Quan niệm về giá trị đạo đức trong Kinh Qur'an

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur'an (Trang 33)

Giá trị là sự khẳng định ý nghĩa của các đối tượng thuộc thế giới xung quanh đối với con người và xã hội. Giá trị theo nghĩa giá trị học, là cái quy định mục đích (trở thành động cơ) của hoạt động. “Giá trị là cái làm cho một vật thể có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về mặt nào đó”[43, 371]. Giá trị đạo đức là sự đánh giá đối với kết quả hành vi đạo đức, trong đó phản ánh thái độ của cá nhân đối với lợi ích của cá nhân khác và xã hội. Cũng như trong kinh điển của các tôn giáo khác, những quan niệm về giá trị đạo đức trong Kinh Qur'an không được trình bày thành các phạm trù đạo đức học, mà chúng nằm trong các đòi hỏi luân lý và các điều răn dạy. Tuy nhiên, dưới góc độ đạo đức học, chúng tôi bước đầu khái quát và sắp xếp những quan niệm về giá trị đạo đức trong Kinh Qur'an theo các phạm trù đạo đức học như thiện và ác, hạnh phúc, lương tâm, công bằng…

2.1.1.Nguyên tắc xác định thiện và ác trong Kinh Qur'an

Thiện và ác là những quan niệm nền tảng trong các tôn giáo. Dù cái thiện và cái ác được hiểu cách phong phú và sâu sắc đến đâu chăng nữa, thì tựu chung nó vẫn chứa đựng những biểu hiện thống nhất. Theo đó, cái thiện là cái được coi là hợp đạo đức, đáng noi theo; cái ác là cái phi đạo đức, đáng lên

án. Cái ác không phải là một giá trị đạo đức, nhưng “làm sao chúng ta học được cái thiện, nếu không hiểu biết cái đối lập với nó”[30, 232]. Nguyên tắc phân định thiện và ác lại xoay quanh vấn đề sự sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong nhân học của các tôn giáo. Và Albert Schweitzer trong “Đạo đức học ngưỡng mộ sự sống” đã nêu ra một nguyên tắc có tính chuẩn mực: “Cái thiện là những gì phục vụ cho việc giữ gìn và phát huy sự sống, cái ác là những gì huỷ diệt hoặc cản trở sự sống [46, 414].

Theo Kinh Qur'an, con người không được định sự thiện ác, sự quy định đó thuộc về Allah. Dưới góc độ thần học, Allah hiện lên là một vị thần có ngã vị tính, nhưng ở góc độ triết học tôn giáo, Allah lại là sự thể hiện tập trung của hệ giá trị nhân văn, mà trọng yếu nhất là cái thiện. Allah là biểu tượng của cái thiện viên mãn tròn đầy. Kinh Qur'an cho biết, Allah có đến 99 danh xưng, ai biết đầy đủ sẽ được lên Thiên Đàng. Các danh xưng của Allah thể hiện các đặc tính của Ngài như Quyền Năng, Công Minh, Chính Trực… đặc biệt có nhiều danh xưng thể hiện Allah là Đấng Toàn Thiện như Nhân Từ, Độ Lượng, Khoan Dung, Hay Tha Thứ, Yêu Thương, Cảm Thông… Allah là bản nguyên của sự thiện, và Ngài phán: “Ta đã tạo hoá con người theo một hình thể (điều kiện) tốt đẹp nhất” [Q. 95:4]. Có thể nói, con người chứa trong mình khuynh hướng thiện. Nhưng, không giống như nhiều thiên thần, là những vị có lý trí nhưng không có tự do lựa chọn (trừ một vài thiên thần được đặc ân này nhưng đã phạm tội), Thượng Đế ban cho con người tự do để lựa chọn cái thiện hay cái ác. Tự do mà Allah ban cho con người vừa là một ân huệ vô giá, lại hết sức nguy hiểm cho con người.

Allah đặt ra trước mắt con người cái thiện, và cho con người nhìn thấy cả cái ác để con người tự do lựa chọn. Khi Thượng Đế đặt ra trước mắt con người hai con đường chính và tà [x. Q. 90:10], Ngài lại giúp con người hiểu được thế nào là tốt và thế nào là xấu, vì, “Ngài làm cho nó (con người) có cảm hứng, bởi thế, nó ý thức được điều ác và điều thiện”[Q. 91:8]. Ngài đưa

cho con người thấy điều thiện và ác không phải để đẩy con người đến chỗ chết, chỗ tuyệt vọng, mà để thử thách con người với điều xấu và điều tốt [x. Q. 21:35].

Nhưng, thế nào là điều tốt, nguyên tắc nào qui định sự tốt xấu, tín đồ Islam tin rằng điều đó Allah Thượng Trí đã mặc khải trọn vẹn và viên mãn nơi Kinh Qur'an. Kinh Qur'an vang lên: “Phúc thay (Allah)! Đấng đã ban Qur’an (Tiêu chuẩn phân biệt phước và tội) xuống cho Người Tôi Trung (Mohammed) của Ngài để cho Người trở thành một Vị Cảnh cáo cho loài người”[Q. 25:1]. Cũng như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật… Trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” [Mt 5,18]; Mohammed cũng xác nhận: “Trước Nó (Qur’an) là Kinh sách của Môsê (Kinh Tawrah) được xem như một Imân (Hướng Đạo Viên) và một Rahmah (Hồng Ân). Và (Qur’an) này là một Kinh Sách bằng tiếng Ả-rập xác nhận lại (sự thật nơi Kinh Tawrah của Môsê) dùng để cảnh cáo những ai làm điều sai quấy, và báo tin mừng cho những người làm điều tốt lành”[Q. 46:12]. Tất cả Thánh Kinh của Do Thái giáo và Kitô giáo đều được Mohammed coi là Thần Khải của Allah, nhưng ông cho rằng, sự Thần khải ấy đã bị xuyên tạc ít nhiều khi qua tay của những dân tộc của Kinh sách, chỉ có Kinh Qur'an là sự Thần khải trọn vẹn.

Đi theo con đường mà Allah vạch ra trong Kinh Qur'an là con người đã hành thiện, và trong quá trình làm tăng trưởng nhân phẩm đó, con người đến gần Allah. Cái thiện luôn phù hợp với cái đạo đức, mà đạo đức nơi các tôn giáo luôn bao hàm hai phương diện cơ bản thể hiện nơi hai mối quan hệ, đó là quan hệ con người với thế giới siêu nhiên và quan hệ con người với con người (còn một quan hệ nữa là quan hệ con người với giới tự nhiên, trong phạm vi luận văn này chúng tôi không đề cập đến). Từ hai quan hệ này, giáo pháp Islam xây dựng thành hai nhân đức căn bản cho tín đồ là nhân đức đối nhân

và nhân đức đối thần. Những đòi hỏi luân lý cũng như các điều răn dạy trong Kinh Qur'an xoay quanh hai nhân đức này.

Nhân đức đối thần là những đòi hỏi về bổn phận của tín đồ đối với Đấng đã tạo dựng và ban ân huệ cho mình. Đối với Allah, tín đồ cần phải có một đức tin mạnh mẽ sắt son, sự phó thác tuyệt đối cho Ngài trong tình yêu mến; trong đó nổi lên hàng đầu là Đức Tin. Đức Tin đòi hỏi mỗi Muslin (người vâng phục) phải chấp nhận cách vô điều kiện những khải thị mà Allah đã ban xuống qua Kinh Qur'an. Allah cảnh cáo những kẻ cự tuyệt lời kêu gọi của Mohammed rằng chết đi, họ sẽ bị đày xuống Hoả ngục: “Quả thật, những ai không có đức tin (là những kẻ mà) tài sản cũng như con cái đông đảo của chúng sẽ không giúp ích gì cho chúng thoát khỏi sự trừng phạt của Allah. Và chúng sẽ thành chất đốt cho lửa Hoả ngục”[Q. 3:10]. Sự trừng phạt cho kẻ không có Đức tin sẽ là vô tận và tàn khốc, bởi khi “bị ném vào lửa của Hoả ngục, mỗi lần lớp da của chúng bị nướng chín, Ta cho thay lớp da mới để chúng tiếp tục nếm Hình Phạt của lửa” [Q. 4:56]. Kẻ phủ nhận các lời mặc khải phải ngủ trên cái giường trong lửa với tấm chăn đắp làm bằng lửa. “Những kẻ không có đức tin khi chết sẽ bị thiên thần bắt hồn bằng cách đập vào mặt và lưng của chúng”[Q. 8:50].

Cũng giống như quan niệm của Kitô giáo về Đức tin, Kinh Qur'an nhiều lần nhắc nhở mỗi Muslin rằng Đức tin mà họ đang có hạnh phúc nắm giữ, không phải do nỗ lực tìm kiếm của họ, mà do lòng nhân từ của Allah đã thương ban. Ngài toàn quyền và tự ý ban Đức tin cho ai Ngài muốn, còn những kẻ Ngài không muốn, thì chúng có cố gắng cũng chẳng được, số phận của chúng đã được định trước như thế rồi, Hoả ngục sẽ là nơi đến của chúng.

Khi tín đồ đã có Đức tin, thì tình yêu và lòng phó thác sẽ là sự lựa chọn về mặt giá trị cho việc ứng xử với những gì mà Đức tin dạy bảo. Vậy nên những người có Đức tin hãy an phận thuận thiên, phó thác hết thảy cho Allah - Người coi sóc và cung dưỡng tất cả [x. Q. 64:13]. Sự phó thác vào bàn tay

quan phòng của Allah là một đòi hỏi của Người biết tuân phục. Cũng như Đức Kittô dạy đoàn chiên của mình: “Hãy xem chim trời; chúng không gieo, không gặt, không thu thóc vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao” [Mt 6, 26]. Mohammed cũng khẳng khái nói rằng Allah sẽ ban Thiên Lộc của Ngài cho những người tuân phục Ngài. Một Đức tin thực sự sẽ không đơn thuần nằm trong tâm thức sâu xa, mà nó cần biểu lộ bằng hành động cụ thể, vì: “Điều đáng ghét nhất đối với Allah là các người nói ra những điều mà các người không làm” [Q. 61:3]. Mỗi tín đồ không chỉ phải thực hiện tín ngưỡng của mình nơi các nghĩa vụ tôn giáo mang tính hướng thần như cầu nguyện, lễ bái, hành hương…, mà còn phải thực hiện các nghĩa vụ với tha nhân, đây là phạm vi của các nhân đức đối nhân.

Nhân đức đối nhân là những đòi hỏi trong ứng xử giữa người với người như bác ái, công bằng, yêu thương… Nhân đức đối nhân là hệ qủa của nhân đức đối thần. Mohammed thường xuyên nhấn mạnh: Không có một đức tin nào đẹp lòng Allah nếu đức tin đó không gắn với tình yêu thương giữa con người với con người. Điều thiện hảo mà Allah muốn là lòng tin đối với Ngài phải đi kèm với lòng quảng đại và tình bác ái. Có thể tìm thấy rất nhiều câu trong Kinh Qur'an nói về mối quan hệ giữa nhân đức đối nhân với nhân đức đối thần. Cái thiện là kết quả của sự kết hợp giữa hai nhân đức đó. Điều này được thể hiện rất rõ trong định nghĩa nổi tiếng mà Kitô giáo hay Do Thái giáo đều nhận là đúng, và nó giống như một Tín biểu của Islam: “Đạo đức không phải là các người quay mặt về hướng Đông hay hướng Tây; mà đạo đức là việc ai tin nơi Allah và Ngày Phán Xử Cuối Cùng, và nơi các thiên thần, và nơi Kinh sách (của Allah), và nơi các dấu hiệu của Allah, và vì yêu thương Ngài bố thí tài sản cho bà con ruột thịt, và những người trẻ mồ côi, và những người thiếu thốn, và những người đi đường xa, và những người ăn xin, và để chuộc và giải phóng những người nô lệ, và chu đáo dâng lễ Salâh, và đóng

Zakâh và hoàn tất lời hứa khi đã hứa, và kiên trì chịu đựng trong nghịch cảnh (đói khổ) và thiên tai (bệnh hoạn) và trong thời gian xảy ra chiến tranh (bạo động). Họ là những người chân thật và họ là những người ngay thẳng và sợ Allah”[Q. 2:177].

Một trong những truyền thuyết mà Islam thừa nhận, kể rằng: “Thiên thần Gabriel hỏi Mohammed: “Islam là gì?” Mohammed đáp: “Islam là tin nơi Allah và vị Tiên Tri của Ngài, đọc những kinh cầu nguyện đã chỉ định, bố thí cho kẻ nghèo, nhịn ăn trong tháng Ramadan và hành hương ở Thánh Địa La Mekka. Cầu nguyện và bố thí, nhịn ăn và hành hương là Bốn bổn phận của Islam, thêm lòng tin nơi Allah và Vị Tiên Tri nữa, thành Năm trụ cột của Đạo Islam””[dẫn theo 47, 137].

Như vậy, xác định cái thiện trong Kinh Qur'an mang trong mình hai phương diện biểu hiện đan xen vào nhau. Để cái thiện được thực hiện nơi quan hệ con người thì cái thiện đó phải mang trong mình sức mạnh của một đòi hỏi siêu nhiên. Cũng vậy cái thiện siêu nhiên phải được tỏ lộ qua cái thiện mang chiều sâu nhân tính. Cái thiện là một giá trị đạo đức và đối với mỗi Muslim, nó đồng thời nó cũng là phương tiện, là con đường dẫn tín đồ đến với cùng đích là đạt được hạnh phúc viên mãn nơi Allah. Quan niệm về hạnh phúc trong Kinh Qur'an sẽ được chúng tôi trình bày ở phần sau.

Đối lập với cái thiện là cái ác. Cái ác không phải là một giá trị, nó không thuộc phạm trù giá trị, nhưng nó được xem xét trong tương quan với cái thiện nhằm mục đích xác định đặc tính của cái thiện, nó cũng đồng thời là phương thế để con người tìm kiếm điều thiện khi nỗ lực đấu tranh chống lại cái ác.

Kinh Qur'an cho biết, mặc dù con người được Đấng Toàn Thiện tác tạo, và có khuynh hướng tìm kiếm sự thiện, nhưng Kinh Qur'an cũng nhiều lần nhắc tới các tật xấu của con người. Khi mang thân phận làm người, mỗi con người cũng là những sinh mệnh yếu đuối mỏng giòn [x. Q. 4:28]. Thị dục

của con người luôn kích thích con người vựơt quá giới hạn cho phép, tìm kiếm sự hưởng lạc đầy ích kỷ [x. Q. 70:21]. Chính vì vậy, con người đã gây ra những điều ác đức, đi trái với mệnh lệnh của Allah.

Cái ác không chỉ là sự đáp ứng thái quá đối với những đòi hỏi của thể xác và nhu cầu trần thế, mà cái ác còn biểu hiện dưới dạng những nhu cầu tinh thần bất chính. Trong tinh thần, Kinh Qur’an cho rằng, điều tội lỗi xấu xa nhất là muốn biến mình thành Thượng Đế. Và khi đó, nó tự cho mình có năng lực và có quyền quyết định tất cả, kể cả định ra sự thiện ác và sự sống chết của kẻ khác. Cái ác được tạo ra do sự xúi giục và thực hiện những ham muốn bất chính, bởi con người luôn “đuổi theo những lạc thú trần gian và trở thành những kẻ tội lỗi” [Q. 11:116].

Theo kinh Qur’an, có ma quỷ bên trong và ma quỷ bên ngoài. Tiếng gào thét bên trong của thị dục bất chính cộng với sự kích thích xúi giục của đông đảo bọn Jinn mà đầu sỏ là Iblis, nếu con người không thắng được chúng, con người sẽ làm điều ác. Kinh Qur'an nhiều lần nhắc tới sự cám dỗ của Iblis, chính “chúng xúi giục với mục đích gây rối loạn cho những người có đức tin”[Q. 58:10]. Allah không tạo ra điều ác, nhưng Ngài lại để cho chúng tồn tại với mục đích thử thách lòng trung tín của tín đồ [x. Q. 21:35], nhưng không bao giờ Ngài thử thách con người quá sức con người chịu đựng [x. Q. 23:62]. Kẻ thù của con người là ma quỷ luôn gây điều ác, nhưng nó cũng sẽ chẳng làm được gì nếu Allah không cho phép, vậy nên con người phải cậy dựa vào Allah để vượt thắng những cơn gian nan thử thách.

Rất nhiều tội lỗi, cái ác ở đủ mọi phương diện được kể ra trong Kinh Qur'an. Trong đó, “thờ đa thần cùng với Allah, bất hiếu với cha mẹ, giết người vô tội, nói dối, dâm loạn, ngoại tình” [Q. 42:37] là những tội được cho là lớn nhất. Nhưng, cái ác không chỉ “xuất hiện…. vì những hành vi thối nát mà bàn tay của con người đã làm ra”[Q. 30:41], mà sự hiểm độc nằm trong lòng còn dữ dằn hơn [x. Q. 3:118]. Nếu đạo đức thế tục thiên về đánh giá

thiện ác ở góc độ hành vi và hậu quả. Cái ác trong quan niệm của các tôn giáo trong đó có Islam chứa đựng cả nơi những điều thầm kín trong lòng người. Bởi vậy sức điều chỉnh hành vi của những tư tưởng đạo đức tôn giáo không thể thay thế.

Cái ác luôn mang trong mình khả năng huỷ diệt, nó không chỉ tác động tiêu cực tới người phải nhận sự ác, nó còn đẩy kẻ chứa đựng và làm điều ác xuống vực sâu. Kinh Qur'an không ngừng thúc giục những kẻ tin lời Mặc khải của Allah phải tẩy trừ cái ác từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Khi cái ác đã sinh hậu quả, Kinh Qur'an duy trì truyền thống Do Thái giáo rằng “mắt đền mắt, răng đền răng” nhưng cũng mở đường bằng nhiều phương thế cho những kẻ biết ăn năn hối cải. Đối với kẻ làm điều ác mà không biết ăn năn hối cải thì chúng phải nhận sự trừng phạt công minh [x. Q. 2:86]. Kẻ ác không chỉ phải chịu sự nhục nhã ở đời này, mà ghê gớm hơn gấp bội là Hoả ngục là nơi ở tất rất xấu cho phần đời còn lại của nó [x. Q. 2:85]. Kinh Qur'an ca ngợi cái thiện bao nhiêu thì cũng gay gắt lên án cái ác bấy nhiêu. Như sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, cái ác cần phải được đẩy lùi bởi ánh sáng của cái thiện,

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong kinh Qur'an (Trang 33)