Nếu con người trong phạm vi vũ trụ quan được bàn đến ở khía cạnh nguồn gốc, cấu tạo, sự chết; thì nhân sinh quan lại tập trung vào những vấn đề của đời sống con người. Quan niệm về đời sống của con người theo cái nhìn tôn giáo luôn bao hàm đời sống trần thế và đời sống sau khi chết. Hai đời sống này nối tiếp nhau nhưng lại khác nhau, mặc dù nó tùy thuộc vào nhau. Nhân sinh quan trong Kinh Qur'an đã đề cập cách phong phú các phương diện của đời sống con người. Cùng với vũ trụ quan, nhân sinh quan trong Kinh Qur'an đã tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trọng yếu của con người như: ý nghĩa sự tồn tại con người, bản chất của cuộc sống trần thế, làm gì để có cuộc sống hạnh phúc, hạnh phúc đích thực là gì, nguyên nhân của những khổ đau, sau cái chết con người sẽ về đâu…
Cùng với các tạo vật khác, theo Kinh Qur’an con người được Allah tạo ra để được chia sẻ và dự phần vào vinh quang của Ngài. Kinh Qur'an luôn vang lên những lời biểu dương tình yêu thương và nhân từ của Allah. Ngài vốn viên mãn tròn đầy, không một tạo vật nào có thể bổ xung thêm vinh quang cho Ngài. Con người được tạo ra và được Ngài đặt để trong một trạng thái hiện hữu đặc biệt. Vạn vật quy hướng về Allah, nhưng vạn vật cũng xoay quanh con người. Cuộc sống trần thế của con người là một hình thức, một cấp độ của trải nghiệm hạnh phúc, và cái hạnh phúc viên mãn nhất là nơi Allah. Con người được tạo ra để hưởng hạnh phúc, nhưng con người phải trải qua cuộc sống trần thế chính là một thử thách để con người có thể đạt được hạnh phúc viên mãn. Allah cảnh cáo: “Phải chăng các ngươi nghĩ rằng các ngươi sẽ
vào Thiên Đàng trong lúc các ngươi chưa hề từng trải qua thử thách”[Q. 2:214]. Nơi cuộc sống trần thế, con người phải nỗ lực hết sức chiến đấu để chiến thắng những cám dỗ để có thể trung thành với những chỉ đạo của Allah [x. Q. 3:139-142]. Như vậy, cuộc sống trần thế không chỉ là nơi con người có thể nếm trải hạnh phúc mà còn là nơi để con người băng mình lên để thể hiện sự trung tín đối với đấng tác tạo. Tại sao như vậy? Kinh Qur'an cho rằng cuộc sống trần thế chỉ là tạm thời, là bước chuẩn bị cho sự sống vĩnh cửu.
Sống nơi trần thế, con người có xu hướng tìm kiếm sự hưởng lạc, nên Kinh Qur'an không ngừng nhắc nhở con người phải ý thức rằng cuộc sống trần thế mau qua. Sự hưởng lạc, thú vui nơi trần gian sẽ là kẻ thù của con người khi con người sa đà vào nó mà quên mất giá trị vĩnh cửu. Nó là một sự hưởng thụ đầy dối trá [x. Q. 3:185], là một tấm tuồng, một thú vui chóng qua [x. Q. 29:64]. Và Allah cảnh cáo những kẻ chỉ biết hưởng thụ đời này: “Ai muốn mảnh đất trồng ở đời sau, Ta sẽ gia tăng mảnh đất của y cho y; và ai mong muốn mảnh đất trồng ở đời này, Ta sẽ ban nó cho y, và y sẽ không có một phần nào cả ở đời sau”[Q. 42:20], bởi “cuộc sống trần tục chỉ là một cuộc vui và thú tiêu khiển”[Q. 47:36]. Con người sống sa đà trong đó mà không biết rằng “nó giống như hoa màu (đâm trổ xanh tươi) sau cơn mưa, làm mát dạ người trồng; rồi nó bắt đầu héo dần, ngươi (hỡi người!) thấy nó vàng úa; rồi khô và vỡ vụn. Nhưng ở Đời sau sẽ có sự trừng phạt khủng khiếp (đối với những kẻ tội lỗi)… và đời sống trần tục này chỉ là một sự hưởng thụ tạm bợ lừa dối (con người) [x. Q. 57:20]. Và một sự khẳng định chắc chắn được đưa ra: “Đời sau tốt cho người hơn đời sống (hiện tại ở trần gian)”[Q. 93:4].
Tuy cuộc sống trần thế chỉ là tạm thời, chóng qua nhưng nó lại quyết định cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống trần gian là sự chuẩn bị cho sự sống muôn đời. Cùng đích của con người là được sống đời đời hạnh phúc nơi Allah trên Thiên đàng. Sau cái chết, con người sẽ đợi ngày phục sinh để chịu phán
xét. Tùy theo tội phúc con người đã tạo ra trên trần gian mà con người nhận được phần thưởng là Thiên Đàng hay hình phạt là Hoả Ngục.
Ở đây, từ Kinh Qur'an, Islam gặp phải một vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ. Đó là quan niệm về tự do. Cùng đích của con người là hưởng hạnh phúc tuyệt đối viên mãn nơi Allah trên Thiên Đàng. Để đạt được điều đó, có rất nhiều câu trong Kinh Qur'an dạy tín đồ phải ăn ngay ở lành, tuân giữ những giới luật mà Allah ban cho thì sẽ hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, nếu bất tuân sẽ sa Hoả Ngục. Không thể nghi ngờ giá trị điều chỉnh hành vi nơi những điều răn dạy này. Tuy vậy, quan niệm về tiền định cũng có nguồn gốc từ Kinh Qur'an mà ra, Allah phán: “Ta đã tạo hoá con người và biết điều mà bản thân (linh hồn) của hắn thì thào (xúi giục) hắn bởi vì Ta gần hắn hơn tĩnh mạch nơi cổ hắn nữa”[Q. 50:16]. Vì Allah biết cả quá khứ lẫn tương lai, cho nên việc gì cũng do tiền định, tiền định một cách vĩnh viễn do ý chí của Allah, ngay cả số phận của mỗi linh hồn cũng được định trước. Allah không những biết linh hồn nào được cứu rỗi, mà Ngài còn tự ý muốn cho linh hồn nào được hưởng lòng nhân từ của Ngài thì cho [x. Q. 76:31]. Giavê (của Do Thái giáo) đã làm cho tim của Pharao trai cứng lại thế nào thì Allah cũng vậy, bảo những kẻ không tin rằng: “Ta đã lấy tấm màn phủ kín trái tim (tấm lòng) của chúng lại, sợ rằng chúng hiểu được Nó (Qur’an) và làm cho tai của chúng điếc; và nếu Ngươi có gọi chúng đến với chỉ đạo thì trong trường hợp đó chúng sẽ vĩnh viễn không bao giờ chấp nhận chỉ đạo” [Q. 18:57]. Lời đó - có lẽ để kích thích lòng tín ngưỡng - là một lời tàn nhẫn trong nhiều tôn giáo. Nhưng Allah còn cương quyết hơn Giavê, thẳng tay đập: “Nếu Ta muốn, thì chắc chắn Ta đã chỉ hướng cho mỗi người (linh hồn), nhưng lời phán từ Ta (về những kẻ tội lỗi) sẽ xảy ra đúng sự thật: “Ta sẽ nhốt Jinn và loài người chung với nhau vào Hoả Ngục””[Q. 32:13]. Theo một truyền thuyết do Ali (con nuôi và là con rể của Mohammed) kể: “Một hôm chúng tôi ngồi với Vị Tiên Tri, người cầm
cây gậy viết xuống đất câu này: các con ai cũng đã được Thượng Đế tiền định cho rồi: hoặc xuống Hoả Ngục, hoặc lên Thiên Đàng”[dẫn theo 47, 60].
Lòng tin ở sự tiền định đó làm cho sự nhiệt liệt và cứng rắn trong niềm tin trở thành một nét đậm trong tư tưởng Islam. Mohammed dùng nó để kích thích lòng dũng cảm trên chiến trường (sống chết được định trước). Tín đồ Islam nhờ đó mà hiên ngang an mệnh thuận thiên trước mọi nghịch cảnh, mọi bổn phận của cuộc đời. Nhưng ở những thế kỷ sau, lòng tin ở tiền định đó kết hợp với vài yếu tố khác đã làm cho tư tưởng và đời sống Ả-rập hoá ra bi quan, vô sinh khí.
Tóm lại, Kinh Qur'an đã đề cập đến những vấn đề hết sức căn bản của tồn tại người đặc biệt là vấn đề nguồn gốc, ý nghĩa của cuộc sống, bản chất của cuộc sống trần thế, và nó đã phản ánh được cái khát vọng sâu xa của con người là cuộc sống vĩnh cửu. Cũng như quan niệm nhân sinh của các tôn giáo khác, nhân sinh quan trong Kinh Qur'an đã đề cao đời sống mai sau, tuy nhiên nó cũng không lảng tránh những vấn đề của đời sống trần thế, sự kết hợp giữa hai đời sống này cũng như sự kết hợp nhu cầu tâm linh và nhu cầu thế tục đã đem lại hiệu quả to lớn, tạo ra những chuyển biến có tính bước ngoặt trên bán đảo Ả-rập.
CHƢƠNG 2
MỘT SỐ QUAN NIỆM ĐẠO ĐỨC CƠ BẢN TRONG KINH QUR’AN
Với tính cách khái niệm công cụ, chúng tôi hiểu: Đạo đức là những nguyên tắc nhằm đảm bảo cho vũ trụ (trong đó có con người) được tồn tại và phát triển. Tư tưởng hay động thái nào đi ngược lại tiêu chí đó, là phi đạo đức. Xét đến quan niệm đạo đức, nổi lên hai khía cạnh căn bản là những nguyên tắc về giá trị và chuẩn mực đạo đức. Tuy là hai lĩnh vực, nhưng chúng có mối liên hệ hết sức chặt chẽ. Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích một số quan niệm đạo đức cơ bản trong Kinh Qur’an.