II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
4. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc
a) Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức
Từ 1924, Người cho rằng: “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương: 1- Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng
chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng...”1.
Người phê phán việc lấy ám sát cá nhân và bạo động non làm phương thức hành động. Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc “là sự nghiệp của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”2.
Trong CMT8 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Chí Minh luôn lấy nhân dân làm nguồn sức mạnh. Người nói: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”3.
Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân là then chốt bảo đảm thắng lợi.
b) Lực lương của cách mạng giải phóng dân tộc
Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, trừ bọn tay sai bán nước, tất cả mọi giai tầng ở Việt Nam đều có khả năng tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh phân tích: “... dân tộc cách mạng thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”4.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người khẳng định lực lượng cách mạng là bao gồm cả dân tộc.
Trong phạm vi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà đối tượng cần đánh đổ trước hết là bọn đế quốc và đại địa chủ phong kiến tay sai, Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị làm nô lệ trong một mặt trận dân tộc thống nhất nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Sách lược vắn tắt chỉ rõ “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,.. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì cần phải đánh đổ”5.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.468-469
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 2, tr.261-262
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2002, tập 1, tr.192