Các thách thức đặt ra

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG NGÀNH CNTT CỦA TỈNH NAM ĐỊNH HIỆN NAY (Trang 66)

1. Thời cơ.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm chiến lược rõ ràng về phát triển công nghệ thông tin. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010), Bộ chính trị đã chủ trương “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước” (Chỉ thị 58).

Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, ngư nghiệp, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đề ra nhiệm vụ rõ ràng, ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp. Bộ máy lãnh đạo tỉnh năng động, cơ chế chính sách luôn được đổi mới và hoàn thiện, tạo ra những tiền để quan trọng

cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, văn hoá, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, nền kinh tế Nam Định đã có bước phát triển mạnh mẽ, các ngành đều có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là ngành công nghiệp. Với việc xây dựng thêm nhiều tuyến đường quan trọng như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường quốc lộ 21 mới, tuyến đường cao tốc ven biển … Nam Định sẽ trở thành tỉnh có khả năng phát triển công nghiệp cao, và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh cũng đã quan tâm đến việc hình thành và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi, tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Nước ta đang tiếp tục thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đa phương trong thương mại và hợp tác đầu tư. Đường lối chiến lược này là cơ sở để tỉnh Nam Định đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư phục vụ cho phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Việc Chính phủ quyết định Nam Định trở thành trung tâm vùng đồng bằng châu thổ Nam Sông Hồng đã tạo ra những điều kiện mới để Nam Định phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh trong vùng đồng bằng Sông Hồng. Đây là cơ hội lớn để ngành công nghệ thông tin trở thành một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của tỉnh.

Với sự phát triển không ngừng về kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân Nam Định cũng ngày càng đi lên, cùng với một chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế đang hình thành sẽ tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng và đầy tiềm năng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và cho phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Nam Định.

2. Thách thức.

Mặc dù công nghiệp và xây dựng đã chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Nam Định (năm 2007 chiếm 35,13 %), 84% dân số của tỉnh vẫn sống ở nông thôn và tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 70,6% tổng lực lượng lao động. Điểm xuất phát kinh tế thấp (năm 2006 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành là 7,32 triệu bằng 54% so với bình quân cả nước và bằng 52% so với vùng đồng bằng Sông Hồng),

thiếu vốn là trở ngại đối với phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.

Hạ tầng kỹ thuật cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tuy đã được củng cố nhưng vẫn còn yếu và không đồng bộ. Đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp, đa số chưa được đào tạo nghề, tác phong lao động công nghiệp chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của các doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng chuyển đổi từ phương thức hoạt động mang nặng dấu ấn của nền kinh tế hiện vật sang phương thức hoạt động tiên tiến phù hợp với xã hội thông tin.

Là trung tâm của khu vực Nam Sông Hồng, cách khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, và thành phố Hà Nội khoảng 100 km, Nam Định kém lợi thế hơn so với các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Bắc Ninh. Các địa phương này đều đang có cố gắng rất lớn trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút chất xám và lực lượng lao động có trình độ cao.

Những tác động tiêu cực nảy sinh trong quá trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cũng là những thách thức cần được tính đến để có biện pháp giải quyết kịp thời như: gia tăng khoảng cách số, ảnh hưởng văn hoá không lành mạnh, đe dọa mất an toàn, an ninh thông tin, phụ thuộc về công nghệ, chảy máu chất xám…

Để có thể đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, góp phần quan trọng trong vào công cuộc CNH-HĐH, và phát triển mạnh nền kinh tế của tỉnh, Nam Định cần phải nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt các mục tiêu ít nhất bằng bình quân cả nước và có như vậy mới sớm trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, nhanh chóng đưa công nghệ thông tin thực sự trở thành động lực của sự phát triển trong sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh Nam Định.

CHƯƠNG 4: ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CNTT CỦA TỈNH NAM ĐỊNH

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG NGÀNH CNTT CỦA TỈNH NAM ĐỊNH HIỆN NAY (Trang 66)