Những năm đầu thế kỷ XX, cuộc sống ở thành thị Việt Nam đã thay đổi nhiều. Tầng lớp tiểu tư sản ngày càng đông đảo, nhịp độ và tốc độ cuộc sống gấp và nhanh, một lối sống tư sản hóa được lan tràn khắp các ngõ ngách của phố phường. Các tầng lớp khác nhau trong xã hội tuy có mức sống, cách sống khác nhau, thậm chí còn đối lập nhau nhưng vẫn gần nhau về những nét tâm lý, thị hiếu: thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, muốn sống và giải trí trong môi trường náo nhiệt, khao khát cái lạ, cái luôn luôn thay đổi. Chính cuộc sống mới đưa đến cho con người thế giới quan và nhân sinh quan mới và cũng vì thế đặt ra cho văn học những yêu cầu khác trước.
Con người Việt Nam lúc bấy giờ đang sống giữa cuộc sống đua chen cạnh tranh, cần sống thực, không thể thỏa mãn với những lời giáo huấn về đạo lý cương thường. Người ta cần hiểu rõ, hiểu kỹ cuộc sống với tất cả những tình tiết đầy đủ, những chi tiết cụ thể, gây được cảm giác, thỏa mãn được sự tò mò. Người ta cần sống những cảnh ngộ của kịch, những số phận của tiểu thuyết, những cảnh ngộ, số phận của con người cụ thể trong cuộc sống bình thường. Ngưòi ta muốn nếm trải cái có thật chứ không phải được khích lệ bằng những gương trung hiếu minh họa đạo nghĩa. Ngưòi ta cũng muốn rút ra từ đó những bài học quí giá về cuộc sống chứ không phải là bài học đạo lý. Người ta muốn xúc cảm, muốn mở mang như những người cá nhân, chứ không phải xúc động như khi chiêm ngưỡng những tấm gương cao của vị thánh xuất chúng.
Thế là vào khoảng trước và sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, một lối sống thành thị tư sản hóa và một công chúng thành thị đã hình thành. Ðó không chỉ là đối tượng mô tả, phục vụ mà còn là nhân tố làm nảy sinh nền văn học mới.