Nội dung cốt lõi của tư tưởng đạo đức trong Kinh Thánh

Một phần của tài liệu Tư tưởng Nhân học xã hội trong Kinh Thánh (Trang 88)

8. Bố cục của luận văn

2.2.3. Nội dung cốt lõi của tư tưởng đạo đức trong Kinh Thánh

Kinh Thánh mặc dù dựa trên quan điểm duy tâm, siêu hình, hướng con người về một Thiên Chúa duy nhất và toàn năng, nhưng lại thông qua các biểu tượng và những suy tư của con người trong các nền văn minh. Đó là nền văn minh Do-thái xen lẫn văn minh Ai-cập, Lưỡng Hà, nhất là văn minh La-mã đã

được Hy-lạp hóa. Nói cách khác, Kinh Thánh là sự kết tinh của nền văn minh phương Tây cổ trung đại, nó hàm chứa hệ thống quan điểm nhân học xã hội có những giá trị đã và đang ảnh hưởng nhất định đến lịch sử nhân loại.

Đạo đức học Ki-tô giáo là di sản của nền văn minh phương Tây cổ trung đại hàm chứa trong Kinh Thánh, gồm Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là giao ước cũ của Chúa với dân Chúa chọn - dân Do Thái hay ít-ra-en. Tân Ước là lời giao ước mới của Chúa với nhân loại. Để thực hiện lời ước này, Chúa Cha đã gửi Con Một của mình là Giê-su Ki-tô (Đấng Cứu Thế) đến với nhân loại. Đó là Đấng vừa là người thật vừa là Chúa thật, đã chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội thay cho loài người. Chúa Giê-su được coi là người sáng lập ra Ki-tô giáo - một tôn giáo có nội dung đạo đức học yêu thương tha nhân rất đậm nét. Tình yêu Ki-tô giáo là ân sủng, được phổ biến không những cho những người yêu thương Chúa mà còn cho cả kẻ thù. Chính tình yêu Ki-tô giáo làm cho con người trở nên hoàn hảo: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), [38, tr.1594]. Tân Ước không chỉ là sự tiếp nối mà đã vượt lên trên Cựu Ước, vì Luật pháp đã ban cho qua Mô-sê, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Ki-tô mà đến.

Ki-tô giáo đã tiếp thu, chỉnh lý Mười điều răn của Mô-sê trên một tinh thần mới. Chúa Giê-su nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17), [38, tr.1590]. Thật vậy, Lề Luật của Mô-sê cấm giết người, nhưng Chúa Giê-su còn cảnh cáo chống lại sự căm giận hủy diệt tâm hồn con người: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22), [38, tr.1591]. Lề Luật của Mô-sê trừng trị kẻ ngoại tình, nhưng Chúa Giê-su còn phán xét cả ý tưởng dâm dật cũng là tội lỗi ngang với ngoại tình, rằng “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28), [38, tr.1591-1592]. Lề Luật Mô-sê cho phép “ơn đền ơn, oán trả oán”, còn Chúa Giê- su dạy: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39), [38, tr.1593]. Lề luật Mô-sê dạy “hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt

5,43), [38, tr.1593], còn Chúa Giê-su Ki-tô dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), [38, tr.1593].

Đạo lý nhân học xuyên suốt của Kinh Thánh chi phối cả Cựu Ước và Tân Ước được biểu hiện qua Mười điều răn của Chúa quy vào hai nội dung căn bản nhất là mến Chúa và yêu người, trở thành tôn chỉ mục đích của đạo. Trong Cựu Ước, đạo lý này do tổ phụ Mô-sê nêu lên và được các tiên tri trình bày bằng cách hoặc lên án các vua chúa hoặc khuyên răn người Do-thái tuân giữ. Trong Tân Ước, đạo lý đó đã được Chúa Giê-su công khai thừa nhận, nâng lên tầm cao mới và giáo huấn dân chúng. Khi trả lời một tư tế Do-thái hỏi về giới răn nào lớn nhất trong Lề Luật Mô-sê, “Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người lân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40), [38, tr.1639].

Theo quan điểm của thần học Ki-tô giáo, hai giới răn này thống nhất với nhau tạo nên một chỉnh thể không thế tách rời. Khi giảng về lời phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su đặt câu hỏi: có bao giờ Chúa thấy đói mà cho ăn, thấy khát mà cho uống, thấy khách lạ mà tiếp đón, thấy không có quần áo mà cho mặc, thấy ốm đau mà thăm hỏi,… rồi trả lời: “Ta bảo thật các người: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), [38, tr.1648]. Theo quan điểm đó, khi yêu mến người khác hết mình chính là họ đã yêu mến Chúa. Điều đó có nghĩa là, con người khi yêu tha nhân đồng loại như yêu Chúa, thì tình yêu đó mới tránh được tính chất vị kỷ đầy dục vọng của tình yêu trần thế. Mặt khác, khi yêu Chúa như yêu người khác thì tình yêu đó mới có giá trị đích thực. Như vậy, đạo lý của Ki-tô giáo được kết hợp, hòa quyện với nhau bởi hai yếu tố mến và yêu tạo nên một chỉnh thể không thể tách rời, bổ sung cho nhau. Chúa là nhất (một), tha nhân là đa (nhiều) tạo nên sự tương dung trong một có nhiều, trong

nhiều có một. Nghĩa là trong Chúa có tha nhân, trong tha nhân có Chúa. Đây cũng là quan niệm khá phổ biến trong quan điểm triết học của các tôn giáo phương Đông. Theo quan điểm của thần học Ki-tô giáo, đạo lý này cần thiết cho con người để sống có hạnh phúc. ở đâu thấm nhuần đạo lý này thì ở đó có sự hạnh phúc, an lạc, còn ở đâu thiếu đạo lý đó thì con người lầm than, đau khổ.

Theo quan điểm thần học Ki-tô giáo, để đạt được lý tưởng hòa quyện giữa hai giới răn “mến Chúa và yêu người” là rất khó thực hiện đối với con người. Do đó, Thiên Chúa phải giáng thế nhập thể làm người, nêu gương mẫu mực về sự hòa quyện hai giới răn đó cho con người noi theo. Đó chính là lý do xuất hiện của Chúa Giê-su Ki-tô vừa với tư cách là người thật (sinh ra bởi bà Ma-ri-a, một con người bằng xương bằng thịt), vừa là Chúa thật (là Thiên Chúa giáng sinh nơi cung lòng Đức Ma-ri-a đồng trinh do quyền phép Chúa Thánh Thần). Chính vì vậy, Chúa Giê-su đã được Kinh Thánh xây dựng thành một con người luôn thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người. Sứ mệnh của ngài là làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người để cho đạo lý trên đạt kết quả. Trong lời cầu nguyện với các môn đệ trước khi tử nạn, chính Chúa Giê-su đã nói lên điều này: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21), [38, tr.1856].

Chúa Giê-su không chỉ là tấm gương nêu cao đạo lý “mến Chúa và yêu người” mà còn chịu chết trên cây thập tự để minh chứng cho đạo lý ấy và thức tỉnh nhân loại. Điều này đã được Ngài nhiều lần nêu lên, nhất là trong bữa tiệc ly với các môn đệ. Trong lời trăng trối cuối cùng, Ngài nói: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,18-19), [38, tr.1856]. Căn cứ vào điều đó, thần học Công giáo đã xây dựng nên “thuyết biến thể”, tức là biến mình và máu Chúa Giê-su trở thành bánh và rượu thánh để Chúa Giê-su trở thành Đấng trung gian cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, đồng thời để Thiên Chúa ở lại với con người trên thế gian cho đến

ngày tận thế, như lời nguyện cầu: “Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên – Chúa – ở - cùng - chúng - ta”” (Mt 1,23), [38, tr.1583].

Đạo lý “mến Chúa, yêu người” vốn xuất phát từ trong Cựu Ước, nhưng so với Tân Ước có những điểm khác nhau. Đối với người Do-thái cổ, họ cũng có quan niệm Thiên Chúa (Gia-vê) hiện hữu nhưng xa cách con người. Thiên Chúa là Đấng rất nghiêm khắc luôn sẵn sàng trừng phạt con người. Để đến được với Thiên Chúa cần phải có nhiều nghi thức và lễ vật. Cũng có một số nhà tiên tri nói đến một Đấng Gia-vê nhân từ không cần lễ vật, chỉ muốn con người sống công chính là được, nhưng nhìn chung, người Do-thái quan niệm Thiên Chúa là Đấng xa cách với con người, Người cao sang, nghiêm nghị. Nói cách khác, người Do-thái quan niệm về một Thiên Chúa ở ngoài con người. Mặt khác, Thiên Chúa đã chọn và chỉ yêu thương dân Người tuyển, đó là dân tộc Do-thái mà thôi. Vì vậy, trong quá khứ (thời Cựu Ước), người Do-thái không nhận ra một Thiên Chúa đầy yêu thương, giản dị, gần gũi với con người như Chúa Giê- su của Ki-tô giáo. Hơn nữa, họ cũng không chấp nhận có một Thiên Chúa luôn ngự ở trong con người như Ki-tô giáo.

Nhưng đến Tân Ước với sự xuất hiện của Chúa Giê-su Ki-tô đã tạo ra một cuộc cách mạng về tôn giáo trong lĩnh vực thần học. Thần học Ki-tô giáo đã tạo dựng nên một Thiên Chúa – Chúa Giê-su Ki-tô không những khoan dung, tha thứ, yêu thương, chịu đựng mà còn hiện diện trong lòng tín hữu bất kể họ là dân Do-thái hay không, bất kể họ thuộc chủng tộc, màu da, địa vị xã hội miễn là họ sống công chính. Cuộc cách mạng thần học đó đã đổi mới Do-thái giáo cổ đại thành Ki-tô giáo - một tôn giáo hướng về tâm đạo. Bởi vì, quan niệm Thiên Chúa hiện diện nội tại trong con người, cho nên con đường dẫn đến Thiên Chúa không đặt nặng nghi lễ vật chất mà chỉ cần đi sâu vào nội tâm sống đạo để gặp Chúa [76, tr.1154-1158]. Mặt khác, Ki-tô giáo còn đề cao tình yêu tha nhân, đó là việc trước khi dâng lễ vật lên bàn thờ mà còn có điều gì bất hòa với người khác thì hãy về hòa giải xong đã, như Chúa Giê-su đã dạy: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với

anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24), [38, tr.1591]. Hơn nữa, Ki-tô giáo chủ trương tìm Thiên Chúa trong tha nhân.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Nhân học xã hội trong Kinh Thánh (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)