Chữ quốc ngữ, báo chí, dịch thuật:

Một phần của tài liệu Văn học hiện đại 1 (Trang 27)

+ Vấn đề chữ quốc ngữ:

Chữ quốc ngữ đã có mặt ở Việt Nam từ các thế kỷ trước, nhưng đến đầu thế kỷ XX nó mới được đưa vào trong sáng tác văn học một cách phổ biến. Chữ quốc ngữ là một hệ thống ngôn ngữ - văn tự lý tưởng của văn học mới, vì nó mô tả cuộc sống bình thường, nó có thể đến với bất cứ loại độc giả nào từ tầng lớp quí tộc đến bình dân.

Ði đôi với vấn đề sử dụng chữ quốc ngữ trong sáng tác là việc xây dựng văn xuôi quốc ngữ. Trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn học mới, các tác giả không tránh khỏi việc ghi chép khẩu ngữ. Mặt khác, do ảnh hưởng của cách viết văn cũ (văn biền ngẫu), văn xuôi

quốc ngữ trong giai đoạn này thường đối nhau. Ngoài ra còn có những trường hợp chịu ảnh hưởng của lối văn dịch, câu văn xuôi trở nên dài dòng, nửa Tây nửa Tàu như văn xuôi của Phạm Quỳnh.

Trải qua những thí nghiệm, tìm tòi, người Việt Nam đã làm cho kho từ vựng tiếng Việt ngày thêm phong phú bằng cách sáng tạo thêm từ mới, tiếp nhận thêm từ mới của Trung Quốc, Nhật Bản đọc theo âm Hán Việt, Việt hóa một số từ Pháp, làm cho ngữ pháp tiếng Việt ngày càng mạch lạc, sáng sủa hơn nhờ nắm vững qui luật của ngôn ngữ dân tộc, đẩy lùi câu văn biền ngẫu, đồng hoá vào hệ thống ngữ pháp tiếng Việt một số yếu tố của ngữ pháp tiếng Pháp. Sau bao nhiêu cố gắng của các nhà báo, nhà văn, câu văn nghệ thuật nhằm mô tả chân thật cuộc sống bình thường được hình thành như chúng ta đã thấy trong tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh.

+ Báo chí:

Báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển dòng văn học hợp pháp ở giai đoạn này. Báo chí chính là nơi để các nhà văn công bố tác phẩm của mình, cũng là nơi để các nhà văn thử nghiệm, rèn luyện văn xuôi quốc ngữ. Báo chí là nơi sưu tầm và giới thiệu văn học trung đại Việt Nam, giới thiệu văn học Pháp và văn học Trung Quốc. Báo chí có tác dụng khích lệ, mơ ước về sự nghiệp văn học, kích thích những người cầm bút phỏng tác, sáng tác. Báo chí còn là nơi trao đổi ý kiến, tìm tòi cách làm giàu ngôn ngữ, và cũng là nơi để các nhà văn rèn luyện cách mô tả cuộc sống bằng các thể loại và hình thức mới để hình thành nhà văn và tập hợp thành đội ngũ nhà văn.

Báo chí ở giai đoạn này đã đi từ chỗ là một công cụ tuyên truyền của Pháp dần dần ngày càng gắn chặt hơn với văn học, thúc đẩy văn học phát triển.

+ Dịch thuật:

Phong trào dịch thuật bắt đầu ở Nam bộ và nhanh chóng phát triển trong phạm vi cả nước. Công việc dịch thuật được thúc đẩy bởi nhiều động cơ và các tác phẩm dịch đã có sức hút lớn đối với độc giả thành thị lúc đó. Việc dịch thuật đã buộc các nhà văn vay mượn, sáng tạo làm cho tiếng ta thêm phong phú, rèn luyện văn xuôi nhanh chóng trưởng thành. Việc dịch thuật cũng giúp cho các nhà văn tiếp nhận nghệ thuật sáng tác mới, cụ thể là loại hình mới, từ đó các tác giả bắt đầu viết bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch....

Một phần của tài liệu Văn học hiện đại 1 (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w