Tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 66)

Hồ Chí Minh đã dạy, con người không chỉ cần có tài mà còn phải có đức nữa bởi vì như Người giải thích “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa” [21; tr. 172]. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên – thế hệ trẻ nước nhà là một việc rất quan trọng và cần thiết.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giáo dục đạo đức cho thanh niên, chúng ta cần đưa giáo dục đạo đức vào trường học như một môn chính khóa theo chương trình cải cách giáo dục. Mặc dù từ trước đến nay, trong các chương

63

trình giáo dục của nhà trường, chúng ta đã có những bài học về giáo dục đạo đức, song vẫn còn rất chung chung, hình thức. Các bài học nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, chưa tạo được dấu ấn trong lòng thế hệ trẻ. Việc xác định những phẩm chất cơ bản của nhân cách con người Việt Nam, cũng như việc hình thành nhân cách không rõ nét nên thế hệ trẻ dễ bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có sự cải cách, đổi mới chương trình giáo dục đạo đức, trong đó cần giảng dạy môn học này với hình thức một chuyên đề nhằm trang bị cho thanh niên một số phạm trù cơ bản và một số đặc trưng cơ bản của đạo đức xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, những cặp phạm trù cái thiện – cái ác, lương tâm – nghĩa vụ, tốt – xấu,…kết hợp với việc phê phán những tàn dư của đạo đức phong kiến và tâm lý tập quán đạo đức của người sản xuất nhỏ như: chủ nghĩa cục bộ, địa phương…

Ngoài ra, đối với thanh niên, giáo dục đạo đức còn phải chú trọng bồi dưỡng những đức tính được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày. Đó là lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; kính già, yêu trẻ; tôn trọng phụ nữ; có đạo nghĩa với thầy cô giáo; hòa thuận với anh em; hết lòng với bạn bè, thật thà, trung thực, dũng cảm,…Mặt khác, phải giáo dục thanh niên nhận thức và chấp hành tốt nếp sống văn minh nơi công cộng như: giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,…Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục thanh niên tích cực tham gia đấu tranh chống lại những tác động xấu của nền kinh tế thị trường như: đấu tranh chống lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, coi thường luân thường đạo lý; đấu tranh chống lại các hành vi trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong quá trình giáo dục cần xác định rõ mục tiêu giáo dục đạo đức cho thanh niên. Mục tiêu đó được chứa đựng hết sức cô đọng trong “5 điều Bác Hồ dạy”. Vì vậy, quá trình giáo dục phải làm cho thanh niên có quan niệm và nhận thức đúng về giá trị đạo đức mới, thấy được sự cần thiết phải phấn đấu, tu

64

dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, hình thành ở thanh niên những hành vi, cách ứng xử hàng ngày của người có đạo đức.

Giáo dục đạo đức cho thanh niên cần có sự giáo dục truyền thống đạo đức của dân tộc bởi vì mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ đang lớn lên phải được hình thành và củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó xây dựng ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức, bản lĩnh đạo đức của dân tộc. Có như vậy mới không đánh mất mình trong quá trình giao lưu văn hóa. Trong quá trình đổi mới hiện nay, cần giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng, tự hào đối với các giá trị truyền thống của dân tộc. Nó giúp thế hệ trẻ Việt Nam có bản lĩnh vững vàng vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường. Vì vậy, ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức truyền thống như là chuẩn bị hành trang văn hóa cần thiết cho con người, cho thế hệ trẻ Việt Nam bước vào tương lai.

Giáo dục đạo đức cho thanh niên phải được gắn liền với giáo dục chính trị – tư tưởng. Sự lựa chọn con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước ta là vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Sự giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, ý thức về thái độ nhập cuộc với sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không chỉ được nhận thức là nhiệm vụ chính trị mà còn là tình cảm đạo đức của mỗi người. Đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là sự thể hiện gắn bó lý tưởng chính trị với đạo đức. Vì vậy, việc kết hợp đồng bộ giáo dục đạo đức với giáo dục chính trị – tư tưởng là nhằm làm cho mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ đem hết sức lực và tài năng của mình đóng góp cho công cuộc đổi mới để phát triển đất nước. Đó cũng là quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, nhân cách đạo đức của con người.

65

Giáo dục đạo đức cho thanh niên còn cần phải gắn liền với giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức thi hành pháp luật bởi vì giữa đạo đức và pháp luật có mối tương hỗ đặc biệt. Pháp luật càng đầy đủ, chặt chẽ và thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được mở rộng và thấm sâu trong mọi mối quan hệ, mọi hành vi của con người. Thực tế cho thấy, một trong các nguyên nhân làm nảy sinh những biểu hiện biến chất đạo đức, sa đọa lối sống dẫn đến các tệ nạn xã hội là do sự buông lỏng pháp luật hoặc pháp luật không hoàn chỉnh, không đồng bộ. Vì vậy, giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật không thể tách rời nhau mà phải phối hợp và bổ sung cho nhau.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho thanh niên, phải duy trì và mở rộng các hoạt động nêu gương, biểu dương các điển hình tiên tiến, gặp mặt truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục thông qua những tấm gương tiêu biểu, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện…Phấn đấu để hình thành trong thanh niên có đạo đức và lối sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Việc giáo dục đạo đức cho thanh niên còn phải chú ý những đặc điểm, điều kiện sống và học tập mới của thanh niên. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt thanh niên trước những thời cơ và thách thức mới. Do vậy, khi tiến hành giáo dục đạo đức cho thanh niên phải chú ý khai thức các ưu thế của điều kiện mới đem lại để hướng dẫn, định hướng sự lựa chọn đúng đắn, tránh sự lẫn lộn và ngộ nhận. Phải đưa nội dung giáo dục đến với thanh niên một cách thường xuyên thông qua phương pháp lồng ghép đối với các môn học chính khóa một cách tự nhiên, khoa học, không gò bó, khiên cưỡng và tổ chức việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại một cách nghiêm túc để kích thích việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng của thanh niên.

Một phần của tài liệu Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 66)