Đánh giá hoạt động của TTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu Vai trò của nguồn vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán (Trang 46)

II. Tổng quan về thị trường chứngkhoán Việt Nam

4. Đánh giá hoạt động của TTCK Việt Nam

4.1.Những ưu điểm

Qua hơn 3 năm hoạt động TTCK đã đạt được một số kết quả:

- Chúng ta đã mở ra được một TTCK theo mô hình tập trung với qui mô nhỏ. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình mở cửa và hội nhập, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ khu vực, TTCK Việt Nam vẫn ra đời và đi vào hoạt động. Hoạt động của TTCK mặc dù chưa phát triển như mong muốn song bước đầu đã triển khai khá suôn sẻ, không gây ra những biến động lớn hoặc tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

- TTCK Việt Nam đã bước đầu hình thành một hệ thống các tổ chức niêm yết với tổng giá trị niêm yết là 6.657 tỷ đồng và tổng giá trị thị trường là 8.763 tỷ đồng; đã huy động được một khối lượng vốn đáng kể cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu và bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Quĩ hỗ trợ phát triển để niêm yết trên thị trường (trên 4.000 tỷ đồng). Các công ty niêm yết bước đầu đã thực hiện phát hành cổ phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn điều lệ với tổng giá trị tăng thêm là 155,4 tỷ đồng (tính đến thời điểm tháng 7 năm 2003).

- Xây dựng được một hệ thống các tổ chức trung gian tham gia hoạt động trên TTCK, bao gồm 12 công ty chứng khoán, 5 ngân hàng lưu ký và 1 ngân hàng chỉ định thanh toán. Các trung gian tài chính đã thể hiện được vai trò của mình trong việc triển khai các nghiệp vụ

môi giới, bảo lãnh phát hành và tư vấn cho các công ty trong việc niêm yết và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, thực hiện tốt các giao dịch chứng khoán trên thị trường.

- Xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn về hoạt động và quản lý thị trường, bước đầu đảm bao cho sự vận hành của thị trường diễn ra suôn sẻ, không gây những biến động lớn.

- Hoạt động quản lý, vận hành thị trường của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Giao dịch chứng khoán đã có nhiều cải tiến và từng bước hoàn thiện trên cơ sở rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn. Đã có các giải pháp kịp thời, đảm bảo cho thị trường hoạt động ổn định, công khai, công bằng và hiệu quả, không để xảy ra những hậu quả bất ổn đáng tiếc.

- Các chủ thể tham gia TTCK và công chúng đầu tư đã dần làm với một phương thức đầu tư mới với khoảng 14.500 nhà đầu tư, trong đó co hơn 90 nhà đầu tư có tổ chức và 35 nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng tham gia thị trường tích cực và hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động của thị trường, các công ty niêm yết, công ty chứng khoán tận dụng được những lợi thế mà thị trường đem lại. Các công ty đã cải tiên phương thức hoạt động, công khai hoá thông tin, nâng cao vai trò quản trị công ty, nhờ vậy mà vị thế và uy tín của công ty được nâng lên.

- Đã đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chứng khoán và thị trường cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành thị trường. Thực hiện đào tạo và cấp giấy phép hành nghề cho các nhân viên kinh doanh của các Công ty chứng khoán và tổ chức lưu ký. Ngoài ra, công tác đào tạo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTCK đã luôn được chú trọng và đóng góp đáng kể trong việc cung cấp kiến thức cơ bản cũng như hiểu biết pháp luật về chứng khoán và TTCK cho công chúng.

- Hoạt động của TTCk cũng đã góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, gắn quá trình cổ phần hoá với niêm yết chứng khoán trên TTCK. Từng bước hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng điều lệ mẫu và sử dụng những thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty, tạo ra nét văn hoá mới trong quản trị kinh doanh.

4.2. Những hạn chế

- Khung pháp lý cho vận hành thị trường chưa được hoàn thiện, văn bản pháp lý cao nhất của thị trường hiện nay là Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ được soạn thảo và ban hành trong điều kiện TTCK ở Việt Nam chưa đi vào hoạt động, do vậy, qua một thời gian hoạt động một số nội dung không còn phù hợp với hoạt động của thị trường hiện tại cũng như với nội dung mới của Luật Doanh nghiệp. Khi Dự thảo nghị định

thay thế Nghị định 48/NĐ-CP vẫn trong quá trình thẩm định để ban hành, làm cho nhiều văn bản hướng dẫn rất khó thực hiện.

- Hàng hoá trên TTCK tuy đã tăng về số lượng nhưng thực sự là chưa nhiều và chưa đa dạng về chủng loại, trong đó khối lượng trái phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn, nhưng giao dịch chứng khoán trên thị trường chủ yếu tập trung vào cổ phiếu. Cổ phiếu niêm yết phần lớn cổ phiếu của các DNNN CPH (21/22 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường- tính đến thời điểm hiện nay) là những doanh nghiệp có tình hình tài chính tương đối lành mạnh, hoạt động có hiệu quả nhưng đa phần vồn kinh doanh nhỏ.

- Về hoạt động kinh doanh và quản trị của các Công ty niêm yết. Hiện tại, các công ty có tỷ lệ doanh thu cao nhưng phần lớn các công ty có qui mô vốn nhỏ; sản phẩm của các công ty này có khả năng cạnh tranh còn khiêm tốn trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường nước ngoài; cơ chế quản trị công ty, chế độ kế toán, kiểm toán có những điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bước đầu tham gia thị trường các tổ chức niêm yết chưa thấy hết được tầm quan trọng của công việc công khai thông tin. Do đó chưa chủ động, tự giác cung cấp thông tin cho công chúng đầu tư, chính điều này phần nào ảnh hưởng đến lòng tin và quyết định tham gia thị trường của người đầu tư.

- Hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, còn hạn chế về mô hình tổ chức và trình độ kỹ thuật. Do TTGDCK là một đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBCKNN kiêm thêm chức năng lưu ký, đăng ký, thanh toán bù trừ chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu của thị trường. Về lâu dài, Trung tâm giao dịch cần phải được tổ chức lại theo hướng nâng cao tính tự chủ trong việc tổ chức vận hành hoạt động của thị trường. Bộ phận lưu ký, đăng ký, thanh toán cần hải được tách biệt thành một trung tâm độc lập, có chức năng chuyên trách để có thể phát triển theo hướng chuyên sâu và mở rộng qui mô hoạt động. Về năng lực kỹ thuật, hệ thống giao dịch hiện nay của TTGDCK chỉ là hệ thống bán tự động với mạng cục bộ, năng lực hoạt động còn hạn chế, mức độ tự động hoá của các hệ thống còn thấp dẫn đến công suất và hiệu quả chưa cao và khó khăn trong việc thực hiện chức năng giám sát thị trường. Hệ thống công bố thông tin thị trường hiện nay tuy đã cung cấp được một số thông tin về giá, khối lượng chứng khoán giao dịch hàng ngày, tuy nhiên lượng thông tin cung cấp một mặt chưa đáp ứng nhu cầu của các đối tượng tham gia thị trường, đặc biệt là các thông tin về Công ty niêm yết, thông tin về quản lý thị trường.

- Hoạt động của các tổ chức trung gian và hỗ trợ thị trường còn nhiều hạn chế. Qua gần 3 năm hoạt động các Công ty chứng khoán đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều mặt hạn chế, như: Thứ nhất, đội ngũ cán bộ nhân viên kinh doanh còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, chưa thực sự phát huy vai trò trung

gian, kích hoạt thị trường; Thứ hai, các Công ty chứng khoán mới chủ yếu triển khai được nghiệp vụ môi giới và tự doanh, chỉ một vài công ty triển khai thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và chủ yếu là bảo lãnh phát hành trái phiếu; Thứ ba, chát lượng dịch vụ Công ty chứng khoán cung cấp cho khách hàng chưa cao, qui trình nghiệp vụ của Công ty chứng khoán đôi lúc còn chưa làm người đầu tư thực sự tin tưởng.

- Về vấn đề thông tin TTCK. Qua thực tiễn hoạt động thị trường cho thấy, vấn đề nổi cộm hiện nay là việc cung cấp thông tin của các đối tượng tham gia thị trường, đặc biệt tổ chức niêm yết. Nhận thức về nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp chưa cao, công ty chậm công bố thông tin hoặc chỉ công bố những thông tin có lợi cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã lúng túng về công bố thông tin khi gặp phải các sự cố liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, chi trả cổ tức, gây tâm lý hoang mang cho công chúng đầu tư.

- Công tác quản lý thị trường còn lúng túng và chưa thực sự đồng bộ. Bên cạnh những vấn đề tồn tại liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự quản lý, các chính sách, biện pháp quản lý TTCK thời gian qua cnf thể hiện sự thiếu chủ động và thiếu kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý thị trường. Việc quản lý giám sát thị trường chưa có kinh nghiệm nên chưa kịp thời xử lý các tình huống, đặc biệt là lúc thị trường lên xuống thất thường; quản lý công bố thông tin của các tổ chức niêm yết, giám sát hoạt động của các Công ty chứng khoán còn hạn chế.

- Chưa có thị trường giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp hiện có. Việc giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp này diễn ra trên thị trường tư do, chưa đưa vào quỹ đạo quản lý của nhà nước, nên chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn, cần sớm tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- TTCK Việt Nam vẫn chưa thực sự thu hút được đông đảo các nhà đầu tư, đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức, điều này dẫn đến hệ quả là thị trường dễ biến động do tác động tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa huy động tiềm năng đầu tư lớn của các tổ chức.

III. THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI QUA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Vai trò của nguồn vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán (Trang 46)