Chương III: Kiến nghị.
3.2.1. Một số nhận xét đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa của Chi nhánh:
hàng hóa của Chi nhánh:
Từ thực tiễn đã phân tích một hợp đồng cụ thể của Chi nhánh ký kết với một công ty tư nhân ở Chương II, mục II thấy rằng:
+ Hợp đồng vận chuyển hàng hoá của Chi nhánh được lập bằng hình thức văn bản là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thì các vấn đề mà pháp luật quy định một hợp đồng vận chuyển hàng hoá cần phải có thì trong hợp đồng cụ thể trên cũng đề cập đến như:
Về chủ thể của hợp đồng: Chi nhánh Hoà Bình là chủ thể kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa, có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ của mình. Trong hợp đồng có đưa ra những thông tin về: Người đại diện tham gia ký kết hợp đồng của các bên và chức vụ của họ, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, tài khoản tại ngân hàng của các bên. Đây là những thông tin cần thiết phải đưa ra trong một bản hợp đồng thông thường.
Trong hợp đồng cũng đã ghi rõ về: Đối tượng của hợp đồng; Địa điểm và thời gian thực hiện hợp đồng; Cước phí vận chuyển; Địa điểm thanh toán và phương thức thanh toán theo đúng quy định của pháp luật hiện hành là Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005.
+ Tuy nhiên, trong bản hợp đồng của Chi nhánh ký kết với công ty tư nhân Kim Chất còn có những điểm thiếu sót như:
Trước hết cần phải nói đến hình thức của bản hợp đồng thì thấy ngay rằng tại thời điểm ký kết hợp đồng là năm 2007 nhưng những căn cứ pháp luật mà bản hợp đồng đưa ra để làm cơ sở cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng là sai với những quy định của pháp luật hiện hành, bởi các văn bản trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi các văn bản khác đó là: Luật giao thông đường thuỷ nội địa 2004, Bộ luật dân sự 2005, Luật thương mại 2005.
Bên Chi nhánh Hoà Bình theo Quy chế tổ chức và hoạt động thì Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Chi nhánh, như vậy thì phó giám đốc là người thay mặt Chi nhánh ký kết hợp đồng chỉ là người đại diện theo uỷ quyền nhưng trong hợp đồng không ghi rõ về Giấy uỷ quyền. Ngoài ra trong hợp đồng cũng không đề rõ đến vấn đề phương tiện vận tải sẽ tham gia vận chuyển. Về cước phí vận chuyển cũng không đề cập đến vấn đề cước phí bến bãi, cước phí qua trạm thu phí…
Trong bản hợp đồng không đề cập đến một số giấy tờ khác như: Giấy giao nhận hàng, vận đơn cho từng chuyến hàng bởi hợp đồng diễn ra trong thời gian dài và việc vận chuyển được tiến hành vào mỗi tháng. Bản hợp đồng cũng đưa ra thoả thuận về chi phí mua bảo hiểm cho hàng hoá của bên A hay chi phí mua bảo hiểm phương tiện vận tải đường sông của bên B, cũng như không ghi rõ thoả thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. 3.1.1.2. Đối với việc thực hiện hợp đồng:
Trong bản hợp đồng đã ghi cụ thể những nghĩa vụ mà Chi nhánh cũng như Công ty tư nhân Kim Chất phải thực hiện để đảm bảo việc hợp đồng được thực hiện đúng với những quy định của pháp luật. Theo đó thì đã thoả thuận rõ về các trách nhiệm của Chi nhánh về việc đảm bảo vận chuyển theo tiến độ, trách nhiệm về an toàn cho người, phương tiện và hàng hoá trong quá trình vận chuyển, trách nhiệm bồi thường nếu làm mất, hư hỏng hàng hoá cho bên công ty Kim Chất. Bên công ty Kim Chất cũng có những trách nhiệm được ghi rõ trong hợp đồng như: trách nhiệm về tính hợp pháp và chất lượng của hàng hoá, cử người để giao nhận hàng và ký nhận khối lượng để làm cơ sở thanh toán, trách nhiệm thanh toán cho bên Chi nhánh, trách nhiệm bốc xếp hàng tại Cảng nơi đến.
Tuy nhiên, trong hợp đồng chỉ ghi rõ những nghĩa vụ của các bên mà không có những thoả thuận về quyền lợi của mỗi bên theo quy định tại Luật giao thông đường thuỷ nội địa 2004, như: Với bên Chi nhánh, là người kinh doanh vận chuyển hàng hoá thì có quyền: sẽ được miễn bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật; Có quyền từ chối vận chuyển nếu bên thuê vận chuyển không giao hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng hay lưu giữ hàng hoá nêu bên thuê vận chuyển không thanh toán đủ cước phí vận chuyển…
Còn bên thuê vận chuyển cũng có những quyền như: Từ chối thực hiện hợp đồng nếu phương tiện vận tải không đúng với thoả thuận trong hợp đồng.
3.1.1.3. Đối với việc giải quyết tranh chấp:
Việc giải quyết khi xảy ra tranh chấp đã được hai bên thoả thuận và thống nhất trong hợp đồng với hình thức bước đầu là thương lượng giữa các bên, trường hợp thương lượng không được sẽ giải quyết tranh chấp tại toà án tỉnh Hoà Bình. Như vậy về cơ bản việc thoả thuận giải quyết tranh chấp này là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng trong hợp đông không có thoả thuận về việc chịu những chi phí trong quá trình giải quyết bằng hình thức toà án.
3.2. Một số kiến nghị:
3.2.2.1. Ký kết hợp đồng:
Trước hết cần phải nói đến những căn cứ pháp luật để ký kết và thực hiện hợp đồng thì thấy rằng những căn cứ mà bản hợp đồng cụ thể của Chi nhánh đưa ra ở phần Chương II đã không còn được dùng để điều chỉnh hợp đồng kinh tế tại thời điểm mà các bên ký kết hợp đồng. Mà những văn bản điều chỉnh phải là: Luật giao thông đường thuỷ 2004, Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005.
Đối với chủ thể tham gia ký kết hợp đồng thì Chi nhánh tham gia ký kết hợp đồng với tư cách là chủ thể kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hoá, người đại diện theo
pháp luật của Chi nhánh mà cụ thể là giám đốc Chi nhánh sẽ là người đại diện Chi nhánh ký kết hợp đồng. Trong trường hợp Giám đốc của Chi nhánh không tham gia ký kết thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho một người có đủ thẩm quyền trong Chi nhánh ký kết hợp đồng. Khi đó, trong bản hợp đồng phải ghi rõ giấy uỷ quyền do Giám đốc Chi nhánh ký.
Trong bản hợp đồng cần ghi thoả thuận về phương tiện vận chuyển của bên kinh doanh vận chuyển như: Số đăng ký của phương tiện, những khả năng cần thiết đảm bảo cho việc vận chuyển của bên thuê như: số lượng, tốc độ, mái che của phương tiện..
Ngoài ra trong bản hợp đồng cũng cần có thoả thuận về: Việc giải quyết hao hụt hàng hoá và thoả thuận về người áp tải hàng hoá (nếu cần) do bên thuê vận chuyển cử theo phương tiện để áp tải hàng;
Cần có thoả thuận rõ ràng về đăng ký bảo hiểm như: Chi phí mua bảo hiểm hàng hoá và chi phí mua bảo hiểm phương tiện vận tải với công ty bảo hiểm trong hợp đồng. Đây chính là một trong những biện pháp để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng của mỗi bên đồng thời cũng là cơ sở để xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quá trình thực hiện hợp đồng của các bên. Cũng cần thấy rằng đối với bên kinh doanh vận chuyển hàng hoá thì việc mua bảo hiểm phương tiện vận tải là điều kiện bắt buộc khi đưa phương tiện vào hoạt động do vậy trong hợp đồng rất cần phải có điều khoản này.
3.2.2.2. Thực hiện hợp đồng:
Như đã nhận xét ở mục 1 thấy rằng trong bản hợp đồng Chi nhánh Hoà Bình ký kết với Công ty tư nhân Kim Chất thì chỉ có những thoả thuận về trách nhiệm của các bên tham gia ký kết mà không có thoả thuận rõ về quyền lợi của mỗi bên và một số trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.
Một số quyền của các bên đã được pháp luật quy định như:
+ Đối với người kinh doanh vận chuyển hàng hoá: Không phải bồi thường nếu mức hao hụt dưới mức thoả thuận; Không phải bồi thường nếu bên thuê báo mất mát, hư hỏng sau khi đã nhận hàng và ký vào biên bản xác nhận.
+ Đối với người thuê vận chuyển: Có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải vận chuyển đúng phương tiện đã thoả thuận trong hợp đồng; Được bồi thường nếu có hao hụt trên mức thoả thuận hay trước và trong khi giao nhận hàng phát hiện có mất mát, hư hỏng..
Cũng cần phải có thoả thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng của các bên như: + Bên nào vi phạm hợp đồng, một mặt phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng, mặt khác nếu có thiệt hại xảy ra do lỗi vi phạm hợp đồng dẫn đến như mất mát, hư hỏng tài sản phải chi phí để ngăn chăn hạn chế thiệt hại do vi phạm gây ra, tiền phạt do vi phạm hợp đồng khác và tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba là hậu quả trực tiếp của sự vi phạm này gây ra.
+ Nếu bên thuê vận chuyển đóng gói hàng mà không khai hoặc khai không đúng về số lượng, trọng lượng thì bên thuê vận chuyển phải chịu phạt.
+ Bên vận chuyển làm hư hỏng hàng hoá trong quá trình vận chuyển. + Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bên thuê vận chuyển.
+ Việc một bên tham gia ký kết hợp đồng không thực hiện hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng.
Trong hợp đồng nên có thoả thuận về trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 94 Luật giao thông đường thuỷ nội địa 2004, gồm các trường hợp sau đối với người kinh doanh vận chuyển:
+ Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép;
+ Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phương tiện, hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi;
+ Do nguyên nhân bất khả kháng;
+ Do lỗi của người thuê vận chuyển, người nhận hàng hoặc người áp tải hàng hoá. Đối với người thuê vận chuyển cũng được miễn trách nhiệm bồi thường vi phạm hợp đồng trong trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng.
3.2.2.3. Việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trong thời gian thực hiện hợp đồng: Trong bản hợp đồng ngoài thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng trước, nếu không thành sẽ giải quyết bằng hình thức toà án hoặc trọng tài thương mại với việc thoả thuận rõ toà án có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Việc lựa chọn hình thức trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp cần nêu rõ tên trung tâm trọng tài sẽ giải quyết nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên. Ngoài ra cũng cần có điều khoản thoả thuận về việc chi trả lệ phí cho những hoạt động kiểm tra xác minh và lệ phí toà án của các bên.
KẾT LUẬN
Từ việc phân tích những chế định pháp lý trong ký kết, thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hoá ta thấy được vai trò quan trọng của dịch vụ vận chuyển đường thuỷ nội địa hiện nay, khi giao thông đường bộ ngày càng trở nên hạn chế do số lượng phương tiện quá dày đặc, mặt khác là thúc đẩy tích cực công tác bảo vệ môi trường. Với những số liệu thực tiễn về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách và hợp đồng vận chuyển hàng hoá của Chi nhánh Hoà Bình trực thuộc TCT vận tải thuỷ dễ dàng nhận thấy đơn vị đang ngày càng ra sức phát
triển hoạt động kinh doanh của mình, tận dụng triệt để nguồn lợi tự nhiên của nơi hoạt động để phục vụ nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, pháp nhân khác, đồng thời cũng thu lại nguồn lợi lớn từ những hoạt động trên. Tuy vậy trong hoạt động Chi nhánh vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng vận chuyển cần phải khắc phục. Trong tương lai với việc mở rộng phạm vi kinh doanh bắt kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường thì Chi nhánh Hoà Bình được đã và đang dần hoàn thiện việc nắm chắc hơn những kiến thức pháp luật để các hợp đồng dịch vụ giữa Chi nhánh với các chủ thể khác được ký kết và thực hiện đảm bảo có hiệu lực và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các cô, chú trong Chi nhánh Hoà Bình trực thuộc TCT vận tải thuỷ và đặc biệt em xin cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của Ths. Đinh Hoài Nam và Ths. Nguyễn Hoàng Vân đã giúp em hoàn thành chuyên đề này.