Chống bán phá giá

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA CÁC RÀO CẢN HOA KỲ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM (Trang 34 - 35)

Bán phá giá là việc hàng hoá nhập khẩu được bán với mức giá thấp hơn giá công bằng (fair value), gây ảnh hưởng hoặc đe doạ gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp trong nước của nước nhập khẩu, sản xuất mặt hàng tương tự. Hoa Kỳ có quyền áp đặt thuế chống phá giá lên hàng hoá nhập khẩu để bù lại mức phá giá.

Việc xác định bán phá giá được tính trên cơ sở so sánh mức giá bán sản phẩm giống hệt hoặc tương tự tại thị trường nội địa bên bị cáo (hoặc tại một nước thứ ba). Trường hợp việc so sánh giá bán không thể thực hiện được, giá bán của hàng hoá được tính bằng cách so sánh chi phí sản xuất hàng hoá đó (gồm chi phí nguyên liệu, lao động, đầu vào…) cộng thêm chi phí quản lý bán hàng và lợi nhuận. Nếu mức giá bán tại thị trường Hoa Kỳ thấp hơn mức giá này, hàng hoá đó được coi là bán phá giá.

Mức giá bán tại Hoa Kỳ được tính theo hai phương pháp: Giá xuất khẩu và giá xuất khẩu hình thành. Nếu sản phẩm được bán trực tiếp cho khách hàng đầu tiên không là chi nhánh của người sản xuất, giá được xác định theo giá xuất khẩu (EP). Trường hợp khách hàng đầu tiên phải mua thông qua đại lý bán hàng tại Hoa Kỳ của nhà sản xuất, giá được xác định theo giá xuất khẩu hình thành (CEP). Giá bán cho khách hàng mua đầu tiên được coi là mức giá khởi điểm.

Đây thực sự là rào cản của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Việt Nam vì sự yếu thế của Việt Nam trong các vụ xử lý các vụ kiện phá bán phá giá, đặc biệt khi Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, thì việc phán quyết hoàn toàn phụ thuộc vào luật pháp và thiện chí từ phía Hoa Kỳ. Trong khi đó, một mặt do có nhiều lợi thế về tự nhiên, giá nhân công lao động rẻ…giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển; mặt khác do không có kinh nghiệm; các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẵn sàng hạ giá đến mức thấp nhất để chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, bằng mọi cách để xuất khẩu được số lượng hàng lớn nhất mà không chú ý tới yếu tố pháp luật và môi trường nên dễ vấp phải rào cản này. Cần có những biện pháp khắc phục, để không xảy ra các vụ kiện đáng tiếc gây thiệt hại cho các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA CÁC RÀO CẢN HOA KỲ ĐẶT RA ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM (Trang 34 - 35)