Nội dung triết học của Ki-tô giáo

Một phần của tài liệu Tư tưởng Nhân học xã hội trong Kinh Thánh (Trang 44)

8. Bố cục của luận văn

1.2.2.Nội dung triết học của Ki-tô giáo

1.2.2.1. Chủ trương về một tôn giáo độc thần với chủ thuyết sáng thế

Sự xuất hiện của Ki-tô giáo với chủ trương xây dựng một tôn giáo độc thần với thuyết sáng thế đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy triết học. So với thế giới quan Ki-tô giáo, các tôn giáo tồn tại trước đó là đa thần giáo, và là sản phẩm sáng tạo đặc thù của một dân tộc cụ thể (tôn giáo dân tộc). Đây là các tín ngưỡng phổ biến của người Ai-cập, Hy-lạp cổ đại. Từ loại hình tín ngưỡng, tôn giáo này, hệ thống triết học cổ đại cũng ra đời. Việc các tôn giáo cổ đánh mất ảnh hưởng của mình và việc phổ biến Ki-tô giáo cũng có nghĩa là sự xuất hiện một triết học mới. Thuyết phổ biến (thuyết phổ độ toàn thể) về thế giới quan được khẳng định cùng với Ki-tô giáo, tức một loại hình triết lý mới phù hợp với thuyết phổ biến Ki-tô giáo. Loại hình này dựa trên những tư tưởng cơ bản của Kinh Thánh. Dưới dạng khái quát nhất, có thể trình bày những nội dung tư tưởng triết học cơ bản sau đây của Kinh Thánh.

Cũng là tôn giáo độc thần, nhưng Thiên Chúa (Gia-vê) của Do-thái giáo là một hình ảnh trừu tượng, siêu nhiên và có gì đó xa lạ với con người, ngược lại,

Chúa của Ki-tô giáo lại là một nhân cách cụ thể mà hiện thân chính là Đức Giê- su Ki-tô - Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người vừa là người thật, vừa là Chúa thật, rất gần gũi với con người song cũng rất huyền diệu. Có thể khẳng định tư tưởng về Chúa như một nhân cách thể hiện rõ nhất bước ngoặt về tư tưởng triết học của Ki-tô giáo so với tư tưởng triết học cổ đại. Thời cổ đại trước Ki-tô giáo đã không biết tới một thần linh duy nhất, kể cả Do-thái giáo dù đã biết tới một thần linh duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy không có nhân cách như Chúa Giê-su của Kitô giáo. Các thần linh của thần thoại Hy-lạp không phải là thần linh có nhân cách vì đặc điểm thần thánh duy nhất của chúng là sự bất tử. Chúng ra đời, chiến đấu với nhau, sinh đẻ, yêu ghét, thù hằn nhau giống như con người bình thường. Nhưng Kinh Thánh đã đưa ra được quan niệm về Chúa như một thần linh duy nhất và độc đáo; nhờ có tính thần thánh, Chúa hoàn toàn vượt lên trên con người và tự nhiên. Nếu triết học cổ đại đã tiến một số bước theo hướng nhận thức sự đặc thù về thần thánh, thì Ki-tô giáo đã đưa ra một quan niệm hoàn toàn độc đáo. Các nhà triết học cổ đại đã ý thức được tính chất nguy hại của việc sùng bái một hình tượng siêu nhiên, vô hình và bất định. Thần thánh trong triết học P-la-tôn là cái duy nhất, cái biểu thị tính chất tách biệt, có diện mạo. A-rít-tốt đã bổ sung cho nguyên tắc của P-la-tôn tư tưởng định hình và toàn vẹn. Trí tuệ thần thánh của ông là "hình thức của mọi hình thức". Nhưng bên cạnh một thần linh duy nhất, các nhà triết học cổ đại còn giả định sự tồn tại của những thần linh khác. Quan niệm của Kinh Thánh về Chúa độc đáo, vô tận về tiềm năng, khác hoàn toàn với mọi thần linh khác, đã loại trừ khả năng ngầm hiểu Chúa là một cái gì khác nào đó. Nói cách khác, Kinh Thánh đã loại trừ mọi hình thức của đa thần giáo và ngẫu tượng giáo.

Khác với thần linh trừu tượng của các nhà triết học cổ đại Hy-lạp, Chúa của Ki-tô giáo là một nhân cách. Thần linh của P-la-tôn là một điểm nằm xa vô hạn trong không gian và thời gian. Có thể hình dung thần linh này ít nhiều rõ ràng, chẳng hạn như là cái bao hàm trong mình bốn nguyên nhân, nhưng hoàn toàn không thể suy ngẫm về thần linh này như một nhân cách. Nhân cách Chúa của

Ki-tô giáo thể hiện rõ nhất ở hình ảnh Chúa Giê-su. Chính Chúa Giê-su bộc lộ tồn tại sâu sắc, phong phú và độc đáo nhất của một nhân cách. Quan niệm về nhân cách của Chúa Ki-tô cho phép hiểu được ý nghĩa độc thần của Ki-tô giáo. Chỉ Chúa có nhân cách mới có thể xác lập quan hệ tinh thần thân mật và yêu thương lẫn nhau giữa con người với Chúa. Đồng thời, bản chất cao thượng và đứng trên thế giới của Chúa cũng hoàn toàn đối lập với việc tôn thờ những "thần tượng thế tục", với thiên hướng của con người muốn thần thánh hóa những kẻ cầm quyền thế tục, những nhà tiên tri giả danh, những kẻ có kỳ vọng thống trị con người về mặt tinh thần.

Tư tưởng về Chúa như một nhân cách trực tiếp dẫn đến tư tưởng sáng thế.

Tư tưởng "sáng thế" là một trong những tư tưởng trung tâm của triết học Do-thái giáo mà Ki-tô giáo đã tiếp thu và nâng lên trên tầm cao mới. Kinh Thánh công khai khẳng định, Thiên Chúa là Đấng toàn năng sáng tạo ra trời đất, vũ trụ, sinh vật, con người và toàn bộ thế gian này. Các nhà thần học Ki-tô giáo nhấn mạnh rằng đây là sự sáng tạo ra từ hư không. Điều này chỉ ra tính tuyệt đối, toàn năng của Chúa. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa phán: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận” (Is 44,6), [38, tr.1235], nên Người không cần phải giới thiệu, Thiên Chúa hiện hữu và sự hiện hữu đó phải được công nhận như một sự khởi thuỷ mà không cần giải thích; Thiên Chúa không có nguồn gốc, không biến dịch. Chúa không bị giới hạn vào bất kỳ một cái gì, không có bên cạnh mình một bản nguyên vĩnh hằng nhưng không thần thánh. Chúa là tồn tại không được sáng tạo ra, nhưng mọi cái được Chúa sáng tạo ra (thế tục) chứ không phải là nó tồn tại như là tồn tại, không phải là tồn tại đích thực, mà chỉ có được tồn tại, nhận được tồn tại thông qua sự tham dự của Chúa vào tồn tại. Thiên Chúa còn là Đấng hằng sống, không bao giờ mệt mỏi và chán nản; Đấng không ngủ, không mê. Chính từ đây, Giáo Hội đưa ra quan niệm “Chúa quan phòng”, nghĩa là Chúa trông coi, cai quản mọi sự do Ngài tạo dựng bằng cách dùng quyền năng bao quát tất cả. Sự quan phòng của Thiên Chúa là sự quan phòng có tính phổ quát, vì

mọi biến cố, kể cả tư duy của con người cũng đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Quan điểm sáng tạo ra từ hư không được coi là thuyết sáng thế.

Thuyết sáng thế trong Kinh Thánh đã loại bỏ những trở ngại và mâu thuẫn mà tư tưởng triết học trước Ki-tô giáo đã vấp phải. Tư tưởng sáng tạo ra từ hư không của Ki-tô giáo đã tháo gỡ đầu mối của những mâu thuẫn mà triết học cổ đại trước đó không giải quyết được. Đó là mâu thuẫn giữa một và nhiều, giữa cái vô hạn và cái hữu hạn, giữa cái bất biến và cái thường biến, giữa cái siêu cảm tính và cái cảm tính, giữa cái tuyệt đối và cái tương đối, tức tất cả những vấn đề mà triết học Hy-lạp cổ đại đã vấp phải. Theo Kinh Thánh, thế giới là một xét về cội nguồn của mình vì chỉ có Chúa mới có tồn tại vô hạn, vĩnh hằng. Chúa không có sự bắt đầu và không có sự kết thúc, nghĩa là vô hạn về cả hai phía. Việc giả định sự tồn tại khởi thuỷ của một cái gì đó ở bên cạnh Chúa, chẳng hạn như của vật chất, cũng có nghĩa là thừa nhận không phải một mà là hai thực thể thần thánh như nhau. Bản nguyên thống nhất cần phải có năng lượng sáng tạo - sản sinh, bao hàm trong mình tất cả và sáng tạo ra thế giới thông qua hành vi sáng tạo tự do. Xét từ góc độ này thì tư tưởng sáng thế luận của Kinh Thánh là nhất nguyên tuyệt đối, tức là thừa nhận một bản nguyên duy nhất. Song, tư tưởng này cũng đòi hỏi nhị nguyên luận vì nó đề cập tới tính không đồng nhất về nguyên tắc giữa tồn tại của Chúa và tồn tại thế tục. Chúa sáng tạo ra thế giới theo các luật của Chúa là các luật điều khiển thế giới ngay từ thời điểm sáng tạo. Do vậy, trong thế giới có tính hợp quy luật, hay sự sáng láng vô cùng của Chúa – Sô-phi-a. Sự sáng láng này chính là bản nguyên mang tính chấn chỉnh nội tại của thế giới, bắt nguồn từ ý định về thế giới của Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố chấn chỉnh, Chúa còn mang lại cả tự do cho thế giới. Mọi cái được tạo ra đều có tự do, và với nghĩa đó là có quyền tự trị, không phụ thuộc vào sự tiên tri của Chúa. Do vậy, tồn tại thế tục có khả năng đi chệch khỏi ý Chúa. Đây là nội dung tư tưởng cực kỳ quan trong của thần học Ki-tô giáo về lịch sử cứu độ. Theo quan điểm thần học Ki-tô, con người, một mặt do bản chất phàm tục của nó, nhưng mặt khác quan trọng hơn là do bản tính tự do của nó đã bất tuân lệnh truyền của

Chúa mà phạm phải giới răn của Chúa nên mắc tội tổ tông truyền do E-và và A- đam gây ra. Chính bản tính tự do của con người thường xuyên dẫn con người đi chệch thánh ý Chúa, nên con người thường xuyên làm những điều ác, lỗi nghịch với Chúa, mặc dù Thiên Chúa đã nhiều lần trừng phạt và răn dạy song con người vẫn không cải sửa. Nhưng vì tình yêu thương con người, Thiên Chúa không nỡ cứ trách phạt con người mãi nên mới cho Con Một của mình là Đức Giê-su Ki- tô xuống thế nhập thể làm người mang lời Chúa đi giáo huấn nhân loại và chịu chết trên thập giá để chuộc tội thay cho loài người.

Chúa sáng tạo một cách tự do, thông qua "lời nói", nguyện vọng và sự ban phước lành. Tất cả đều được ban phát cho sự sống như một món quà vô tư. Nhưng chúng cũng được ban cho cả quyền tự do lựa chọn. Bằng cách đó thì thái độ coi thường tồn tại cảm tính vốn là đặc trưng cho chủ nghĩa P-la-tôn, đã được khắc phục. Thái độ coi thường vật chất đặc trưng cho triết học P-la-tôn được khắc phục nhờ tư tưởng sáng thế của Ki-tô giáo, chính là nhờ tư tưởng cho rằng Chúa sáng tạo ra thế giới từ hư không. Tư tưởng này loại trừ quan niệm về vật chất như một thực thể ngay từ đầu đã đứng đối lập với tồn tại của Chúa, không có đầy đủ giá trị và "độc ác". Chúa bộc lộ thái độ sẵn sàng gánh vác lấy mọi tội lỗi của thế giới thế tục.

Tư tưởng sáng thế cũng khắc phục cả tính "duy lý" của triết học cổ đại. Tính duy lý coi con đường nhận thức khoa học, con đường tư duy là con đường duy nhất để tiếp cận với thần thánh. Tư tưởng Ki-tô giáo công khai khẳng định tính siêu lý tính, siêu duy lý của hành vi sáng tạo của Chúa. Mặt khác, sau khi đã sáng tạo ra thế giới từ hư vô, Chúa không thể không yêu thương thế giới. Tình yêu của Chúa vượt lên trên những khả năng của lý tính, nó mang tính siêu lý tính vì nó bao hàm trong mình cả tính không có trật tự, tính không hợp mục đích và tính có tội lỗi của thế giới. Tình yêu của Chúa thể hiện yếu tố nhân từ. Do vậy, thái độ của con người đối với thế giới được tạo ra và đối với Chúa không thể chỉ dừng lại ở cách tiếp cận duy lý - khoa học, mà còn đòi hỏi chân lý mạc khải và tình yêu đối với Chúa. Đây chính là cơ sở để Ki-tô giáo xây dựng chủ

nghĩa nhân văn của mình mà biểu hiện rõ nhất là chủ nghĩa con người là trung tâm.

1.2.2.2. Chủ trương con người là trung tâm với tội tổ tông

Chủ nghĩa con người là trung tâm là một tư tưởng phân định triết học Ki-tô giáo với triết học Hy-lạp cổ đại. Tư tưởng triết học Hy-lạp mang tính vũ trụ trung tâm luận. Định hướng chung của triết học Hy-lạp trong việc xác định con người được quy định bởi tư tưởng về tiểu vũ trụ như là cái phản ánh đại vũ trụ: con người là một bộ phận của vũ trụ bên cạnh những bộ phận khác của nó. Xô- crát đã tạo ra một bước ngoặt nhằm đưa tư duy của người Hy-lạp quay lại với con người bằng cách giữ nguyên phương pháp khảo cứu con người như là một thực thể đứng cùng một dãy với các thực thể khác, mặc dù ông cũng tập trung vào tâm thần (linh hồn). A-rít-tốt đã nêu lên định nghĩa nổi tiếng về con người "là một động vật chính trị (xã hội)". Triết học cổ đại không đem con người và thế giới đối lập với nhau. Nhưng Kinh Thánh lại có một quan niệm khác, con người không đơn giản là một bộ phận của vũ trụ, là một đối tượng, sự vật bên cạnh những đối tượng khác, hoàn toàn đứng tách biệt mà nó đứng ở trên mọi sinh thể, vì con người được tạo ra "theo hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,27), [38, tr.33]. Thiên Chúa không chỉ “sáng tạo con người theo hình ảnh mình” mà còn ban cho nó được “thống trị mặt đất” (St 1,28), [38, tr.33] do Chúa sáng tạo ra. Điều đó cho thấy, cùng với tư tưởng Chúa đứng trên thế giới của Ki-tô giáo, con người cũng được đề cao theo nghĩa Chúa trao cho nó một sứ mệnh, trách nhiệm đặc biệt tiếp tục duy trì và thống trị công trình tạo dựng của Chúa nơi trần gian. Năng lực tự do thừa nhận ý Chúa sẽ nâng con người lên tầm cao vượt khỏi các quan điểm triết học trước đó, bởi nó đề cao con người lên trên mọi sinh thể trần tục. Con người trở thành trung tâm và làm chủ của thế giới trần tục.

Người Hy-lạp lĩnh hội quy tắc quan hệ giữa người với người như các quy luật bắt nguồn từ "bản chất của các sự vật". Do vậy, họ xem đạo đức như là sự kế tục các quy luật tự nhiên trong xã hội loài người. Theo đó, các quy tắc đạo đức thực chất là tính tất yếu tự nhiên mà con người phải phục tùng, nếu không,

con người sẽ trở thành nguyên nhân của những tai họa và những trở ngại của bản thân mình. Thượng Đế của các nhà triết học Hy-lạp không hơn gì sự nhân cách hóa những quy luật tự nhiên, và bản thân Thượng Đế cũng phải phục tùng chúng. Ngược lại, Chúa của Ki-tô giáo không những đứng trên lĩnh vực các quy luật tự nhiên, mà còn đem lại quy tắc đạo đức cho con người. Quy tắc này thể hiện dưới dạng mệnh lệnh của Chúa. Do vậy, các quy tắc quan hệ giữa người với người không phải các quy luật tự nhiên và không phải do bản thân con người quy định, chúng có cội nguồn thần thánh. Đức hạnh tối cao là việc tuân thủ những lời răn của Chúa. Những yêu cầu đạo đức được ghi nhận trực tiếp trong Kinh Thánh, trước hết là Mười điều răn của Chúa, Bài giảng trên núi của Đức Ki-tô cũng như những chỉ dẫn và lời khuyên cụ thể của Chúa. Tội lỗi là việc con người vi phạm những lời răn của Chúa. Việc khước từ phục tùng chúng có nghĩa là con người có ý muốn vượt lên trên, đứng lên đầu những người khác, vươn lên ngang hàng với Chúa và tiếm quyền của Chúa. Chính thói kiêu ngạo đó của con người như vậy đã dẫn đến tội tổ tông.

Tội tổ tông thể hiện ở việc con người bất tuân lệnh truyền của Chúa là không được ăn quả cấm từ cây phân biệt về điều thiện, điều ác (St 2,17), [38, tr.36]. Sau khi ăn trái cấm, con người chứng tỏ thái độ không cam chịu đối với mọi hạn chế, thái độ không muốn chịu trách nhiệm, hơn nữa là thái độ mong muốn trở thành Chúa. Tội lỗi đầu tiên con người mắc phải chứng tỏ họ có thiên hướng dựa vào bản thân mình trong việc xác định cái thiện và cái ác, một trong những

Một phần của tài liệu Tư tưởng Nhân học xã hội trong Kinh Thánh (Trang 44)