a) Về công tác quản lý đối tượng nộp thuế
Công tác quản lý thuế đối với hộ khoán thuế, hộ kinh doanh vãng lai, thời vụ…còn nhiều bất cập, nhất là về thủ tục, hồ sơ còn nhiều sai sót, chưa đảm bảo đúng quy trình quản lý thu thuế hộ kinh doanh theo quy định tại quy trình 2248/QĐ-TCT; chưa kiểm tra kịp thời các hộ cá thể có đơn xin ngưng, nghỉ kinh doanh để ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp ngưng, nghỉ giả…gây thất thu về hộ, thất thu về thuế.
b) Công tác kiểm tra tờ khai thuế
Tuy số lượng và chất lượng kê khai có nâng lên, song đến nay tình trạng nộp chậm tờ khai thuế vẫn còn diễn ra. Một số doanh nghiệp và hộ cá thể kê khai chưa sát với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của mình, thậm chí còn thấp hơn hộ kinh doanh cá thể cùng ngành nghề, cùng qui mô kinh doanh trên địa bàn, nhưng cơ quan thuế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, vì chỉ kiểm tra tờ khai chưa đủ chứng lý để kết luận doanh nghiệp, hộ cá thể khai man trốn thuế. Tuy nhiên theo quy định của Tổng cục Thuế thì các trường hợp này Chi cục Thuế phải tiến hành kiểm tra tại doanh nghiệp, tại cơ sở ngay khi có dấu hiệu vi phạm, nhưng với số lượng cán bộ đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ làm công tác kiểm tra còn quá ít, nên số cơ sở kinh doanh được kiểm tra tại cơ sở trong thời gian còn hạn chế so với số lần kiểm tra. Từ đó hạn chế rất lớn đến hiệu quả chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kê khai.
Một số quy phạm khác trong kê khai thường thấy và vẫn còn đang tồn tại tại các cơ sở kinh doanh là: Do chủ cơ sở kinh doanh tự kê khai thuế trong khi cán bộ thuế thiếu kiểm tra, giám sát dễ dẫn đến kê khai tùy tiện, thấp hơn nhiều so với doanh thu và thu nhập thực tế, tự điều chỉnh giá mua, giá bán sai lệch so với thực tế, trong khi cơ quan thuế không nắm rõ tình hình biến động của thị trường thì các sai phạm này hầu như không bị phát hiện.
c) Công tác đôn đốc thu nợ thuế
Chi cục Thuế đã thực hiện tốt theo Quyết định số 1395/QĐ-TCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục thuế về việc ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và đặc biệt thực hiện nghiêm công văn số 1563/UBND-KT ngày 20/04/2012 về việc thành lập Đoàn công tác liên ngành chống thất thu và thu hồi nợ thuế trên địa bàn thành phố. Tuy vậy tình hình thu nợ thuế vẫn chưa đạt được mục tiêu
đặt ra và tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài nhiều năm vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Doanh nghiệp:
+ Do chưa nắm rõ Luật Quản lý thuế và nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa tự giác, cá biệt có doanh nghiệp cố tình dây dưa chiếm dụng tiền thuế, nhiều trường hợp đã được đôn đốc nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình nợ thuế.
+ Tình hình kinh tế khó khăn chung làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên khả năng nộp thuế gặp nhiều khó khăn.
+ Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc gia hạn nộp thuế, kể cả các khoản thuế truy thu cho doanh nghiệp chỉ được áp dụng trong một số trường hợp gặp khó khăn (thiên tai, dịch họa, dịch chuyển nơi sản xuất hay do Nhà nước thay đổi chính sách) mà không áp dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan dẫn đến việc gia tăng nợ thuế.
- Cơ quan thuế:
+ Do cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên khi thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế đạt kết quả chưa cao.
+ Xử lý chưa kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế. + Công tác phối hợp chưa đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ phận trong và ngoài ngành thuế trong quản lý thu.
d) Công tác thanh tra, kiểm tra
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong thời gian qua tại Chi cục Thuế mặc dù đạt được một số kết quả tích cực tuy nhiên các hiện tượng vi phạm các quy định về thuế vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân là do:
Chưa có quy trình phân loại kiểm tra có hệ thống, khoa học để nhằm phát hiện đối tượng có nhiều khả năng trốn thuế, lậu thuế để tiến hành thanh tra, do vậy hiệu quả của thanh tra thuế vẫn chưa cao.
Nhìn chung vẫn còn một bộ phận cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay; bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế mỏng về số lượng, bên cạnh trình độ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng còn nhiều hạn chế nên hiệu quả thanh tra, kiểm tra chưa cao.
Việc tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm theo quyết định của thanh tra thuế chưa đủ sức răng đe, quyền hạn của bộ phận thanh tra, kiểm tra cũng còn ít nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra.
e) Công tác quản lý hóa đơn chứng từ
Cơ quan thuế đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đấu tranh với các hành vi gian lận trong việc tạo, in và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh lại mang theo hóa đơn; mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khấu trừ thuế; ghi hóa đơn không đúng quy định; sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty, ẩn lậu doanh thu; bán hàng
không xuất hóa đơn ở các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, xây dựng diễn ra phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp ma khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.
f) Trả lời các vướng mắc của đối tượng nộp thuế
Công tác tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế tuy đã được tăng cường nhưng hình thức chưa phong phú, chưa dựa trên cơ sở phân tích nhu cầu của đối tượng nộp thuế, còn thụ động, chỉ thực hiện khi có thắc mắc của đối tượng nộp thuế. Mặt khác công tác đối thoại với đối tượng nộp thuế không đảm bảo số cuộc đối thoại theo quy trình quy định, khâu nội dung phần lớn được chuẩn bị chu đáo, mặc dù Chi cục Thuế phát thơ mời với mỗi lần đối thoại trên 150 thơ mời nhưng các đối tượng được mời tham dự rất thấp chỉ đạt khoảng 50% số người tham dự.
CHƯƠNG 3