Thời Tokugawa, thành Edo tuy được xây dựng trên một vùng đất tương đối cao nhưng cũng còn rất nhiều vùng ẩm, trũng chưa được khai phá. Và như vậy, giới võ sĩ và các tầng lớp bên trên thường sinh sống ở những sườn đồi, cồn đất cao còn những khu vực ẩm, trũng chính là khu hạ phố (shitamachi, 下 町)
Hình 2.9: Bản đồ thành Edo (1632)
địa bàn sinh sống của đông đảo thị dân. Cấu trúc phân bố cư dân đó của thành Edo cận thế vẫn còn được thể hiện khá rõ ở Tokyo hiện đại [9, tr. 362].
Vào đầu thế kỷ XIX, khu vực dành cho võ sĩ chiếm tới 60% đến 70% Edo, còn khu vực của thị dân và các cơ sở tôn giáo khác chỉ chiếm khoảng 20%. Khu vực sinh sống của thị dân nằm về phía Đông thành với trung tâm là khu shitamachi rồi mở rộng ra xung quanh đền chùa và các tuyến đường.
Năm 1853, số lượng thị dân đã là 58 vạn người, cộng thêm số võ sĩ thì dân số Edo tính ra khoảng 110 vạn đến 130 vạn người. Như vậy, Edo thời cận thế không những có tốc độ phát triển và quy mô dân số lớn nhất Nhật Bản mà còn là thành thị lớn của thế giới.
Khu vực của võ sĩ
Dinh thự của thuộc hạ nhà Tokugawa và các lãnh chúa địa phương có quan hệ gần gũi với Tokugawa được xây dựng ở khu vực nằm giữa hào trong và hào ngoài. Đó có thể là vì mục đích phòng thủ.
Nhìn quang cảnh Edo thời hậu kỳ có thể thấy, dinh thự của các họ lớn là Tasuya và Shimizu nằm tại vòng thành phía Bắc ở trong thành, dinh thự của nhà Hitotsubashi nằm phía trong cổng Hitotsubashi. Còn dinh thự của các lãnh chúa “Ngự tam gia” đều ở khu vực phía ngoài kênh: Owari và Kii nằm ở phía Nam cổng Nishiya, Mito nằm ở phía ngoài cổng Koishikawa. Ba phiên “Ngự tam gia” này là 3 han do 3 con trai của Tokugawa Ieyasu đứng đầu,
chiếm giữ những vị trí chiến lược, được hưởng những đặc quyền kinh tế lớn. Khu vực giữa hào trong và hào ngoài lại được chia ra làm hai, nửa phía Bắc là nơi sinh sống của các chư hầu chịu sự quản lý trực tiếp của tướng quân
hatamoto còn nửa phía Nam là khu dinh thự của các daimyo.
Cho đến trước trận hoả hoạn Meireki năm 1657, dinh thự của các
daimyo thường được xây dựng rất đẹp. Nhìn trên tấm bình phong toàn cảnh
gần thành Edo có dinh thự của lãnh chúa han Fukui. Trong dinh thự này, cả
hai cổng đều được trang trí bằng màu vàng, đặc biệt cổng Onari để đón tiếp tướng quân đẹp và nổi tiếng ngang với cổng Yomei ở Nikko. Tuy nhiên, sau trận hoả hoạn năm 1657, khi được xây dựng lại các dinh thự này trở nên giản dị và bớt nguy nga hơn.
Hình 2.10: Khu nhà của các daimyo (trích từ Edo-zu-byobu)
(Nguồn: 城の日本史. 角川書店, 東京, 1995)
Đến năm 1799, theo thống kê của chính quyền Tokugawa, trong phạm vi Edo các lãnh chúa đã cho xây dựng tới 265 dinh thự chính, 734 dinh thự phụ và nhà nghỉ... Diện tích của các dinh thự này chiếm khoảng 50% khu vực trung tâm Edo. Để hạn chế, Mạc phủ đã đề ra quy định các lãnh chúa có thu
nhập 10.000 – 20.000 koku có thể xây dựng dinh thự trên diện tích 2.500 tsubo (2 ha), thu nhập 150.000 – 200.000 koku xây dựng trên 7.000 tsubo (5,7
ha). Tuy nhiên, những quy định đó không phải bao giờ cũng được tuân thủ chặt chẽ.
Dưới thời Tokugawa, chế độ sankin kotai thực chất là chế độ con tin buộc các lãnh chúa phải về Edo trình diện. Sau một thời gian họ lại được trở về lãnh địa của mình nhưng phải để vợ con ở lại dinh thự thứ hai tại Edo. Do đó, các lãnh chúa phải để lại gia nhân tại Edo. Những gia nhân này sống tại các khu gọi là obanya hay kinban-banya. Những han lớn có số gia nhân lên
tới 3000 đến 5000 người, trong khi những han nhỏ chỉ khoảng 300 đến 500
người.
Vào đầu thế kỷ XVIII, số lượng các hatamoto là khoảng 5000 người,
nhà ở của họ cũng được xây dựng rất quy mô, có nhà lên tới 30 phòng như nhà của hatamoto Ishikawa.
Do sự gia tăng nhanh chóng của dân số và phát triển của chính quyền trung ương, Tokugawa không thể cung cấp nơi ở cho những võ sĩ nhỏ xung quanh thành nên khu nhà của các samurai này được xây dựng tại những địa
điểm trống. Trong giai đoạn phát triển thịnh vượng, cơ cấu chính quyền trung ương đã phát triển toàn diện và cần một số lượng lớn quan chức cấp thấp để vận hành nó, nên số lượng nhà ở của các samurai nhỏ cũng tăng lên nhanh
Hình 2.11: Nơi ở của Samurai
(Nguồn: http://www.mytoyota.jp/english/drive/edo/)
Cơ sở tôn giáo
Các cơ sở tôn giáo nằm ở bên rìa khu vực buôn bán thương mại. Sanno- sha là ngôi chùa duy nhất vẫn ở vị trí ban đầu của nó, tuy nhiên đã bị di dời sau trận hỏa hoạn Meireki. Các ngôi chùa và đền khác cũng bị di dời ra xa trung tâm thành thị sau trận hỏa hoạn này.
Sau trận hỏa hoạn Meireki, vị trí của các cơ sở tôn giáo có sự thay đổi đáng kể nhất. Đó là bởi hai lí do: thứ nhất, để giảm thiểu việc phá hủy những công trình xa hoa do chính quyền Tokugawa phải tài trợ cho việc xây dựng lại những đền chùa này; thứ hai, giảm nguy cơ hỏa hoạn do hầu như không thể dập tắt đám cháy ở những công trình xây dựng lớn với hệ thống cứu hỏa được sử dụng khi đó [17, tr. 89]. Do vậy, những ngôi đền và chùa này đã được xây
dựng lại ở rìa đô thị và tập hợp lại với nhau để thuận tiện cho việc kiểm soát. Đa số những đền chùa này đều có các khu vực mở rộng lớn thường được sử dụng làm nơi diễn ra các hoạt động văn hóa như vườn đậu tía nổi tiếng ở Kameido và vườn hoa anh đào ở Ueno thu hút rất nhiều người trong thành thị và trở thành những nhân tố quan trọng trong việc phát triển các khu vực ven Edo.
Hình 2.12: Ueno
(Nguồn: http://www.mytoyota.jp/english/drive/edo/)
Trong giai đoạn Edo phát triển hưng thịnh nhất, các cơ sở giải trí và thương mại đã phát triển ở những khu vực này do khoảng cách xa thành thị và
sự chú trọng vào lợi ích của người dân. Một số khu vực đã trở thành các trung tâm trao đổi thương mại địa phương ở giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hình 2.13: Chùa Gokoku
(Nguồn: http://www.mytoyota.jp/english/drive/edo/)
Vào cuối thời Tokugawa, những cơ sở tôn giáo đã phát triển trước đó không thay đổi nhiều nhưng do tình hình tài chính của cá nhân các đền chùa nên tốc độ phát triển đã giảm bớt. Có nhiều đền chùa ở Edo và mỗi đền chùa đó phải tranh đấu đề giành được sự hỗ trợ của cộng đồng. Do vậy, những ngôi
chùa lớn có thể tồn tại và bảo vệ những nhánh nhỏ xung quanh nó. Những ngôi chùa nhỏ độc lập không thể đấu tranh chống lại những cơ sở lớn có tổ chức này. Thêm vào đó, hỏa hoạn cũng đem đến sự diệt vong cho những cơ sở tôn giáo nhỏ do họ không đủ khả năng xây dựng lại một khi bị phá hủy.
Do chính quyền không cho phép xây dựng cơ sở tôn giáo mới trong thành thị nên các cơ sở mới phát triển bên ngoài phạm vi Edo. Một lý do không kém phần quan trọng cho khuynh hướng này là giá đất trong thành thị rất đắt đỏ do quá trình tập trung dân số và phát triển thương mại [17, tr. 90].
Hình 2.14: Đền thần đạo Atago
Cơ sở chính quyền
Thời kỳ đầu, các cơ sở chính quyền chưa được phát triển một cách đầy đủ. Nhưng sang thời kỳ phát triển cao độ, các xưởng đóng tàu và trại chăn nuôi kết hợp đã phát triển dọc theo sông Sumida. Ở cửa sông có các điểm kiểm soát tàu bè qua lại với mục đích điều tra những vụ buôn bán trái phép và quản lý tàu thuyền của dân thường. Chính quyền đặt ba trạm kiểm soát việc đi lại trên vịnh Edo và hàng hóa. Đảo Tsukuda trên vịnh được phát triển làm nơi bốc dỡ hàng hóa trên tàu xuống các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào Edo.
Thời kỳ sau, các xưởng đóng tàu và trại chăn nuôi vẫn giữ nguyên như cũ nhưng các xưởng gỗ của chính quyền đã được chuyển thành kho gạo để dự trữ thóc gạo trong những trường hợp khẩn cấp hay mất mùa. Cơ quan quản lý hành chính của Edo Machibugyo-sho (町奉行所, đinh phụng hành sở) có hai cơ sở, một ở phía Nam gọi là Minami Machibugyo-sho và một ở phía Bắc là Kita Machibugyo-sho.
Khu vực buôn bán thương mại
Khu vực buôn bán thương mại phát triển theo một mô hình bàn cờ trên khu vực được lấp đi của vịnh. Ranh giới của khu vực này lấn vào khu vực cư trú của các lãnh chúa và vươn tới tận trước thành Edo. Khu vực này được chính quyền phân cho các thương nhân đầu tiên đến từ Suruga.
Khu vực buôn bán thương mại được chia thành ba dạng khác nhau: khu trung tâm, khu buôn bán địa phương và khu giải trí. Khu trung tâm được phát triển hoàn toàn dành cho việc bán buôn và buôn bán nguyên liệu tiêu dùng. Người ta tận dụng lợi thế của kênh đào để vận chuyển hàng hóa. Kho hàng và trại chăn nuôi gia súc phát triển đặc biệt đáng kể dọc theo vịnh. Khu trung tâm chủ yếu theo mô hình bàn cờ ban đầu. Tuy nhiên, quy mô của các lô đã tăng lên gấp đôi so với quy mô ban đầu theo hướng Đông - Tây, do tuyến đường cái Tokaido chạy theo hướng Bắc - Nam.
Các khu vực buôn bán địa phương ban đầu chỉ bao gồm các cửa hàng bán lẻ nhỏ, các quán trọ hay khu giải trí gần những tuyến đường cái và cơ sở tôn giáo. Về mạn phía Tây thành Edo, loại hình này phát triển đáng kể dọc theo Koshu kaido, lối vào Edo từ phía Tây, và Nakasendo, lối vào Tây - Bắc. Một lữ khách có thể trú lại quán trọ gần nhất khi đến đây và sau đó tìm nơi trông giữ hàng hóa của mình. Hình thức phát triển này minh họa rõ cho thực tế rằng các giao dịch nguyên liệu với số lượng lớn xuất phát từ hướng này vào Edo. Các khu vực này phát triển ở những nơi đường cái dẫn vào thành thị, như dọc Itsukaichi Kaido, Oshu Kaido và dọc Oyama Kaido. Chỉ có các cơ sở giải trí phát triển dọc Tokaido, tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ với những khu vực phát triển nhờ vận chuyển nguyên liệu vào thành thị. Từ hướng này, hàng hóa được mang vào bằng các tàu chuyên chở và những lữ khách trực tiếp vào thành. Cơ hội buôn bán duy nhất là các cơ sở kinh doanh ăn uống cho lữ khách.
Loại hình khu vực thương mại thứ ba là khu vực giải trí. Theo mô tả của bản đồ năm 1744, các cơ sở tôn giáo nằm cách trung tâm Edo khá xa mà trong thời kỳ này đi bộ là hình thức đi lại chủ yếu nên nhu cầu về một điểm dừng chân là lẽ tự nhiên. Trong giai đoạn đầu, những khu vực giải trí chỉ là một nhóm các quán trà và cuối cùng phát triển thành những khu giải trí có quy mô đầy đủ với các quán ăn uống. Đôi khi những quán hàng này còn thuê đất của chùa để kinh doanh và khoản tiền thuê này đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của nhà chùa. Do vậy, các ngôi chùa đôi khi bảo vệ cho loại hình phát triển này. Các kỹ viện không thuộc quản lý của các cơ sở tôn giáo mà thuộc quyền quản lý của Machibugyo, và một khu vực kỹ viện tự do đã phát triển xung quanh chùa chiền. Nhưng nó cũng tạo ra các tệ nạn xã hội mà điển hình là sự suy đồi đạo đức cộng đồng.
Khu vực của thị dân
Khu vực của thị dân là một xã hội thu nhỏ, nó còn được gọi là
machikata (町方, đinh phương). Trong khu sinh sống của tầng lớp thị dân, người ta chọn ra một trong số những những người có sở hữu nhà đứng ra quản lý dựa trên luật lệ, nguyên tắc của khu vực. Ở các khu sinh sống của thị dân có rất nhiều loại nhà như nhà thuê để ở, nhà xây dựng trên đất thuê hay cửa hàng thuê…
Hình 2.15: Cửa hàng bán Kimono ở khu thị dân
Trung tâm khu vực sinh sống của thị dân là khu hạ phố (shitamachi) từ Nihonbashi đến Kyobashi. Trong đó, khu Kanda ở phía Bắc Nihonbashi là khu vực của thợ thủ công, còn về phía Nam của Kyobashi là khu vực của thương nhân. Nihonbashi là cây cầu được xây dựng từ năm 1603. Tất cả những đường cái quan từ Edo đều bắt đầu từ Nihonbashi. Đây là trung tâm của thành thị, là nơi người, hàng hoá và tiền bạc tập trung về nên lúc nào cũng tấp nập người qua lại.
Hình 2.16: Quang cảnh Nihonbashi vào buổi sáng (tranh khắc gỗ Nihonbashi asa no kei)
Do Edo là một thành thị ven biển nên chợ cá cũng là một đặc trưng của khu thị dân. Cứ mỗi buổi sáng, chợ cá lại thu hút rất nhiều khách hàng đến mua bán, trao đổi tấp nập, nhộn nhịp. Quang cảnh chợ cá ở Nihonbashi được thể hiện sinh động trong tranh khắc gỗ có tên Nihonbashi Uoichi Hanei no Zu của Utagawa Kuniyasu.
Hình 2.17: Quang cảnh chợ cá
(Nguồn: Tạp chí Nipponia, số 25, 2003)
Về nhà cửa, giai cấp lao động ở Edo thường sống trong những gian nhà chung cư dài bằng gỗ gọi là nagaya. Một căn phòng trung bình khoảng từ 12 đến 16m2
. Edo có khoảng 500.000 người thuộc các tầng lớp bình dân và hầu hết họ sống trong các nagaya. Nhiều người kiếm sống bằng nghề thợ mộc và chế biến gỗ hoặc buôn bán, có thể là bán cá hay rau quả.
Nhà dài nagaya có thể nói là một đặc trưng của khu vực thị dân nói
riêng và Edo nói chung. Cùng với sự phát triển của thành thị cũng sự phân hoá sâu sắc các tầng lớp trong xã hội nên số người rời bỏ làng quê đến Edo tăng đáng kể. Chính vì vậy, nhà cho thuê, cửa hàng cho thuê cũng nhờ đó mà đóng một vai trò quan trọng trong jokamachi Edo.
Hình 2.18: Căn phòng nagaya
(Nguồn: Tạp chí Nipponia, số 25, 2003)
Hệ thống giao thông đường thủy
Các con kênh ngoài được hoàn thành và nối với sông Kanda sau trận hỏa hoạn Meireki. Hệ thống kênh rạch được cải thiện này là tuyến vận chuyển hiệu quả duy nhất hàng hóa và nguyên liệu. Do đó các cơ sở buôn bán, đặc biệt là của các thương nhân bán buôn, thường tập trung dọc theo các con kênh. Các con kênh được đào trên sườn đồi với mục đích phòng thủ quân sự. Con
kênh ngoài sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù và con kênh đủ rộng để bảo vệ khu vực bên trong khỏi các loại súng hỏa mai thời kỳ này. Nếu kẻ thù bao vây hoàn toàn thành thị, người dân cũng có thể tiếp cận với vịnh Edo để nhận tiếp tế và phản công. Họ cũng có một tuyến phòng thủ tại lối vào vịnh và trên bờ dọc theo vịnh. Nếu kẻ thù tấn công từ cả trên bộ lẫn từ ngoài vịnh, tất cả các khu vực do kênh rạch chia cắt sẽ trở thành những điểm riêng lẻ để bảo vệ công sự chính.
Kênh đào cũng là một yếu tố quan trọng khác trong đời sống thành thị. Người dân Edo cũng thường dùng thuyền bè để vận chuyển người và hàng hóa với số lượng lớn. Nhiều nhà thuyền cũng được đóng với mục đích tiêu khiển. Để thư giãn, người ta thuê nhà thuyền tại nhiều điểm khác nhau để đi tới các khu vui giải trí như Yoshiwara hay Fukagawa. Sự xuất hiện của những con kênh này trong các bài hát, thơ ca cho thấy vai trò không thể tách rời của chúng trong đời sống của thị dân và Edo.
Hình 2.19: Thuyền bè trên sông Sumida
Tiểu kết: Tóm lại, Edo với tư cách là đại bản doanh của Mạc phủ đã mang rất rõ những đặc trưng của thành thị Nhật Bản thời cận thế. Không chỉ có những đặc trưng về mặt cấu trúc, kiến trúc mà Edo còn mang đặc trưng của