Không gian dưới nhà

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong tiểu thuyết Quà của Chúa của Dorota Terakowska (Trang 53)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Không gian dưới nhà

3.1.1.1. Sang trọng, hiện đại nhưng lạnh lẽo, cách biệt

Không gian ngôi nhà là không gian quan trọng đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm. Trước khi có sự xuất hiện của Myszka, nó được mô tả là một tổ ấm hoàn hảo với đầy đủ tiện nghi hiện đại, thoáng đãng mà nhiều người phải ngưỡng mộ. Đồng thời, ngôi nhà đó lại được vun đắp, dựng xây từ hai trái tim biết yêu thương và trân trọng cuộc sống gia đình. Cả Adam và Ewa đều không phải là những đứa trẻ may mắn lớn lên trong gia đình giàu có và được sự nuôi dưỡng chăm chút của bố mẹ đến khi trưởng thành nhưng cũng chính vì thế, họ thêm hiểu và cùng nhau

xây đắp, giữ gìn hạnh phúc. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Myszka chào đời.

Sóng gió bão táp ập đến tổ ấm bình yên kể từ lúc Ewa quyết định mang đứa con tật nguyền ấy về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngôi nhà ấy không chỉ xáo trộn về sự sắp xếp nội thất, phá bỏ quan điểm duy mỹ ban đầu khi xây dựng mà còn có sự cách biệt rõ ràng về mặt tình cảm gia đình. Giờ đây, ngôi nhà hạnh phúc không còn là sự gắn kết keo sơn mà là sự chia rẽ, tách biệt của các thành viên trong gia đình, giữa một bên là Adam với một bên là Ewa và Myszka.

Giữa Adam và Ewa không còn là sự quan tâm, lo lắng cho nhau mà thường xuyên với họ là sự im lặng. “Họ chỉ trao đổi với nhau vài lời vô cảm hoặc lặng im. Ewa hỏi một cách thờ ơ, ở công ty mọi việc có ổn không. Adam cũng thờ ơ khẳng định và đáp lại bằng câu hỏi, Ewa có thiếu gì không. Tiền chăng?... Trong cái gọi là cuộc trò chuyện này cả hai đều phớt lờ nhân vật Myszka, cho dù con người này suốt nhiều năm bò dưới chân họ”[18;216]. Hoặc nếu đề cập tới con cái thì sẽ lại là những cuộc cãi vã mà nguyên nhân chính đều bắt nguồn từ đứa con tật nguyền, tội nghiệp - Myszka.

Adam muốn né tránh sự thật và bảo vệ quan điểm đưa Myszka vào trại đặc biệt nên anh luôn tìm lý do đổ lỗi cho Ewa. Anh cho rằng, nguồn gốc bệnh đao của Myszka là do di truyền từ gia đình Ewa, cụ thể là bà của Ewa. Một cuộc đối thoại căng thẳng đã diễn ra:

- Down là bệnh di truyền… ai trong gia đình em đã bị thiểu năng trí tuệ

- Trong gia đình em…? – Ewa lặng người, mắt nhìn choáng váng. – Sao lại trong gia đình em?!

- Bởi gia đình anh luôn khỏe mạnh… Adam đáp - Gia đình em cũng vậy

- Em nói dối! – Adam quát.[18;44]

Adam không còn bình tĩnh, dịu dàng khi nói chuyện với vợ. Anh thường xuyên lên giọng “chấn động như một luồng gió gắt, ác hiểm trước cơn giông, thình lình đổi hướng”: Chẳng lẽ em đành chịu đựng cho đến hết đời những cái nhìn động

lòng trắc ẩn như vậy sao? Chúng ta chẳng còn cơ hội có một cuộc sống bình thường hay sao? Em thích cái gì nào?[18;73]

Ngôi nhà hiện đại, tiện nghi là vậy nhưng bên trong lại chứa đựng những mảnh ghép rời rạc từ những trái tim không có cùng một điểm đến. Nó thường xuyên được miêu tả trong trạng thái “chìm trong bóng đêm… tiền sảnh rộng và dài… ngôi nhà như to hơn, dài ra” bởi nó thiếu đi hơi ấm hòa quyện của tình thương từ những thành viên trong gia đình. Người cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà đã dày công xây dựng này không phải ai khác mà là Adam, chủ nhân của nó. Cái hố sâu vô hình ngăn cách anh với vợ con được tạo nên từ chính trái tim ích kỷ, hẹp hòi, thiếu sự bao dung, đón nhận của Adam.

3.1.1.2. Cảnh vật khô héo và thiếu sức sống

Khung cảnh thiên nhiên cũng được tác giả tập trung miêu tả trong tác phẩm làm nổi bật diễn biến tâm trạng của các nhân vật. Đặt trong thế đối sánh giữa trước và sau khi có sự xuất hiện của Myszka, cảnh quan của ngôi nhà có sự khác biệt rất lớn. Khu vườn rộng hai ngàn mét vuông, tường bao quanh được xây bằng đá trắng, đẹp và sang trọng ấy trong dự tính của hai vợ chồng sẽ là “chốn trốn thế gian”, sẽ là “ngôi vườn mơ ước” với bãi cỏ xanh mịn màng, nhẵn nhụi, một hồ nước nhỏ, những bồn hoa sang trọng, các hòn non bộ và vô vàn những khóm hoa khoe sắc. Tuy nhiên, đó mãi chỉ là mơ ước. Đã gần chín năm kể từ khi Myszka ra đời, Ewa và Adam bỏ rơi khu vườn, chưa một lần chú ý, chăm sóc. Nơi đây biến thành “bãi chiến trường”, thành vương quốc của cây gai và cỏ gà. Khu vườn cũng trong trạng thái lụi tàn giống tâm trạng của các nhân vật. Cây cỏ ở đây cũng mọc hoang dại, thiếu sức sống, không được chăm sóc bởi đôi bàn tay con người.

Trong ngôi nhà bộ kệ cao cấp đặt các chậu hoa, hoa cũng bị héo bởi không có ai tưới. Nội thất và vẻ đẹp cảnh quan của ngôi nhà giờ đây không còn là vấn đề mà họ quan tâm như trước kia. Với Adam, sự ra đời của Myszka đã xáo trộn tất cả, đã tước đi vẻ sang trọng, hiện đại vốn có của ngôi nhà.

Bao trùm lên không gian ngôi nhà là cảnh héo úa, tàn lụi của cây cỏ xung quanh, một khu vườn hoang dại, thiếu bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Dường như tâm trạng chán nản, thất vọng khi mọi kế hoạch đường đời tan vỡ của Adam và Ewa đã thấm nhuần vào cảnh vật. Họ không còn thiết tha đến việc chăm chút vẻ đẹp của ngôi nhà từ nội thất đến ngoại thất. Vì thế, lẽ đương nhiên, cảnh vật xung quanh bị bỏ bê sẽ trở nên khô héo, úa tàn.

3.1.1.3. Nguy hiểm, thiếu tình thương và sự đồng cảm

Trừ phòng áp mái ra, đâu đâu ở phía dưới cũng đều ẩn chứa những điều nguy hiểm đối với cô con gái tật nguyền: “Bây giờ trong đại siêu thị có “những chỗ nguy hiểm” hoặc ít hoặc nhiều. Nơi xếp hàng vào quầy trả tiền là một chỗ nguy hiểm. Các nữ nhân viên thu ngân và khách hàng nhìn trộm Myszka, họ giả đò là họ không nhìn, để rồi lại nhanh chóng liếc trộm một lần nữa… Cái giếng cũ ngoài vườn là nơi nguy hiểm… Nơi cực kỳ nguy hiểm là tường rào nửa xây nửa gỗ, bên kia là đường phố, nơi tuyệt nhiên Myszka không được đi một mình. Bởi bé có thể bị lạc …cửa hàng cũng được liệt vào danh mục những nơi cực kỳ nguy hiểm, bởi Myszka có thể va đập vào các ngăn đựng hàng hóa hoặc cầm hàng lên tay, khi đó là hàng hóa phát tín hiệu và mẹ phải trả tiền đền vì hàng bị hư hỏng”.[18;201]

Trẻ em thường hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh để phát triển nhận thức về cuộc sống. Myszka cũng vậy. Em luôn tò mò về sự vật quanh mình. Tuy nhiên, khác với những đứa trẻ cùng độ tuổi khác, Myszka thường xuyên ở trong nhà, không được ra ngoài, bởi thế giới bên ngoài luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm có thể đe dọa em bất cứ khi nào. Có lần đến siêu thị, Myszka đã làm đổ ngăn đựng hàng và một thời gian dài sau đó mẹ em đã không dám đi mua hàng. Vì sợ những tình huống tương tự có thể xảy ra.

Cuộc sống dưới nhà quẩn quanh với bốn bức tường khiến Myszka ngột ngạt, khó chịu. Em đã tự tìm đến một nơi giải thoát cho cơ thể nặng nề và đầu óc chậm chạp của mình, đó là phòng áp mái. Tại đây, em có thể tự mình khám phá các tấm màn sáng tạo không ngừng của Chúa trời, từ đất, nước, ánh sáng, mặt trăng, mặt

trời, muông thú… sinh động và tràn đầy sức sống mà không phải lo lắng sẽ bị ai mắng, xét nét từng hành động.

Em hoàn toàn bị cô lập với thế giới dưới nhà. Nơi ấy không phải là nơi dành cho em. Trong mắt những người xung quanh, Myszka giống như vật thể lạ ngoài hành tinh. Em luôn là tâm điểm chú ý của mọi người, không phải để trò chuyện, động viên mà là tò mò, dò xét về ngoại hình dị thường. Họ luôn ghê sợ trước hành động của Myszka: “- Tôi không dám đụng vào người nó đâu.

- Thật là kinh tởm”

Giữa đám đông, Myszka không nhận được sự chia sẻ, cảm thông của bất cứ ai, ngược lại, em phải đối mặt với “những bộ mặt không thiện cảm hoặc thù nghịch, có cả hoảng sợ, những giọng nói vút cao thành tiếng thét”. Những việc làm như nhảy múa, ăn táo trong siêu thị rồi bĩnh ra vô ý thức của em là hành động đáng ghê tởm với họ. Cùng sống trong một cộng đồng nhưng ở nơi đây thiếu vắng tình thương dành cho những đứa trẻ không may gặp cảnh ngộ bất hạnh như Myszka. Sự lạnh lùng, thờ ơ, thậm chí ghét bỏ của mọi người xung quanh đã bóp nghẹt trái tim non nớt của một đứa trẻ trước sự sống. Nó những tưởng nơi nó được sinh ra phải là một thế giới đầy ắp hạnh phúc, tiếng cười và sự chan hòa yêu thương của tất cả mọi người. Nhưng ngược lại, ở nơi đó, người ta chỉ dành sự cảm mến ấy cho những đứa trẻ hoàn hảo, xinh đẹp, giỏi giang.

Thiếu vắng tình thương của người cha đã là một thiệt thòi quá lớn đối với một đứa trẻ tật nguyền như Myszka. Cộng đồng, những người xung quanh cũng không đối xử một cách công bằng với em. Họ luôn để ý, kỳ thị những đứa bé như Myszka.

Cũng có lẽ vì thế, những đau khổ mà Myszka phải chịu đựng khi ở dưới đã được Chúa trời bù đắp khi em bước chân vào Vườn địa đàng. Nơi ấy giống như thiên đường, chỉ có hạnh phúc không có khổ đau. Những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh giống Myszka thậm chí có em còn chưa có cơ hội chào đời đều được hưởng sự công bằng, được ca hát, nhảy múa và làm điều mình thích. Sự khác biệt giữa không gian trên-dưới, cao-thấp càng làm tăng thêm nỗi xót xa trong suy nghĩ của nhân

vật. Từ đó, nhà văn muốn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa tới người đọc: Mọi đứa trẻ đều xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự chào đón.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong tiểu thuyết Quà của Chúa của Dorota Terakowska (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)