Chương III: Kiến nghị.
3.1.2. Một số kiến nghị:
Từ những nhận xét trong quá trình áp dụng pháp luật vào hoạt động thực tiễn vận chuyển hành khách của Chi nhánh, với việc chỉ ra những điểm đã làm được và những thiếu sót thì có thể đưa ra một vài kiến nghị như sau để hoàn thiện hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của Chi nhánh:
3.1.2.1 Đối với việc ký kết hợp đồng vận chuyển hành khách:
Vì Danh sách vận chuyển hành khách do Chi nhánh lập ra có một ý nghĩa quan trọng là nó thay thế cho hình thức vé hành khách được quy định trong Luật giao thông đường thuỷ 2004 và đặc biệt đây chính là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa Chi nhánh với hành khách nên Danh sách này cần phải được ghi đầy đủ những thông tin mà một hợp đồng vận chuyển hành khách lập bằng hình thức văn bản phải có như: Số đăng ký phương tiện vận chuyển; Ngày giờ phương tiện rời bến; Tên cảng, bến đi và tên cảng, bến đến; Địa điểm thanh toán; Phương thức thanh toán. Việc lên danh sách hành khách là hình thức chứng nhận là những hành khách đó đi trên phương tiện của Chi nhánh nhưng
cần phải có cả chữ ký của hành khách để đảm bảo cho việc họ hoàn toàn đồng ý với những điều khoản mà Chi nhánh đã đưa ra đối với hợp đồng vận chuyển hành khách mà họ tham gia với tư cách là người thuê vận chuyển và cũng là để chứng thực cho việc họ đã trả cước phí vận chuyển. Ngoài ra trong Danh sách vận chuyển hành khách Chi nhánh cũng nên ghi đầy đủ những quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh cũng như quyền và nghĩa vụ của hành khách, việc này thể hiện sự công khai và làm minh bạch để hành khách có thể nắm rõ hơn về những quy định của pháp luật, và từ đó họ sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. Ngoài ra Danh sách này là do Chi nhánh lập ra nên rõ ràng là cần phải có dấu của Chi nhánh và chữ ký của người đại diện Chi nhánh theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền. Việc này đảm bảo cho sự đồng ý giao kết hợp đồng của Chi nhánh.
3.1.2.2.Đối với việc thực hiện hợp đồng:
Đối với việc thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách thì Chi nhánh cần phải thực hiện đúng những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận chuyển hành khách. Đồng thời cũng cần phải cho hành khách biết được những quyền mà họ được hưởng và nghĩa vụ mà họ phải tuân theo khi tham gia hợp đồng vận chuyển, ngoài ra hành khách còn phải tuân theo những quy định riêng khi ngồi trên phương tiện vận chuyển để đảm bảo cho việc vận chuyển được thuận lợi, đồng thời là đảm bảo cho sự an toàn về tính mạng và sức khoẻ của chính họ. Như vậy thì ngoài Danh sách vận chuyển của Chi nhánh lập cần phải ghi đầy đủ những quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia hợp đồng vận chuyển thì trên các phương tiện vận chuyển của Chi nhánh cần phải có bản nội quy riêng trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thì Chi nhánh cần phải đảm bảo việc chuẩn bị đầy đủ: các trang bị cứu sinh như: áo phao, phao tròn…; Trang bị
chữa cháy như : Bình CO2, bình nước, bình bọt, thùng cát, chăn…; Trang bị cứu đắm: Bơm nước và các dụng cụ khác…; Trang bị tín hiệu: đèn hiệu, âm hiệu, cờ hiệu…; Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm: Thiết bị lọc, hệ thống bơm chuyển hỗn hợp dầu nước, thiết bị chứa rác, thiết bị xử lý nước thải…
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại khi xảy ra bất kỳ thiệt hại nào về sức khoẻ, tính mạng cũng như tài sản đối với Chi nhánh cũng như hành khách thì cũng chưa được Chi nhánh quan tâm đề cập đến, nên những trường hợp dẫn đến việc bồi thường thiệt hại đối với các bên Chi nhánh cần phải đưa ra được những điều khoản cụ thể và ghi rõ, đồng thời phải có hình thức thể hiện cho hành khách được biết.
3.1.2.3.Đối với việc giải quyết tranh chấp:
Để đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp giữa Chi nhánh với hành khách có thể xảy ra trong quá trình hoạt động dịch vụ vận chuyển thì Chi nhánh cần cụ thể hoá những quy định về các cách thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp trong bản Quy chế tổ chức và hoạt động thành những quy định và được ghi rõ ràng trong bản Danh sách vận chuyển hành khách để có thể cho hành khách nắm rõ được những cách thức giải quyết và việc ký vào bản Danh sách sẽ là sự đồng ý giao kết hợp đồng, trong đó có cả thoả thuận về cách thức giải quyết. Như vậy, Chi nhánh nên cụ thể đưa ra toà án cụ thể đối với việc giải quyết bằng toà án khi xảy ra tranh chấp, có thể là toà án tỉnh Hòa Bình.