiếng nói của lương tâm tức là con người đã hành thiện và như vậy phần thưởng không chỉ là sự bình an nơi tâm hồn, mà cao quý hơn, đó là nước Thiên Đàng. Lương tâm cũng giúp con người làm việc thiện, đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Như vậy, lương tâm là một giá trị đạo đức theo đúng nghĩa của từ, cần được củng cố và phát huy như thắp lên ánh sáng tự nhiên trong mỗi con người.

Quan niệm về lương tâm trong Kinh Qur'an không chiếm tầm quan trọng hàng đầu trong toàn bộ nội dung Kinh Qur'an cũng như giáo lý Islam, nhưng nó lại đặc biệt có ý nghĩa và là một bước tiến lớn trong bối cảnh ra đời Islam, cũng như khi ta nhìn nhận tư tưởng Islam dưới khía cạnh giá trị. Dân cư trên bán đảo Ả-rập thời tiền Islam cũng giống như nhiều sắc dân khác trên địa cầu, họ có thể nhầm lẫn về bản chất của cái thiện cũng như những biểu hiện của nó. Khi những hành động cướp của, giết người, hãm hiếp,… trở nên phổ biến và thành tập quán trên bán đảo Ả-rập; lúc đó cái thiện đã bị hiểu sai và làm sai. Cũng như người da đỏ Châu Mỹ xem việc lột da đầu người thật nhiều là một công trạng, là lương thiện, anh hùng; người Gottentot nổi tiếng với tuyên bố rằng thiện - đó là khi anh ta đánh cắp được nhiều bò của người khác, còn ác - khi người khác đánh cắp bò của anh ta… Trong bối cảnh như vậy, Kinh Qur'an đòi hỏi phải phát huy ánh sáng của lương tâm như là một trong những căn cứ để phân biệt thiện ác, bằng cách nhận ra tiếng vọng của nó trong mỗi con người. Trong bối cảnh văn hoá Ả-rập thời tiền Islam, nhân tính trong con người bị băng hoại ghê gớm, thì Kinh Qur'an đã chỉ ra rằng một trong những biểu hiện đầy ắp nhân tính đó là lương tâm. Mặc dù thừa nhận lương tâm là một giá trị đạo đức có tính phổ quát, nhưng lương tâm lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nên nó không thể phát huy đầy đủ sức mạnh của mình; vậy nên con người cần có những chỉ đạo rõ ràng hơn, và Kinh Qur'an đã đến qua nhà tiên tri Mohammed, làm chỉ đạo cho con người. Khi ánh sáng bên trong chưa thể toả rạng thì cần có ánh sáng bên ngoài soi chiếu. Điều này cần thiết và phù hợp với trình độ phát triển của dân cư trên bán đảo Ả-rập thời đó.

Mặc dù quan niệm về lương tâm trong Kinh Qur'an được trình bày cho phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể, nhưng quan niệm đó đã tiếp cận đến một trong các giá trị đạo đức chung của nhân loại. Nếu ta coi tôn giáo là một biểu hiện đặc thù của văn hoá (văn hoá tôn giáo), nếu ta đồng ý cho rằng ba tôn

giáo lớn trên thế giới là Kitô giáo, Phật giáo và Islam là đại diện của các nền văn hoá lớn nhất trên thế giới (nền văn hoá Kitô giáo, nền văn hoá Phật giáo và nền văn hoá Islam), ta sẽ nhận thấy rằng ba nền văn hoá này có nhiều điểm tương đồng trong việc mô tả, xây dựng hệ giá trị nhân văn, trong đó có quan niệm về lương tâm. Quan niệm về Phật tính trong Phật giáo gần với quan niệm về “Luật tự nhiên” trong Kitô giáo. Điều này dẫn đến một nhận định: Tôn giáo chân chính, cho những tín đồ chân chính của nó sức mạnh để thực hiện cái thiện - điều này không thể hồ nghi. Nhưng nếu nói rằng chỉ nó mới cho ta sức mạnh mà thiếu nó thì ta chẳng làm được gì tốt lành - thì sự khẳng định như thế, tưởng chừng xuất phát từ lợi ích tối cao của tín ngưỡng. Trong thực tế, điều đó lại mâu thuẫn trực tiếp với học thuyết của một trong những chiến sĩ vĩ đại nhất đấu tranh cho quyền lợi của tín ngưỡng - tông đồ Phaolô. Ông thừa nhận rằng tất cả những người ngoại đạo cũng có thể làm điều thiện theo quy luật tự nhiên: “Dân ngoại là những người không có luật; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái khi thì cho mình là phải”[Rm 2,14-15]. Tư tưởng khoáng đạt đó nơi các tôn giáo lớn không chỉ phản ảnh giá trị nhân sinh to lớn, mà còn thuận lợi cho đối thoại tôn giáo.

Một lương tâm thanh sảng khi con người biết sống theo các giá trị đạo đức, trong đó có công bằng. Công bằng vừa là một giá trị đạo đức, đồng thời là một đòi hỏi của đời sống luân lý. Dưới đây, chúng ta xem xét công bằng chủ yếu dưới khía cạnh một giá trị đạo đức.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur'an (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)