Sự phát triển của thành thị

Một phần của tài liệu Thành thị Nhật Bản thời cận thế (Qua nghiên cứu trường hợp EDO (Trang 33)

Thời Tokugawa, Nhật Bản có tới 200 thành thị, hàng trăm cảng thị, trung tâm thương nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp. Điều này vừa cho thấy mức độ tập trung của quá trình đô thị hoá vừa thể hiện những biến chuyển căn bản và hết sức sâu sắc trong đời sống kinh tế xã hội dưới tác động của những nhân tố mới trong và ngoài nước thời kỳ này.

Trước hết, trong nông nghiệp nhờ có khai hoang, mở mang thuỷ lợi, cải tạo giống và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác mới mà sản lượng lương thực của Nhật Bản đã tăng rõ rệt, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tạo ra sản phẩm hàng hoá. Do lợi nhuận, ở nhiều nơi nông dân không sản xuất nông nghiệp nữa mà chuyển sang làm hàng thủ công hay chế biến những đặc sản nổi tiếng của địa phương. Trên cơ sở đó, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã tách dần ra khỏi kinh tế nông nghiệp và trở thành hai ngành kinh tế độc lập. Tất cả những yếu tố trên đây đã tạo ra năng lực tập trung cho quá trình tích tụ tư bản, từng bước phá vỡ trật tự kinh tế vốn có và làm thay đổi kết cấu xã hội mà hệ quả là một bộ phận không nhỏ cư dân đã tham gia vào sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực kinh tế mới [9, tr. 282-283].

Dưới tác động của những điều kiện chính trị, xã hội, tầng lớp samurai đã vào sống tập trung trong các thành thị và nhiều người đã trở thành võ sĩ - nhân viên hành chính chuyên nghiệp. Mặt khác, quá trình tập trung đó đã làm đông đảo thêm đội ngũ thống trị quan liêu ở Nhật Bản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng vào thời Tokugawa, Nhật Bản là nước có tỷ lệ cư dân thuộc giai cấp thống trị cao nhất so với các nước Đông Á khác cùng thời. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, những thành thị lớn ở Nhật Bản thời Tokugawa đều vốn là các thủ phủ hành chính của daimyo hay shogun. Do đó, ngoài điều kiện tự nhiên,

vị trí kinh tế, những yếu tố lịch sử, văn hoá... thì chính sách của chính quyền các han cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng và mức độ phát triển của mỗi thành thị ở Nhật Bản thời kỳ này. Trong các thành thị đó, đẳng cấp thương nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Qua quá trình buôn bán, kinh doanh một số thương nhân đã tích luỹ được nguồn của cải lớn và trở thành lực lượng xã hội có thế lực nắm giữ những huyết mạch kinh tế quan trọng của đất nước. Vị thế kinh tế của họ thậm chí còn tác động đến cả việc hoạch định chính sách của chính quyền trung ương và các lãnh chúa địa phương.

Từ cuối thế kỷ XVII, ở Nhật Bản bên cạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp vốn có đã hình thành thêm một cơ cấu kinh tế thương nghiệp lấy thành thị làm trung tâm. Một số thành thị ngày càng phát triển theo khuynh hướng độc lập trên cơ sở vận hành của một cơ chế tự quản. Trong các thành thị đó, bộ máy quản lý theo kiểu phong kiến hành chính quan liêu ngày càng tỏ ra bất lực trước sự phát triển đa dạng, sôi động của kinh tế tiền tệ. Vai trò điều hành trên thực tế đã rơi vào tay đẳng cấp thương nhân thông qua các tổ chức hay hiệp hội buôn bán (nakama, 仲間, trọng gian). Hơn thế nữa trong mỗi thành thị địa phương, với hạt nhân là các thương nhân, đã tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế trong nông thôn, khuyến khích việc mở rộng của kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp và sản phẩm thủ công nghiệp. Vào nửa sau của thế kỷ XVII, nhiều thành thị đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành những trung tâm sản xuất, buôn bán của cả một khu vực rộng lớn như vùng Kinai có phạm vi bao gồm 3 thành thị: Osaka, Nara, Kyoto và lãnh thổ của các han

như: lzumi, Kawachi, Settsu, Yamashiro, Yamato.

Cùng với quá trình phát triển của sản xuất, thương nghiệp, việc tập trung một tỷ lệ lớn tầng lớp thống trị quan liêu và gia nhân của họ vào các thành thị đã cuốn hút nhiều thương nhân, thợ thủ công và một phần lao động

trong nông thôn rời bỏ làng quê, địa bàn cư trú trước đây tìm đến những nơi tập trung dân cư để kiếm sống. Họ làm đủ mọi nghề từ lập các cơ sở kinh doanh, xưởng thủ công, nhà trọ, quán ăn, quầy tạp hoá đến việc phục vụ trong các gia đình võ sĩ, thương nhân... Ngoài ra, hàng năm các thành thị còn đón nhận một lượng lớn những người di cư theo mùa. Thu nhập từ các nguồn phi nông nghiệp thường cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2 đến 7 lần đã khiến nhiều nông dân không tha thiết với nghề nông truyền thống nữa, và một lý do đặc biệt quan trọng khác ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đô thị hoá đó là mức độ tăng trưởng dân số nhanh trong thời kỳ Tokugawa. Chỉ trong vòng hơn một thế kỷ, dân số đã tăng từ 18 triệu người vào năm 1590, tới 25 triệu người vào năm 1804 và đến giữa thế kỷ XIX tổng dân số Nhật Bản đã lên đến khoảng 30 triệu người [9, 287].

Vào cuối thời kỳ Tokugawa có tới 16-17% cư dân sống ở các thành phố có số dân hơn 3.000 người. Tám thành phố lớn nhất (hai phần ba là các thành thị hành chính) đều có số dân trên 10.000 người, chiếm 12 - 13% dân số toàn quốc. Việc tập trung một tỷ lệ lớn dân cư vào sống trong các thành thị đã kích thích sức mua và nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản. Với dân số đông đúc, mặc nhiên Edo là trung tâm tiêu thụ lớn nhất của Nhật Bản. Hàng năm, chỉ riêng lúa gạo người ta phải vận chuyển vào thành thị này tới 1,4 triệu koku9. Nhưng

Edo còn đồng thời là trung tâm kinh tế của các lãnh chúa miền Đông Nhật Bản. Cùng với Osaka và Kyoto, Edo còn là một trong ba trung tâm lớn thời kỳ này.

Tồn tại bên cạnh các jokamachi là những thành thị thương mại, dù với số lượng nhỏ hơn, mà lớn nhất trong số đó là Osaka. Như người ta thường biết, Osaka có lịch sử lâu đời hơn Edo, và tiền thân của nó, Naniwa, đã từng là thủ đô

9 Một koku (石, thạch) tương đương với 120 kg. Đơn vị đo lường này cũng thường thay đổi qua thời gian và có giá trị tương đối khác nhau giữa các địa phương.

hưng thịnh của Nhật Bản dưới triều đại các Thiên hoàng Nintoku (313-399), Kotoku (645-655) và Shomu (724-748). Mặc dù sau đó thành thị này đã suy tàn, nhưng nó lại phát triển thịnh vượng sau khi gia đình Toyotomi xây thành ở đó, cho đến thời Tokugawa, Osaka được mệnh danh là “nhà bếp của đất nước” và được coi là một trung tâm thương mại và tài chính. Tuy vậy, quy mô, cấu trúc cũng như sự phát triển nhanh chóng của Osaka không thể so sánh được với Edo. Vào năm 1665, Osaka có 549 cho10

và dân số khoảng 268.700 người; năm 1698, có 601 cho và dân số khoảng 351.700; và năm 1779, có 620 cho và dân số lên đến xấp xỉ 404.900 người [25, tr. 193]. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng đa phần dân số là thương nhân và thợ thủ công, trong số họ có nhiều nhà tư bản thương mại lớn và những người cho vay tiền. Sự cho vay nặng lãi là phổ biến. Các nhà tư bản thương mại, trong đó có 5655 nhà buôn (tonya, 問屋, vấn ốc) và 8765 nhà môi giới (nakagai, 仲買, trọng mãi) trong thời kỳ Shotoku (1711-1716). Hơn nữa có nhiều khu nhà lớn thuộc về các daimyo, và những thị trường sản phẩm

lớn mà ở đó các sản phẩm từ lãnh địa được tập hợp lại và phân phối với khối lượng lớn. Do đó Osaka là thành thị thương mại và trung tâm tài chính lớn nhất của Nhật Bản từ ít nhất là giữa thời Tokugawa. Có một thành thị khác ở Kansai vượt Osaka về dân số, đó là Kyoto. Tuy nhiên, nền tảng phát triển của thành thị này không giống với Osaka. Kyoto vốn là kinh đô của Nhật Bản trong một thời gian dài và nó cũng là một thành thị tôn giáo và thương mại cũng như một trung tâm công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm thủ công. Dân số của Kyoto chỉ đứng sau Edo, vượt quá 500.000 người và ở đó có rất nhiều thương nhân giàu có. Nagasaki cũng đáng được đề cập đến với tư cách một cảng thị ngoại thương. Các thương nhân Hà Lan đã sống ở Deshima tại Nagasaki và những người nước ngoài khác sinh sống tại Juzenji, vùng lân cận thành thị. Hakata và Sakai đã là những cảng thị quan trọng trong thời kỳ trước đó, nhưng chúng đã bị biến

10

thành các thành thị công nghiệp dưới sự cai trị của Tokugawa. Những thành thị thương mại và công nghiệp khác, hay các cảng thị thương mại mà không phải là jokamachi có Shimonoseki, Otomari, Toda, Gifu, Matsuzaka, Toba,

Yokkaichi, Otsu, Nagahama, Niigata, Sakata, Aomori, Ishinomaki, Choshi, Shimoda, Kiriu, Ashikaga và Hachioji.

Sự phát triển của sản xuất và thương mại gắn liền với sự phát triển của những thành thị này và tạo điều kiện cho sự nổi lên của “giai cấp tư sản” thời kỳ sau. Tuy nhiên, sự phát triển này không diễn ra độc lập mà nó phụ thuộc vào tiến bộ của nền kinh tế nông thôn và cũng ít nhiều được thúc đẩy bởi dân số dư thừa từ các khu vực nông nghiệp. Nhiều thành thị được nối với Edo, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, nhờ chế độ sankin kotai và do vậy chúng trở nên được liên kết với đời sống kinh tế của toàn bộ đất nước.

Sự phát triển của các thành thị gắn liền với nó là quá trình đô thị hóa là môi trường thuận lợi cho nhiều ngành kinh tế đạt được những tăng trưởng vượt bậc. Nhưng mặt khác, thành thị là nơi tập trung sức mạnh của nền kinh tế tiền tệ cũng đã gây ra những xáo trộn xã hội lớn, sự khác biệt giữa các đẳng cấp càng trở nên sâu sắc và ngay cả trong một đẳng cấp cũng được phân định ra thành nhiều thang bậc khác nhau.

2.2. Cấu trúc thành Edo

2.2.1. Quá trình xây dựng thành

Theo tác giả Naito Akira trong “Edo và thành Edo”, thành Edo được xây dựng qua bốn giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn thứ nhất: 1590 – 1602: đã được trình bày trong

chương 1 (tham khảo mục 1.2)

Giai đoạn thứ hai: 1603 - 1616

Kể từ khi Ieyasu trở thành shogun cho đến năm ông mất là 1616, Edo

Mạc phủ công bố một kế hoạch đô thị rộng lớn nhằm xây dựng thành phố và đào kênh từ vịnh vào thành. Con kênh trở thành một tuyến đường thủy trọng yếu dẫn đến thành, giúp cho việc chuyển đá, gỗ, hàng hoá và những nguyên liệu khác bằng thuyền từ những nơi cách xa hàng trăm km. Các loại vật liệu xây dựng được vận chuyển tới đây bằng cách đó. Dọc hai bên bờ kênh, hoạt động buôn bán nhộn nhịp như kinh doanh vận tải đường thuỷ, buôn bán gỗ, chợ búa và nhiều hoạt động khác. Khu vực này trở thành trung tâm của thành thị mới. Ở thành Edo, dinh thự của tướng quân và tháp chính được xây dựng trong vòng thành chính (hon-maru) và vòng thành phía Tây (nishi-no-maru) được củng cố thêm. Tháp chính cao 44,3m có năm cấp bên ngoài và bảy tầng bên trong. Thành được thiết kế để phòng thủ, không giống thành sau này được xây dựng trong thời gian hoà bình ổn định.

Giai đoạn thứ ba: 1619 - 1632

Sau khi Ieyasu mất, vị tướng quân thứ hai là Tokugawa Hidetada (1579- 1632) đã đề ra một kế hoạch phát triển để mở rộng thành thị hình xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, lấy thành làm trung tâm. Để làm được việc này, người ta phải lấy đất từ khu vực đồi Kanda, chuyển dòng chảy của sông Hira để cho nó nhập với sông Sumida và củng cố các công sự phòng thủ ở phía Đông Bắc thành. Đất lấy từ đồi Kanda được dùng để lấp nhánh sông dẫn tới chân thành. Việc này làm cho thành thị mở rộng về hướng Đông Nam thành. Dinh thự cho các daimyo được xây dựng trên khu đất lấp gần thành, còn khu đất xa hơn được sử dụng để làm nhà cho thị dân. Những tường đá đồ sộ được xây dựng từ phía Bắc thành đến cổng chính ở phía Đông. Cùng lúc này, tháp chính được chuyển đến địa điểm hiện nay của nó. Tháp có kiểu thiết kế hoàn toàn mới, mặt ngoài được quét sơn dầu màu đen và có năm tầng, còn cấu trúc bên trong phía trên nền đá cũng có ngần ấy tầng, chiều cao của toà tháp tính từ phía trên móng là 44,8 mét, chỉ

cao hơn toà tháp được xây dựng ở giai đoạn hai một chút. Một dinh thự có vườn được xây dựng trong vòng thành thứ hai (ni-no–maru).

Giai đoạn thứ tư: 1633 - 1651

Vị tướng quân thứ ba, Tokugawa Iemitsu (1604 - 1651), cho đào một hào phía Tây Bắc thành, từ Tameike qua Ichigaya đến Koichikawa. Kết quả là, hệ thống hào bao quanh thành theo hình xoắn ốc chiều kim đồng hồ, nối với sông Sumida và vịnh Edo, và cuối cùng là bao quanh thành thị. Một dinh thự được xây dựng trong vòng thành hon–maru và một khu móng lớn để xây dựng tháp

chính được hoàn thành, cùng với một móng phụ cho một tháp canh nhỏ hơn. Bên ngoài của toà tháp chính có năm cấp, và phía trong có năm tầng phía trên nền móng đá, chiều cao gần bằng với toà tháp chính được xây dựng trong giai đoạn thứ ba. Một kho hầm được đào bên trong. Toà tháp chính vươn mình lên cao và người ta có thể thấy nó giống như nhau từ mọi hướng. Từ bất cứ nơi nào trong khu đô thị chung quanh đều có thể trông thấy tháp, và nó đã trở thành một biểu tượng của Mạc phủ Tokugawa.

Tuy nhiên, toà tháp chính đã bị trận hoả hoạn Meireki năm 1657 thiêu rụi và không được xây dựng lại. Chính việc thiết kế hệ thống hào theo hình xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ này khiến nó trở thành biểu tượng quyền lực uy nghiêm, bao trùm, chứ không phải cao vời của tướng quân.

2.2.2. Cách bố trí thành

Thời cận thế, khi mà thành quách không còn giữ vai trò chủ yếu là căn cứ quân sự nữa mà dần chuyển thành trung tâm hành chính, kinh tế của các lãnh địa thì việc chọn vị trí thành có vai trò hết sức quan trọng. Để vừa có thể phòng thủ vừa dễ dàng trao đổi buôn bán, thành Nhật Bản thời kỳ này thường được xây dựng ở đồng bằng nơi có những trục đường giao thông, tiếp giáp với vùng cửa sông, cảng biển.

Thành Edo được xây dựng về phía Tây của đồng bằng Musashi. Tuy nằm trong không gian một vùng châu thổ nhưng Edo cũng là khu vực quần tụ của nhiều sườn đồi thoai thoải chạy dọc theo hướng Bắc - Nam. Ngoài địa thế phòng ngự mang tính chiến lược, nằm giáp vịnh và được che chở bởi sông Hira về phía Bắc và được bồi lấp bởi sông Tone, Edo cũng có những điều kiện thuận lợi nhất định cho canh tác nông nghiệp, khả năng khai thác biển và trung tâm của hệ thống giao thương trên cả nước [9, tr. 359]. Thành thời đó thường hướng cửa chính về phía vịnh hoặc tuyến đường chính và thành Edo cũng được xây dựng theo nguyên tắc như vậy.

Thành Edo dưới thời Tokugawa có 3 vòng thành chính: vòng thành trung tâm (hon-maru), vòng thành thứ hai (ni-no-maru) và vòng thành phía Tây (nishi-

no-maru). Cả ba vòng thành này đều được xây dựng trong giai đoạn thứ nhất tức

là từ năm 1590 khi Ieyasu vào thành đến 1603 khi ông nhận chức tướng quân. Các vòng thành này được bố trí theo hình thức kakaku-shiki (渦郭式, oa quách thức), tức là theo hình xoáy chôn ốc.

Vòng thành trung tâm và vòng thành thứ hai được gọi là thành trung tâm (honjo, 本城, bản thành) còn vòng thành phía Tây được gọi là thành Tây (saijo, 西城, tây thành). Theo nguyên tắc, nơi ở của shogun và cơ quan hành chính của Mạc phủ được đặt tại thành trung tâm còn thành Tây là nơi ở của shogun đã

thoái vị hoặc người kế vị chức shogun. Trong quá trình thành trung tâm sửa chữa

Một phần của tài liệu Thành thị Nhật Bản thời cận thế (Qua nghiên cứu trường hợp EDO (Trang 33)