Như đã phân tích, một chính sách tín dụng bao gồm các yếu tố về quy mô và giới hạn cho vay, cơ cấu danh mục cho vay, uỷ quyền, định giá cho vay, việc xác định địa bàn hoạt động, các tiêu chuẩn chất lượng tín dụng, quá trình giám sát tín dụng.
Đối với chi nhánh, để đề ra chính sách cho vay tiêu dùng hiệu quả bao gồm việc mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay, trước hết chi nhánh cần phải xác định mục tiêu và vị trí ( thị phần cho vay ) trên thị trường này. Để xác định thị phần cần có sự thống kê, so sánh dư nợ, số lượng khách hàng của chi nhánh với các ngân hàng khách. Trên cơ sở biết được đối tượng phục vụ và vị thế , chi nhánh mới đề ra được chính sách cho vay cụ thể. Chính sách cho vay tiêu dùng có thể căn cứ một số điểm sau :
Mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng : Ngân hàng nên mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng với những người có thu nhập ổn định, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Họ là những người trẻ, năng động, có trình độ, có tiền và biết tiêu tiền đặc biệt là đối với những sản phẩm dịch vụ có thể giúp họ tự khẳng định mình. Ngân hàng có thể lợi dụng mối quan hệ đối với các công ty lớn để thiết lập mối quan hệ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng là nhân viên của các cơ quan này.
Đa dạng hoá các sản phẩm cho vay tiêu dùng: các sản phẩm cho vay tiêu dùng không chỉ dừng lại ở các sản phẩm như cho vay mua nhà, mua xe có bảo đảm, cho vay du học…mà nên mở rộng với những hình thức cho vay khác nhau như cho vay bằng tài sản hình thành từ tiền vay, cho vay qua thẻ tín dụng…
Xây dựng chiến lược giá cả hợp lý : giá cả trong tín dụng được hiểu là lãi suất. Như phân tích ở trên, khách hàng vay tiêu dùng ít quan tâm đến lãi suất vay, cái họ đặt lên hàng đầu là mức độ thoả mãn nhu cầu. Song, trong
giai đoạn hiện nay, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, lãi suất lại là một nhân tố cạnh tranh. Vì vậy việc xây dựng chính sách hợp lý về lãi suất là điều cần thiết đối với ngân hàng.
Ngân hàng nên có chính sách ưu tiên lãi suất cho vay đối với khách hàng truyền thống và khách hàng có tài khoản tại ngân hàng. Đối với khách hàng truyền thống là người có quan hệ giao dịch nhiều lần đối với ngân hàng, thông tin khách hàng, khả năng trả nợ của khách hàng, tư cách đạo đức khách hàng phần nào được biểu hiện qua những lần giao dịch trước, ngân hàng tốn ít chi phí trong việc hướng dẫn, thẩm định khách hàng…. tức là ít tốn chi phí hơn đối với các khoản cho vay. Vì vậy, ngân hàng nên đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn đối với khách hàng mới. Đây là điều cần thiết để vừa giữ chân khách hàng, vừa có khách hàng có ít rủi ro đối với cho vay tiêu dùng. Đối với những khách hàng có tài khoản tại ngân hàng, đó cũng là nguồn tài chính đảm bảo nghĩa vụ thực hiện trả tiền vay của khách hàng, ví như khách hàng vì lý do nao đó thực hiện chậm trễ trả nợ vay khi đến kỳ hạn trả nợ, ngân hàng có thể trích từ tài khoản tiền gửi thực hiện tạm thờinghĩa vụ đó. Điều này cũng làm giảm rủi ro đối với các khoản cho vay của ngân hàng. Vì vậy, đối với đối tượng cho vay này, ngân hàng cũng nên đưa ra một mức lãi suất ưu đãi hơn.