- Năm 2010, theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, mức vốn pháp định tối thiểu của các NHTM là 3.000 tỷ đồng. Trong trường hợp tổ chức tín dụng có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp thấp hơn mức vốn pháp định tương ứng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng quy định cho từng thời kỳ, Chính phủ giao NHNN quyết định xử lý đối với các ngân hàng này, kể cả việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. Việc Chính phủ đặt ra lộ trình về mức vốn điều lệ tối thiểu cũng chính là thúc đẩy việc tăng vốn và tạo ra sức ép về việc sáp nhập trong khu vực NHTM VN. Bên cạnh đó, ngày 11/2/2010, NHNN VN ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, cho thấy ý chí của ngân hàng Nhà Nước về lộ trình trên sẽ được đảm bảo tuân thủ không thay đổi hay gia hạn.
Vấn đề tăng vốn là một vấn đề "nóng" tại đại hội cổ đông của nhiều NHTMCP nhỏ vừa qua. Bởi nhiều NHTMCP loại nhỏ này, vốn điều lệ hiện chỉ từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Theo giới tài chính nhận định, việc "bật" mạnh lên 3.000 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu tăng vốn hiện nay là thử thách rất lớn trong bối cảnh sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng không còn như trước nữa.
Trên quan điểm tổng thể, nhiều người cho rằng, nếu việc sáp nhập diễn ra, thì chính các cổ đông nhỏ lẻ ở các NHTM nhỏ bị sáp nhập hoặc thâu tóm có lợi do được hưởng lợi từ uy tín NHTM lớn và vấn đề quản trị/quản lý được cải thiện. Giải pháp này cũng giúp NHTM lớn tăng vốn và mở rộng thị phần và nhiều lợi ích khác một cách nhanh chóng... Một số ý kiến của các chuyên gia lâu năm trong khu vực ngân hàng cho rằng, đối với các NHTM nhỏ nếu tăng vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu và nhất là tăng vốn bằng mọi giá, rất có thể lợi bất cập hại. Bởi vấn đề lành mạnh của NHTM CP không được đảm bảo thì cổ đông có thể mất tiền, khi ngân hàng càng ngày càng yếu kém hoặc tệ hại, nhất là khi ngân hàng đó đổ vỡ. Hơn nữa, trước sự sụt giảm của TTCK, cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn, nhiều ngân hàng ở thời điểm khó khăn chung hiện nay cũng không dễ dàng phát hành trái phiếu tăng vốn với khối lượng lớn.
Mặc dù vậy, các ngân hàng vẫn ưu tiên lựa chọn phương án tăng vốn thông qua việc bán cổ phần chiến lược cho các ngân hàng nước ngoài hoặc thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chứ không ưu tiên lựa chọn phương án sáp nhập vào ngân hàng khác. Sở dĩ các ngân hàng chọn phương án này là do tâm lý của người Việt Nam chưa quen với việc mua hoặc bán lại toàn bộ một doanh nghiệp, không muốn bán đi cái tâm huyết của mình, cái mình bỏ công gây dựng bao năm và cũng không muốn chia sẻ quyền lực với ai khác và hơn hết đó là tâm lý không muốn mang tiếng mình bị phá sản. Hơn thế nữa, để thực hiện một thương vụ M&A không phải là đơn giản, với tỷ lệ thất bại của các thương vụ thời gian qua không phải là một con số nhỏ cũng làm cho các nhà quản trị e ngại và có thể sẽ chỉ chọn nó là phương án cuối cùng. Chỉ đến khi nào cảm thấy không thể đương đầu nổi với khó khăn hiện tại thì lúc đó họ mới nghĩ đến M&A. Thật vậy, mặc dù các ngân hàng vẫn ưu tiên lựa chọn phương án tăng vốn qua việc bán cổ phần chiến lược hay qua việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường nhưng đâu đó họ vẫn đã lên kế hoạch cho một phương án dự phòng là sáp nhập nếu không may phương án mà họ đã ưu tiên chọn không thể thực hiện.
Như trường hợp ngân hàng MeKong (trước đây là Mỹ Xuyên) đã phải thay đổi và chấp nhận mời những cổ đông mới có tiềm lực tài chính lớn hơn vào ngân hàng sau khi biết được những định hướng đến năm 2012 vốn điều lệ của ngân hàng phải đạt 5.000 tỉ đồng và 10.000 tỉ đồng vào năm 2015, những người tâm huyết với Ngân hàng Mỹ Xuyên buộc phải từ bỏ ngân hàng, bỏ luôn những kế hoạch còn đang ấp ủ. Tỷ lệ sở hữu của ngân hàng Hàng Hải sau khi mua cổ phần của MeKong là 11%, và nếu cộng luôn cả nhóm cổ đông lớn thì tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại MeKong Bank lên đến 49%. Những cổ đông mới mang theo cách điều hành mới, định hướng hoạt động mới, và cả tên của ngân hàng cũng mới. Ngân hàng Mỹ Xuyên ngày nào giờ đã trở thành Ngân hàng Phát triển Mêkông.
- Ngoài áp lực tăng vốn điều lệ tiến tới sáp nhập các ngân hàng còn phải đối đầu cạnh tranh với các ngân hàng trong cùng hệ thống. Như trên đã nói, hiện nay các ngân hàng không chỉ chạy đua với các ngân hàng nội địa mà các ngân hàng còn phải chạy đua cùng các ngân hàng nước ngoài là những ngân hàng có năng lực cao về nhiều mặt mà các ngân hàng trong nước còn phải học hỏi thêm nhiều. Các ngân hàng nội đang ra sức củng cố năng lực cạnh tranh của mình bằng nhiều cách, với nhiều phương án để có thể đứng vững trên thị trường. Trong cuộc đua này, sẽ phân loại ra đâu là những ngân hàng tốt, hoạt động hiệu quả và đâu là những ngân hàng yếu kém. Trong tình cảnh đó, những ngân hàng không đủ sức cạnh tranh sẽ phải cần tìm đến những ngân hàng khác lớn hơn để được hỗ trợ thêm sức mạnh thông qua sáp nhập. Mà điều này như nói ở trên, các ngân hàng không hề muốn.
- Chính vì tâm lý trên của các nhà quản trị ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng, cũng như các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam nói chung đối với M&A đã gây ra sự thụ động của họ đối với M&A, bỏ lỡ một số các thương vụ tốt cho các đối tác nước ngoài.
Kết luận chương 2
Trong phần này, luận văn đã nêu lên thực trạng về năng lực của các ngân hàng thương mại Việt Nam qua các hoạt động của các ngân hàng. Qua đó thấy được sức cạnh tranh các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay chưa cao hay có thể nói là hơi thấp. Mỗi ngân hàng có phương thức riêng để cải thiện vị thế của mình trên thương trường. Trên con đường đó các ngân hàng gặp không ít khó khăn để vượt qua những cản trở đưa ngân hàng phát triển vững mạnh. Một số các ngân hàng đã vận dụng được những lợi thế của M&A để tăng năng lực tài chính cũng như năng lực quản lý của ngân hàng mình. Tuy nhiên mức độ M&A tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam thời gian qua chỉ dừng ở mức độ các ngân hàng trở thành cổ đông chiến lược của nhau, hoặc sáp nhập là do sự chỉ đạo, gợi ý của Nhà nước nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng chứ chưa phải tự nguyện đến với nhau trên nền tảng chiến lược kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trong đó có yếu tố do hoạt động M&A khá mới mẻ tại Việt Nam nên mức độ am hiểu về hoạt động M&A còn chưa cao; yếu tố tâm lý ngại mang tiếng phá sản, bán doanh nghiệp; những rào cản về các quy định pháp lý thời gian qua còn chưa thống nhất, chồng chéo... bên cạnh đó, thực trạng khoảng 2/3 các thương vụ M&A trên thế giới cũng như Việt Nam đã không đem lại kết quả như mong muốn làm cho các nhà quản trị ngại tiến hành M&A. Do đó, công việc quan trọng cấp thiết hiện nay là phải tháo gỡ những những khó khăn, vướng mắc đó để có thể giúp các ngân hàng đẩy mạnh sáp nhập, mua lại hướng đến hình thành những ngân hàng lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP M&A NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THỜI KỲ HẬU KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH