Ngày 11/01/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ba năm qua, trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường hàng hóa dịch vụ, đầu tư quốc tế, đổi mới mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn các thể chế, đồng thời, cải tiến nền hành chính quốc gia theo hướng hiện đại. Năm 2010 sẽ là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nền kinh tế nước ta sẽ có nhiều chuyển biến. Ba năm chưa phải là một khoảng thời gian dài để Việt Nam hoàn toàn hội nhập được với nền kinh tế thế giới, trước mắt còn nhiều thách thức lớn đặt ra. Vì vậy cần phải nhận biết tốt hơn các thị trường tự do, thể chế thị trường, nếu không sẽ khó ứng xử. Nhận diện được những thách thức đó chính phủ đã chỉ đạo các cấp lãnh đạo cùng phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Nghị quyết số 18 ngày 06/04/2010, một trong sáu giải pháp tiên quyết nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đưa ra là yêu cầu bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng và của toàn bộ hệ thống để có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết.
Theo quy định của ngân hàng Nhà nước, đến cuối 2010 các NHTM phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng tạo sức ép lên các tổ chức tín dụng trong nước, thúc đẩy mạnh hoạt động bán cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ. Mặc dù vậy con số 3.000 tỷ đồng vẫn chưa đủ đảm bảo năng lực cạnh tranh của các tổ chức này trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, và đặc biệt sau năm 2011. Ngân hàng Nhà nước dự thảo sẽ còn tăng vốn điều lệ tối thiểu các ngân hàng thương mại đến năm 2012 là 5.000 tỷ đồng và 2015 là 10.000 tỷ đồng. Do vậy, có thể nhận định hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ
rất sôi động, thậm chí rất nóng trong thời gian tới, đặt ra cơ hội cũng như thách thức đối với hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam.
Từ đầu năm 2010 tới nay, NHNN đã chuẩn bị hành lang pháp lý phòng cho trường hợp phải xử lý các ngân hàng có vấn đề. Gần đây nhất là ban hành Thông tư số 04/2010/TT- NHNN (ngày 11/2/2010) quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Trước đó, thông tư quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng cũng đã được ban hành. Dự thảo thông tư hướng dẫn thu hồi giấy phép ngân hàng và thanh lý dưới sự giám sát của NHNN cũng đang trong giai đoạn lấy ý kiến.
Sắp tới, khi Thông tư hướng dẫn việc các tổ chức tín dụng cổ phần đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán được NHNN ban hành thì "cánh cửa" lên sàn để tăng vốn của các ngân hàng cũng hẹp lại. Bởi theo dự thảo thông tư, một trong ba điều kiện quan trọng nhất mà các tổ chức tín dụng cần phải đảm bảo và đáp ứng đủ để qua "cửa" của NHNN là điều kiện về năng lực tài chính, an toàn hoạt động và quản trị điều hành. Trong đó, điều kiện về tài chính, mà cụ thể là vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để xét tiếp những điều kiện còn lại.
Như vậy có thể thấy được ý chí của NHNN về việc sáp nhập được thể hiện rất rõ từ đầu năm 2010. Tính đến thời điểm này, cơ sở pháp lý để thực hiện sáp nhập doanh nghiệp cũng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tâm lý các nhà quản trị ngân hàng thương mại nhỏ hiện nay vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc sáp nhập, và có thể sẽ có nhiều thiệt thòi cho nhà đầu tư ở các ngân hàng này nếu vào giờ cuối cùng ngân hàng bị bắt buộc sáp nhập. Vì sáp nhập là cả một quá trình dài phức tạp chứ không thể làm trong ngày một ngày hai. Nếu không có sự tìm hiểu, chuẩn bị, lên kế hoạch kỹ lưỡng chi tiết cụ thể thì rất dễ dàng gặp phải thất bại.
Dù muốn hay không, thì về lâu dài việc các ngân hàng thương mại cũng phải tính tới bài toán sáp nhập nếu đứng một mình không đủ điều kiện tồn tại theo quy định hay không đủ năng lực cạnh tranh với các ngân hàng khác trong cùng ngành. Như vậy, để tận dụng các cơ hội do M&A mang lại, các ngân hàng cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tham gia vào các hoạt động này. Bên cạnh đó, một điều đáng chú ý là phải xác định
rõ, không phải thương vụ M&A nào cũng thành công. Bởi, việc hoàn thành giao dịch chỉ là một sự khởi đầu mới và cần cả một quá trình sau đó để đem lại giá trị tốt hơn. Vì vậy, vấn đề quản trị ngân hàng thời kỳ hậu sáp nhập là điều tối quan trọng cần được các ngân hàng chú trọng.
Về phương thức thực hiện M&A tại Việt Nam, có lẽ phương thức thương lượng tự nguyện là phù hợp nhất ở Việt Nam. Đây cũng là phương thức mà các thương vụ tại Việt Nam hiện đang sử dụng. Theo kết quả thống kê khảo sát trong 100 người làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có 86 người cho rằng phương thức thương lượng tự nguyện là phù hợp để áp dụng ở Việt Nam từ mức độ phù hợp đến hoàn toàn phù hợp. Tiếp theo là phương thức mua lại tài sản (81 người lựa chọn) và thu gom cổ phiếu trên TTCK ( 74 người lựa chọn) còn các phương thức chào thầu và đặc biệt lôi kéo cổ đông bất mãn (76 người cho rằng hoàn toàn không phù hợp hoặc ít phù hợp) thì chưa phù hợp với Việt Nam.
(Nguồn: Điều tra và tính toán của tác giả ) Hình 3.1.đồ thị phương thức thực hiện M&A tại Việt Nam