8. Bố cục của luận văn
2.2.1. Quan hệ giữa con người với con người thể hiện trong Mười điều răn
răn của Chúa
Sự kết tinh tư tưởng nhân học triết học của Kinh Thánh thể hiện rõ nhất trong Mười điều răn của Chúa. Đó là vấn đề đóng vai trò nền tảng, cơ sở cho việc điều tiết quan hệ giữa cá nhân với nhau. Trong Mười điều răn, chỉ có ba điều răn đầu tiên có liên quan tới thái độ đối với Chúa Trời, bảy điều răn còn lại thể hiện rõ sự phân cấp giá trị trong quan hệ với tha nhân của quan điểm nhân học xã hội Ki-tô giáo. Trước hết cần lưu ý rằng, Mười điều răn lần đầu tiên được trình bày trong sách “Xuất hành”, nhưng dưới hình thức khác so với hình thức hiện nay. Sách Xuất hành viết: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ đến ngày sa-bát, mà coi ngày đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất,
biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh. Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,2-17), [38, tr.142-144].
Từ Mười điều răn mà Thiên Chúa ban cho dân ít-ra-en qua Mô-sê trên núi Xi-nai gọi là giao ước nêu trên, Thánh Au-gút-ti-nô đã biên soạn lại và Giáo Hội trình bày “Mười điều răn” dưới hình thức như hiện nay:
1. Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
2. Chớ kêu tên Đức Chúa Trời một cách vô cớ. 3. Giữ ngày Chúa Nhật.
4. Thảo kính cha mẹ. 5. Chớ giết người. 6. Chớ làm sự dâm dục. 7. Chớ lấy của người. 8. Chớ làm chứng dối.
9. Chớ muốn vợ, chồng người.
10. Chớ tham của người [90, tr.157].
Như vậy, chỉ có ba điều răn đầu tiên có liên quan trực tiếp đến thái độ của con người đối với Chúa (tức đối với hiện thân của hệ giá trị nhân văn tối cao), bảy điều răn còn lại có liên quan đến thái độ, quan hệ của con người với tha nhân. Theo sự phân tích của Lý Minh Tuấn, thực ra chỉ có 2,5 điều răn dành cho Thiên Chúa, còn 7 điều răn thuộc về con người. Bởi vì, điều răn thứ 3 một phần dành để “mến Chúa” còn một phần dành để “yêu người”. Việc Chúa dạy đến ngày sa-bát, còn gọi là ngày “hưu lễ”, tức là nghỉ để làm lễ (đối với người Do-
thái là ngày thứ bảy, còn đối với người Công giáo là ngày chủ nhật), vừa kêu gọi người ta nhớ đến Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, kỷ niệm ngày Chúa hoàn tất công trình tạo dựng trời đất, vũ trụ, muôn loài và con người của mình, vừa để cho con người được nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tinh thần, đồng thời để cho tôi tớ trai gái, súc vật và khách cư ngụ cũng được nghỉ ngơi nữa [76, tr. 96]. Điều đó cho thấy, Mười điều răn của Do-thái giáo và Ki-tô giáo thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Tuy tách biệt như vậy, song có thể thấy nội dung của Mười điều răn là một thể thống nhất hòa quyện vào nhau: Kính Chúa và Yêu người. Kính Chúa là điều kiện để yêu người, yêu người là biểu hiện lòng kính Chúa. Không có tấm lòng kính Chúa thì khó có lòng yêu người chân thực. Yêu người chân thực là vì người chứ không vì mình. Ngược lại, nếu không yêu người chân thực cũng không gọi là mến Chúa, vì Chúa hiện diện trong tha nhân. Nếu không có định hướng giá trị nhân văn thì hà tất có thể nói đến tình yêu tha nhân chân thực. Yêu người chân thực là sống định hướng vào tha nhân, vì tha nhân, lấy tha nhân làm đối tượng của tư duy và hành động của mình. Yêu tha nhân chân thực là kính Chúa, vì tha nhân là hình ảnh của Chúa, vì Chúa hiện diện ở trong tha nhân. Trong thư gửi các tín đồ, Tông Đồ Gio-an viết: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8), [38, tr.2155]. Nhà thần học Tô-ma A-qui-nô viết: “Hãy yêu mến Thiên Chúa trước hết, rồi đến bản thân ngươi, sau đó hãy yêu thương gần mình nhất như chính bản thân mình. Nhưng trước tiên hãy tập yêu thương bản thân mình. Bởi vì nếu không yêu thương bản thân mình thì làm sao ngươi có thể yêu thương người gần mình một cách chân thật” [60, tr.310]. Đây là tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc vì nó nhìn nhận mọi người và mỗi người như một giá trị tự thân và tối cao. Chính I. Can-tơ đã tiếp thu tư tưởng này khi hình thành “Mệnh lệnh tối cao”.
Khác với thế gian là nơi có nhiều vua chúa tranh giành quyền lực với nhau, Ki-tô giáo khẳng định chỉ có một Thiên Chúa duy nhất sáng tạo ra vũ trụ vạn vật
và muôn loài. Như vậy, một điểm khác biệt căn bản về tính chất nhân văn của quan hệ với tha nhân trong văn hóa Ki-tô giáo so với văn hóa trước đó thể hiện ở luận điểm độc thần và tôn thờ một Thiên Chúa. Vấn đề là ở chỗ, văn hóa đa thần giáo thừa nhận những hệ thống giá trị (thần linh) khác nhau ở các nhóm người khác nhau trong xã hội. Điều này rất dễ dẫn đến sự xung đột về giá trị, về lý tưởng, dẫn đến cảnh huynh đệ tương tàn, khi mà mỗi nhóm người đều tự coi mình là “dân của Chúa”, “được Chúa tuyển”. Do vậy, chủ trương độc thần là có lợi cho nhân sinh, vì chỉ với quan niệm độc thần thì mới có thể đề cập tới sự bình đẳng của mọi người trước Chúa, tức trong việc tôn thờ và thực hiện bản tính người thánh thiện có trong mỗi con người. Tuy nhiên, chủ trương độc thần cũng có mặt hạn chế của nó, một khi nó bị lợi dụng hay đề cao một cách thái quá, chỉ coi Chúa của mình là trên hết, đạo của mình mới là đạo thật, còn các tôn giáo khác là tà đạo, dối trá cũng rất dễ dẫn đến nảy sinh xung đột mâu thuẫn như đã từng xẩy ra đối với Ki-tô giáo và Hồi giáo.
Điều đáng lưu ý là Mười điều răn coi tha nhân là giá trị tối cao khi nghiêm cấm việc sát hại đồng loại, kể cả súc vật để tế lễ Chúa, tức tha nhân luôn được đặt lên trên hết trong sinh hoạt tôn giáo. Không dừng lại ở đó, Ki-tô giáo coi thái độ căm ghét tha nhân là tội lớn nhất mà cha ông phạm phải đối với con cháu mình. Thiên Chúa sẽ “phạt tội con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20,5), [38, tr.143]. Điều này có ý nghĩa răn đe cũng giống như thuyết nhân quả của minh triết phương Đông. Điều quan trọng ở đây chính là vấn đề “di truyền xã hội”, tức cha ông cần phải sống ra sao để con cháu noi theo mình như một tấm gương đạo đức. Di sản tinh thần quý giá nhất mà cha ông để lại cho con cháu chính là tình yêu tha nhân với tư cách biểu hiện cao nhất của đạo đức làm người, biểu hiện rõ nhất “tính thánh thiện”, sự “giống như hình ảnh của Chúa” ở trong mỗi con người. Ngược lại, Mười điều răn cũng yêu cầu con cái phải “thảo kính cha mẹ”. Không dừng lại ở đó, Kinh Thánh còn yêu cầu không được làm hại đến đồng loại. Kinh Cựu Ước đưa ra “Luật vàng” dưới dạng chuẩn mực đạo đức ngăn cấm: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb
4,15), [38, tr.682), còn Tựu Ước lại nêu lên chuẩn mực ràng buộc: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12), [38, tr.1599]. Đây là một tư tưởng mang tính nhân văn rất sâu sắc, nó kết tinh văn hóa nhân văn của cả loài người và sẽ mãi mãi đi cùng với sự nghiệp làm người của loài người. Chính sự hy sinh của Chúa Ki-tô vì loài người là một tấm gương dành cho loài người chúng ta ở mọi thời đại lịch sử.
Mười điều răn của Chúa còn có giá trị định hướng lối sống của Ki-tô hữu vào tha nhân, lấy thái độ, quan hệ với tha nhân làm thước đo duy nhất và tối cao về nhân tính. Kinh Thánh lấy tình yêu chính mình làm thước đo tình yêu thương tha nhân: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Mt 12,31), [38, tr.1612]. Những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức của Ki-tô giáo dường như hết sức đơn giản, mang đậm sắc thái sinh hoạt đời thường, sắc thái “hiện sinh người”. Song, đó chỉ là cảm nhận ban đầu. Trên thực tế, tính xác thịt nơi con người lớn tới mức hàng ngày, hàng giờ, ở khắp nơi và mọi thời điểm, chúng ta không ngừng nhận thấy những biểu hiện muôn hình muôn vẻ của “thú tính” trong hành vi của con người, kể cả những con người tưởng chừng “đạo cao đức trọng”!
Đạo đức yêu thương tha nhân không dừng ở việc cấm đoán hành vi xấu xa, làm phương hại tha nhân, mà điều quan trọng hơn là nó cấm cả “mầm mống” của những hành vi như vậy. Ví như điều răn về chuyện ngoại tình, Chúa Giê-su cho rằng không những có hành vi mà ngay từ trong suy nghĩ đã cấu thành tội ngoại tình rồi (Mt 5,28), [38, tr.1591-1592], “không muốn của người, không tham của người”. Tha nhân ở đây không có ngoại lệ. Kinh Thánh cho rằng biểu hiện của tình yêu tha nhân phải đặc biệt chú ý đến sự tha thứ. Đó là sự tha thứ thực sự, vô tư và thật lòng. Đó là nghĩa vụ đầu tiên của người sống theo đức ái Ki-tô giáo. Nghĩa vụ này được đưa vào bài “Kinh lạy cha”- bài kinh đọc hằng ngày của mọi tín đồ Ki-tô giáo trên toàn thế giới xuất hiện trong sách Tin Mừng của Mát-thêu (Mt 6,9-13), [38, tr.1594-1595] và của Lu-ca (Lc 11,2-4), [38, tr.1762]: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi
người mắc lỗi với chúng con”. Điều này cho thấy yêu cầu đạo đức tình yêu tha nhân được phổ biến vào toàn thể nhân loại, vào tất cả những sinh linh mang thân phận người, thậm chí cả nô lệ, người mắc bệnh nan y, kẻ ngụ cư, v.v. Rõ ràng đây là một bước tiến vượt bậc của Ki-tô giáo so với Do-thái giáo cùng với luận điểm về “dân được Chúa chọn” của nó. Tư tưởng này hiện nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi lẽ tệ phân biệt đối xử, tệ phân biệt chủng tộc, tư tưởng “chủ nghĩa dân tộc là trung tâm” vẫn hoành hành, đã và đang đem lại những tổn thất nặng nề cho loài người.