Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế lạc hậu với cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, Đảng ta đã xác định tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá như là một phương hướng chiến lược quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định: “Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hôị, cải thiện đời sống nhân dân” [8; tr. 9].
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã đề ra mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: “Xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” [10; tr. 80].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006-2010 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2010 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” [11; tr.23].
55
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, như văn kiện đã xác định chúng ta phải huy động tốt mọi nguồn lực, bao gồm: nguồn lực con người, đất đai, tài nguyên, vốn, kỹ thuật trong và ngoài nước… Trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất và có vai trò quyết định trong các nguồn lực.
Nguồn lực con người (nguồn nhân lực) được quan niệm ở đây là những con người vừa có năng lực lãnh đạo, vừa có thể lực đáp ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại, vừa có nhân cách phát triển ở trình độ cao, thể hiện được sự kết tinh các giá trị đích thực của xã hội. Đó là những người công nhân lành nghề, những chuyên gia cao cấp, là đội ngũ trí thức, đội ngũ đông đảo những người lao động trẻ tuổi có đức, có tài, những cán bộ nòng cốt trên mọi lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quản lý… Để có được nguồn nhân lực có trình độ cao đó, chúng ta cần phải tăng cường đầu tư phát triển giáo dục đào tạo. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải tiến hành đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tập trung đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều. Hoàn thiện hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Cải tiến nội dung và phương pháp thi cử nhằm đánh giá đúng trình độ tiếp thu tri thức, khả năng học tập. Khắc phục những mặt yếu kém và tiêu cực trong giáo dục. Thực hiện xã hội hoá giáo dục. Huy động nguồn lực vật chất và trí tuệ của xã
56
hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành giáo dục với các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp…để mở mang giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi thành viên trong xã hội. Tăng cườn thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục. Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. Phân cấp, tạo động lực và sự chủ động của các cơ sở, các chủ thể tiến hành giáo dục. Nhà nước tăng đầu tư tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển giáo dục, hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện việc miễn giảm đóng góp và cấp học bổng cho học sinh nghèo, các đối tượng chính sách, học sinh giỏi. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tiếp cận chuẩn mực giáo dục tiên tiến của thế giới phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; tham gia đào tạo nhân lực khu vực và thế giới. Có cơ chế quản lý phù hợp đối với các trường do nước ngoài đầu tư hoặc liên kết đào tạo.
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thanh niên là lực lượng chủ yếu, đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, việc chăm lo, đầu tư giáo dục đào tạo thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có trình độ khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và có năng lực để đảm đương xuất sắc các nhiệm vụ đề ra là một trong những yếu tố cơ bản nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững, là tiêu điểm của mọi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể thấy rằng, việc mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế thị trường trong những năm qua đã tạo ra nhiều yếu tố tích cực nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện một số mặt tiêu cực, tác động xấu đến thanh niên, đặc biệt là làm giảm sút ý thức phấn đấu, rèn luyện và học tập của một bộ phận thanh niên. Họ không ý thức được đầy đủ sự cần thiết phải học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện năng lực và tinh thần sáng tạo của mình. Từ đó nảy sinh những tiêu cực, thói ích kỷ, bất chấp đạo lý và pháp luật, xem thường các giá trị đạo đức, văn
57
hóa tinh thần…ý thức tự giác phấn đấu, khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập của một bộ phận thanh niên chưa cao. Bên cạnh đó, những âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù và sự biến động của tình hình quốc tế đã làm cho một bộ phận thanh niên phai nhạt ý chí chiến đấu, suy giảm niềm tin vào tương lai, vào chủ nghĩa xã hội, dao động, mơ hồ trong xác định lý tưởng và không ít thanh niên mất niềm tin, chán đời, bất mãn, tự đánh mất mình dẫn đến những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Hồ Chí Minh cho rằng: nếu không có kiến thức thì không thể tham gia tốt vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn nước ta và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rằng, muốn phát triển đất nước, muốn đưa đất nước tiến lên không có con đường nào khác là phải quan tâm đầu tư cho giáo dục, trong đó phải đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ những người lao động trẻ tuổi để họ có kiến thức cần thiết tham gia tốt nhất vào công cuộc xây dựng đất nước. Với ý nghĩa đó, trước lúc đi xa, trong “Di chúc”, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
2.2. Thực trạng việc vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên ở nước ta hiện nay