Quá trình xây dựng jokamachi Edo

Một phần của tài liệu Thành thị Nhật Bản thời cận thế (Qua nghiên cứu trường hợp EDO (Trang 49)

Năm 1603, Edo – đại bản doanh của nhà Tokugawa - đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của toàn bộ Nhật Bản. Với tư cách kinh đô của Mạc phủ, Edo đã bước vào một giai đoạn mở rộng bùng phát với tốc độ và quy mô hiếm thấy trong lịch sử thế giới.

Vào tháng 7 năm 1604, tất cả các daimyo đều được yêu cầu chuẩn bị

vật liệu và nhân công để xây dựng Edo. Các lãnh chúa bắt đầu công việc khai thác tại các mỏ đá và cho đóng thuyền bè. Do có ít đá ở đồng bằng Musashi,

nên phần lớn đá đều được mang đến từ bán đảo Izu và được vận chuyển bằng ba nghìn chiếc thuyền. Shimazu, lãnh chúa Satsuma, một trong những lãnh chúa giàu có nhất Nhật Bản, đã đóng góp ba trăm chiếc thuyền và một lượng tiền của lớn. Mỗi chiếc thuyền chỉ có thể chở hai phiến đá bởi những phiến đá này rất to và phải cần đến một trăm người mới có thể di chuyển nổi chúng. Mỗi daimyo phải đóng góp một nghìn phiến đá như vậy cho mỗi 100.000 koku thu nhập. Mỗi thuyền phải chở hai chuyến trong vòng một tháng. Trong

những chuyến đi đó, đã xảy ra không ít tai nạn. Bão tố đánh chìm rất nhiều tàu thuyền. Đã có lúc Nabeshima, lãnh chúa Saga, đã mất một trăm thuyền, Kato Yoshiaki mất 46 thuyền, Kuroda mất 30 thuyền... Vào một thời điểm khác, Kato Kiyomasa của Kumamoto, đã mất 7 thuyền trên vịnh Edo. Khi những tai nạn như vậy xảy ra ngoài Shinagawa, các ngư dân sống ven bờ có thể cứu người và thậm chí một số tàu thuyền. [19, tr. 48] Việc các lãnh chúa bất mãn trước yêu cầu đóng góp của Mạc phủ không phải là không có nhưng tất cả đều phải thuần phục trước uy quyền của nhà Tokugawa.

Các chính sách của Mạc phủ là nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển đáng kể này. Edo với tư cách một thành thị dưới thời Tokugawa đã trở thành biểu tượng tối cao cho uy quyền của Mạc phủ. Với Edo, nếu lấy phần thành làm tâm điểm thì cấu trúc xây dựng và cư trú của thành thị này được chia làm ba vòng tương đối rõ rệt. Xung quanh cấm thành là một khu vực biệt lập dành riêng cho giới võ sĩ cao cấp. Đây là vùng được bảo vệ chắc chắn. Vòng hai (khu đệm) dành cho những người phục vụ và các võ sĩ cấp thấp còn vòng ba là địa bàn sinh sống của các thương nhân, thợ thủ công, khu buôn bán và nhiều cơ sở tôn giáo. Nhìn toàn cục, không gian của Edo được mở rộng theo hình xoắn ốc dần ra phía biển, hướng vịnh Edo.

Các tầng lớp cư dân được bố trí ở những khu vực khác nhau theo mô hình xoắn ốc này. Các lãnh chúa fudai được bố trí ở ngay sát Đông Bắc tòa

thành, bảo vệ Otemon; trong khi đó, các lãnh chúa tozama lại được sắp xếp ở phía Tây Nam, đặc biệt dọc theo Daimyo koji, mà hiện nay là khu phố ngang qua Marunouchi tới Kanda. Samurai cấp thấp hơn sinh sống theo một vành

đai rộng lớn trải dài từ Akasaka gomon qua Yotsuya, Bancho và Ushigome tới Sujikaibashi và vùng phụ cận Nakasendo tiến gần về Edo. Thị dân, thương nhân và thợ thủ công, được tập trung vào một khu vực từ Sujikaibashi tới Tokaido ở phía Tây Nam thành thị. Khu Nihonbashi bên trong khu vực thị dân trở thành trung tâm của hệ thống giao thông cả nước và thay thế Tokiwabashi trở thành trung tâm thương mại.

Hình 2.7: Các vòng thành Edo bố trí theo hình xoắn ốc

Bên trong thành thị, diện tích các khu vực được quyết định theo địa vị. Cho đến thập niên thứ 3 của thế kỷ XVII, chính quyền đã ra chỉ dụ để thiết lập mối tương quan giữa địa vị và đất đai.

Chế độ sankin kotai đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Edo. Các chuyến đi tới Edo vô cùng tốn kém, gây nên sức ép rất lớn về kinh tế lên các lãnh chúa địa phương. Trong thời kỳ này, có hơn 250 lãnh chúa ở Nhật Bản và tất cả họ đều phải có tư dinh tại Edo. Những tư dinh này đã dẫn tới sự phát triển của một mô hình thành thị đặc biệt. Thông thường, các lãnh chúa sở hữu ba dinh thự ở Edo: 1) Một dinh thự chính thường nằm ở trung tâm thành thị và được sử dụng như một chi nhánh của chính quyền địa phương do đây là nơi ở chính thức của lãnh chúa địa phương và gia đình khi ở Edo. Khu vực này không nằm trong phạm vi quyền hạn của chính quyền trung ương. 2) Một dinh thự thứ hai thường được sử dụng làm nơi vui chơi giải trí và chiêu đãi quan lại chính quyền trung ương. Những dinh thự này phân bố rải rác quanh Edo. 3) Một khu vực nhà kho và nhà ở của tầng lớp đầy tớ thấp kém thường được xây dựng dọc theo bờ kênh hoặc vịnh. Việc tập trung dân cư và sự phát triển của thành thị gần như được dựa trên quy tắc này [17, tr. 43]. Kinh tế của Edo cũng tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Sản vật và của cải từ các địa phương được mang vào thành thị và sử dụng như nhưng chi phí sinh hoạt và hoạt động cho các lãnh chúa địa phương. Như một hệ quả của sự tập trung của cải như vậy, Edo đã trở thành một tổ hợp tiêu thụ lớn và phát triển các hoạt động thương mại. Bằng việc mua bán các sản vật địa phương của các lãnh chúa, đẳng cấp thương nhân đã tích lũy được một lượng của cải khổng lồ trong thời Tokugawa. Dần dần, những thương nhân này đã kiểm soát toàn bộ nền kinh tế. Sự gia tăng dân số nhanh chóng cũng tương đương với hoạt động thương mại này. Sang thế kỷ sau, dân số của Edo đã lên tới 1.300.000 người. Hiện tượng này đã tạo ra nhiều vấn đề không mong muốn, như các vụ hỏa hoạn lớn

liên tiếp, suy đồi đạo đức, một tình thế khó khăn về tài chính trong giai cấp thống trị. Tuy nhiên, từ quan điểm mở rộng nhanh chóng sức mạnh của chính quyền và sự phát triển của thành thị, nó đã có một sức ảnh hưởng to lớn và đem lại một hệ thống khá thành công.

Vào năm 1657, Edo đã bị phá hủy bởi một trong những trận hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử - trận đại hỏa hoạn Meireki. Ngọn lửa đã thiêu hủy 60% - 80% Edo, bao gồm tháp chính tenshukaku , vòng thành chính honmaru, vòng thành thứ hai ninomaru của ngôi thành và khoảng 500 dinh thự của các

daimyo. Gần 350 đền chùa, 750 khu nhà ở của các võ sĩ và gần 50.000 ngôi

nhà của thị dân cũng bị phá hủy. Hơn một trăm nghìn người thiệt mạng trong trận hỏa hoạn này. [9, tr. 376]. Có thể so sánh vụ hỏa hoạn này với trận đại hỏa hoạn Luân Đôn vào năm 1666.

Đây chỉ là trận hỏa hoạn đầu tiên trong nhiều trận hỏa hoạn tàn phá Edo những thế kỷ tiếp theo. Vấn đề hỏa hoạn phần nào là kết quả ngoài dự tính của những chính sách của Mạc phủ. Mạc phủ chủ trương phát triển nhanh chóng của Edo với tư cách trung tâm của toàn bộ chính quyền cũng như chế độ sankin kotai mà thiếu sự chú trọng đối với vấn đề an toàn. Tầng lớp thị dân, vốn có vị thế thấp hơn samurai trong xã hội, lại tập trung đông đảo trong một khu vực nhỏ khiến mật độ dân cư những khu vực đó là rất lớn. Năm 1725, ước tính thị dân chiếm 46,2% dân số toàn thành thị những chỉ chiếm 12,5% đất đai. Tình trạng quá đông đúc của khu vực thị dân cùng việc sử dụng các vật liệu dễ cháy để xây dựng nhà cửa, đặc biệt là gỗ, đã khiến nguy cơ hỏa hoạn luôn đe dọa Edo.

Sau trận đại hỏa hoạn, Mạc phủ đã thực hiện một số biện pháp để đối phó với mối nguy hại này bao gồm mở rộng đường phố và thành lập các đội cứu hỏa. Tình trạng đông đúc của vùng phụ cận tòa thành được giải tỏa bằng việc di dời nhiều đền chùa và dinh thự của các daimyo tới các bộ phận khác

trong thành thị. Các dinh thự tại Tokiwabashi, Tatsunoguchi, Takebashi và Kitanomaru daikancho được chuyển khỏi thành về phía Đông. Mạc phủ trợ cấp tiền cho các lãnh chúa thực hiện quá trình di dời này cũng như xây dựng dinh thự tại địa điểm mới. Các dinh thự của “Ngự tam gia”, được di dời từ bên trong vòng thành thứ hai ninomaru tới những vị trí mới ở khu vực hào

bên ngoài, Kii và Owari tới Kojimachi và Mito tới Koishikawa. Trong khi đó,

tenshukaku của thành Edo không được xây dựng lại.

Hình 2.8: Trận hỏa hoạn Meireki năm 1657

(Nguồn: Tạp chí Nipponia, số 17, 2001)

Một phần của tài liệu Thành thị Nhật Bản thời cận thế (Qua nghiên cứu trường hợp EDO (Trang 49)