Bã nấm men được tiến hành nghiên cứu và sử dụng ở Việt Nam từ vài năm trở lại đây, song song với sự phát triển của ngành thực phẩm đồ uống. Và hiện nay trở thành một sản phẩm được quan tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam nói chung và công nghệ sản xuất bã men nói riêng đã và đang có những bước tiến vượt bậc. Sản lượng bia của nước ta không ngừng tăng. Năm 2010, sản lượng bia là 3,0 tỷ lít tương ứng với 30 triệu tấn sinh khối nấm men thải ra [13,15]. Nước ta tiến hành nghiên cứu thành công rất nhiều đề tài về tận dụng nguồn bã men bia để sản xuất thức ăn gia súc. Năm 2003, tác giả Phạm Thu Hà, Nguyễn Thị Thu Vinh tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tận dụng nguồn nấm men bia dư thừa để sản xuất men chiết suất làm gia vị thực phẩm” [9]. Năm 2008 Viện Chăn Nuôi đã nghiên cứu thành công đề tài: “Chế biến nấm men từ phế phụ phẩm sản xuất bia làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” [15]. Sản phẩm sấy phun ở dạng bột có chất lượng cao, hàm lượng protein 47 – 48% với sự có mặt đầy đủ của các axit amin không thay thế [13,15]. Năm 2009, Trung tâm Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm Hà Nội (Sở KH&CN Hà Nội) đã nghiên cứu thành công đề tài (mã số DL/09 – 2006 – 2): “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy phun để thiết kế chế tạo thiết bị sản xuất bột đậu nành uống liền và bột nấm men giàu protein và khoáng chất”, do Thạc sĩ Nguyễn Phương chủ trì [14]. Sau sấy phun thu được sản phẩm bột nấm men có hàm lượng protein 47,5% và khoáng chất 6% [14]. Bột nấm men được phối trộn với bột canh tạo ra một loại bột nêm có độ ngọt đạm cho gia vị. Bước đầu tạo ra bột nấm men giàu protein và khoáng chất có chất lượng cao từ bã nấm men bia sử dụng làm thức ăn cho người.
Những thành tựu đạt được trong nghiên cứu là rất đáng kể nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục để tạo bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là ngành chưa có một quy hoạch phát triển toàn diện.
Hiện tượng các cơ sở thu mua bã nấm men tự phát phát triển mạnh, ta không kiểm soát được vùng nguyên liệu lấy sinh khối nấm men, khó xác định được nguồn gốc và không lấy được lòng tin của nhà sản xuất bia để họ bán lại lượng nấm men dư thừa. Các phương pháp xử lý bã nấm men, hay cách sử dụng nguồn nguyên liệu quý này cũng chưa hợp lý, hơn 90% là dùng tươi, làm giảm giá trị và lãng phí. Công nghiệp chế biến vừa yếu vừa thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng được vào sản xuất trên quy mô công nghiệp… Những nguyên nhân đó đã khiến ngành sản xuất bột nấm men không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành sản xuất bột dinh dưỡng tương tự như bã đậu tương, khô dầu, cám gạo… và cũng không đủ mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới.
Ngành sản xuất bột nấm men ở Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của ngành đầy tiềm năng này. Ví dụ như mở rộng quy mô sản xuất thực phẩm đồ uống, đặc biệt là tăng sản lượng bia. Quy hoạch phát triển ngành một cách toàn diện. Có nhiều dự án đầu tư để phát triển ngành. Nâng cao chất lượng bã nấm men. Đầu tư hơn nữa vào khâu chế biến để tạo sự đa dạng về mặt hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, mở rộng thị trường…
Khó khăn còn nhiều nhưng ngành sản xuất bột nấm men sẽ từng bước tháo gỡ, hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu lớn cho quốc gia và cho nhà sản xuất, giải quyết được vấn đề thiếu hụt protein hiện nay và vấn đề ô nhiễm môi trường.